Chiếc điện thoại nhái Nokia 8800 Saphire Art được rao bán trên mạng chỉ 2 triệu đồng trong khi giá của hàng chính hãng lên đến 21 triệu đồng. Ảnh màn hình

Nhiều điện thoại thương hiệu tên tuổi như Nokia, iPhone, Mobiado, Vertu... được rao bán với giá rất rẻ và người mua không ngần ngại bởi đã biết đó là hàng "fake".

Chỉ cần lên trang tìm kiếm Google, gõ vào từ khóa "điện thoại fake" người dùng ngay lập tức nhận được vô số lời rao bán điện thoại nhái. Các điện thoại "fake" được rao nhiều nhất là dòng E và N của Nokia.

Trên website 123mua.com, chiếc điện thoại đình đám N97 của Nokia giá gần 13 triệu được bán với tên gọi Fake Nokia N97 bản copy chỉ 2,5 triệu đồng. Chiếc Nokia E71 "fake" hai sim đầy đủ chức năng quay phim, nghe nhạc, thẻ nhớ ngoài, được bán gần 2 triệu đồng trên raovat.xalo.vn.

Những người yêu thích iPhone cũng có thể lên Internet tìm cho mình một chiếc y như thật, với giá khoảng trên dưới 3 triệu đồng. Anh Ngọc Liên, một nhân viên văn phòng ở TP HCM, đã mua một chiếc iPhone 3G fake sản xuất tại HongKong giá chỉ 2,7 triệu đồng. "Nhìn bề ngoài thì iPhone nhái giống hệt iPhone thật, từ màn hình cảm ứng, logo, giao diện đến các ứng dụng bên trong. Tất nhiên là iPhone fake không có khay đựng sim mà chỉ dùng nắp đậy sim và độ nhạy màn hình cảm ứng thì không bằng", anh Liên cho biết thêm.

Chiếc Goldvish Revolution "fake" cao cấp có thân máy làm bằng kim loại không gỉ, bề mặt mạ Titanium, chữ số trên bàn phím được xuyên thấu bằng tia laser, được bán giá 6,2 triệu đồng trên rongbay.com. Nhiều người tìm mua Motorola Aura giá chưa tới 2 triệu đồng, trong khi đó bản gốc có giá 2.000 USD. Anh Quang Hà, chủ nhân một chiếc Aura giả, nói vui: "Chủ yếu mua là để 'hù dọa' bạn bè chơi thôi vả lại tôi cũng thích sưu tầm điện thoại lạ".

Trang mua bán trực tuyến enbac.com đã lập riêng chuyên mục "Điện thoại Fake/nhái" cho khách hàng có nhu cầu đăng tin mua bán điện thoại loại này. Tại đây có thể dễ dàng tìm những loại điện thoại cao cấp được rao với giá rất rẻ. Đơn cử như chiếc điện thoại Vertu Yellow Gold được bán chỉ có 3,9 triệu đồng, trong khi chiếc có giá thấp nhất trong những bộ sưu tập Vertu chính hiệu lên đến vài nghìn đô.

Trao đổi với phóng viền, người chịu trách nhiệm nội dung của enbac.com cho biết, chuyên trang mua bán điện thoại "fake" này được lập nhằm giúp cho người tiêu dùng có thể phân biệt được điện thoại giả và thật, tránh trường hợp bị lừa mua phải hàng nhái mà không biết.

Ngoài những thương hiệu quen thuộc, còn có nhiều điện thoại nhái ăn theo những thương hiệu nổi tiếng khác như Louis Vuitton, Tag Heuer, Rolex, Ferrari... Cầm trên tay chiếc điện thoại Louis Vuiton được mạ vàng sáng loáng giá chưa đến 3 triệu đồng, anh Quốc Tuấn, nhân viên một công ty truyền thông, chia sẻ: "Tính năng thì cũng bình thường, nhưng thiết kế bên ngoài khá đẹp, gắn lớp giả da với logo Louis Vuitton rất bắt mắt nên tôi mua ngay".

Điện thoại nhái hiện được nhiều người chấp nhận vì thiết kế thời trang, khá tiện dụng, phù hợp với sở thích sưu tầm điện thoại "hàng hiệu" và túi tiền của khá nhiều người. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn thận suy xét kỹ trước khi mua, tránh cảnh "tiền mất tật mang" vì rất khó kiểm chứng được chất lượng của những loại điện thoại này.

Theo VnExpress



Bình luận

  • TTCN (0)