Bạn đủ tỉnh táo, bạn không phải “gà mờ” và bạn đầy ắp kiến thức bảo vệ mình khi vi vu trên mạng? Nhưng bạn có đủ tự tin rằng mình sẽ không bị sập bẫy khi đám lừa phỉnh trên mạng ngày một thông minh, ngày một “quái”?

Xưa rồi cái thời bịp trúng thưởng sổ xố hàng triệu đôla qua hòm thư điện tử. Cư dân mạng giờ đây cũng thừa đủ kiến thức để bảo vệ mình trước cám dỗ.

Nhưng từ những trò lừa gạt mang tính chất kỹ thuật đơn thuần, nhắm vào sự bất cẩn của người dùng mạng, những kẻ lừa phỉnh trên mạng bắt đầu dồn sức cho những mục tiêu tâm lí rõ nét.

Cái "bẫy" tâm lí tốn tiền dành cho "tóc vàng hoe"

Một trong những chiêu lừa đảo tâm lí phổ biến hiện nay có tên gọi "xa mà gần, gần mà xa". Đây là "cái bẫy mạng" đánh đúng vào tâm lí lỏng lẻo, dễ cô đơn và yếu mềm của phái nữ. Lợi dụng tình thương, sự quan tâm nhằm kiếm tiền của người cả tin là cách dịu dàng và dễ nghe hơn bao giờ hết.

Phương Lan, 21 tuổi, quen với một anh bạn người Úc tên Steve qua mạng lưới làm quen VS. Mối quan hệ chat chit qua mạng kéo dài hơn 2 tháng thì anh chàng ngỏ ý muốn mua tặng Lan một chiếc laptop, đồ nữ trang và phấn trang điểm đắt tiền. Ô kìa, chẳng mất gì mà lại được một đống đồ "ngoại quốc", Lan gật đầu đồng ý, cho địa chỉ và tất nhiên rất tự hào về chàng trai hào phóng của mình.

Steve nói đã gửi đồ và hàng ngày đều thúc giục cô nàng theo dõi xem đồ gửi đảm bảo qua bưu điện đã nhận được chưa. Bất ngờ vào một ngày đẹp trời, Lan nhận được một lá thư gửi từ Malaysia với nội dung đại ý rằng đống đồ gửi tới cho cô nàng đang nằm ở hải quan của nước này, Lan phải đóng một khoản thuế đặc biệt là 10% tổng giá trị món hàng qua tài khoản tín dụng nếu muốn những món đồ tiếp tục cuộc hành trình nguyên vẹn tới tay mình.

Một phần vì mối quan hệ với Steven là một điều bí mật thú vị, một phần vì cả nể anh chàng ngoại quốc này, đống giấy tờ được làm rất công phu với những địa chỉ và email y như thật, Lan bỏ qua việc tham khảo ý kiến bạn bè, không ngần ngại chạy vạy gửi ngay hơn 600 USD vào tài khoản đó.

Chờ mãi mà không thấy đồ đạc gửi tới, tìm cách liên lạc thì anh chàng Steve cũng biến mất, Lan đã mắc vào bẫy "xa mà gần, gần mà xa" của một kẻ mạo danh.

Ở đây chẳng hề có một anh chàng tóc vàng nào tên Steve ở Úc, chỉ có Lan là "tóc vàng hoe" vì quá tin người. Kẻ mạo danh nhiều khả năng sống ở ngay Malaysia và khi có địa chỉ của Lan, hắn làm giả một bức thư loằng ngoằng tiếng Anh với rất nhiều con số với mục đích là có thể moi được của nạn nhân càng nhiều tiền càng tốt.

“Bẫy tâm lí” của của những kẻ du ngoạn ghé thăm

Cách đây không lâu, sau khi chia tay người yêu, Thu, một cô bạn khá nhút nhát làm quen với nickname “Traveller”, người Pháp trên Facebook. Sau một thời gian thấy hợp khi giao tiếp và cùng chung nhiều sở thích, cả hai trao đổi thông tin cá nhân.

Lẽ thường, khi những câu chuyện trao đổi hàng ngày trở thành thói quen, họ thấy gần nhau hơn. Ngay khi Thu có dấu hiệu quý mến anh chàng này, “Traveller” lập tức quyết định tới Việt Nam để gặp Thu.

Cũng vì mọi chuyện quá rõ ràng và sẽ có cơ hội để gặp nhau, Thu không ngần ngại việc sẽ làm hướng dẫn viên cho chuyến hành trình của anh ta ở Việt Nam.

Ra tận sân bay đón, chăm sóc như một người đặc biệt, Thu chết mê chết mệt và lao vào vòng tay của “người lạ mà quen” này lúc nào không biết. Trước khi rời khỏi Việt Nam, anh ta có hẹn ngày quay trở lại nhưng rõ ràng là đó sẽ là một tương lai không tưởng. Thu “sập bẫy” của những kẻ du ngoạn dẻo miệng lừa phỉnh từ lâu đã có ý định tới Việt Nam du lịch.

Tránh vỏ dưa, tránh luôn vỏ dừa

Sẽ không thể có những câu chuyện kỳ cục như trên xảy ra nếu bạn là một cư dân mạng hiểu biết và đầy trách nhiệm. Với từng hành vi của mình, khi vi vu trên mạng, sự thận trọng sẽ giúp bạn thể hiện cá tính cũng như chủ động hơn với từng mối quan hệ. Bạn cần có một màng lọc nhiều chiều, biết tiếp thu và chọn lọc kỹ càng.

Tất nhiên là bạn hoàn toàn có thể tránh “vỏ dưa” mà chẳng gặp “vỏ dừa” nào cả, tin rằng bạn cũng đủ thông minh và tỉnh táo để phá bẫy. Nhưng hãy luôn cẩn trọng vì đám lừa phỉnh, phá bĩnh thì ngày càng lắm chuyện và quái gở hơn rất nhiều.

Theo Sinh Viên VN.




Bình luận

  • TTCN (0)