Trên internet tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho bé.

Một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm quốc gia về Trẻ em mất tích và bị bóc lột của Mĩ đã tiết lộ rằng, hầu hết các bậc cha mẹ đều nói rằng họ đã thảo luận với con mình về việc sử dụng Internet và đưa ra những nguyên tắc an toàn buột trẻ phải tuân theo, nhưng gần một nửa trong số họ lại không hề chú ý kiểm tra những hoạt động của con mình trên mạng Internet.

Thêm vào đó, cuộc điều tra này cũng cho thấy rằng: hơn một nửa trẻ em không có được sự cho phép của cha mẹ khi sử dụng Internet và đồng thời, trẻ cũng không hề bị giới hạn số giờ được phép sử dụng Internet.

Nhiều bậc cha mẹ thất bại trong việc đưa ra những phương pháp an toàn cho bé trong việc sử dụng Internet, bởi họ luôn quan niệm rằng máy vi tính là một công cụ học tập hiệu quả và vô hại. Họ cho rằng những đứa trẻ sẽ tránh được những mối nguy hiểm từ bên ngoài nếu ở nhà hoặc ở trong phòng riêng và chơi cùng chiếc máy vi tính. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Giống như tất cả mọi lĩnh vực khác trong cuộc sống, phụ huynh cần có sự giám sát và trao đổi với con mình về các hoạt động trên Internet. Bạn cũng có thể cài đặt một phần mềm bảo vệ trong máy vi tính để nhằm giúp bé tránh khỏi những trang web có nội dung xấu.

Dưới đây là 10 nguyên tắc an toàn cơ bản mà mọi phụ huynh đều cần trạng bị cho con mình trước khi cho trẻ sử dụng Internet:

1. Không bao giờ đưa thông tin cá nhân (như địa chỉ nhà, số điện thoại, tên trường học, tên cha mẹ…) lên Internet. Nhiều trang web và một số các dịch vụ online thường yêu cầu trẻ em cung cấp thông tin để được tham gia vào một cuộc thi nào đó hoặc thử vận may với các phần thưởng hấp dẫn. Một số website chỉ phép truy cập khi người sử dụng cung cấp những thông tin cá nhân. Tuy nhiên, khi những thông tin riêng tư ấy được đưa lên mạng, chúng hoàn toàn có thể làm tổn hại đến bản thân trẻ. Tên của trẻ có thể được sử dụng làm database để rao bán, hoặc tồi tệ hơn, những thông tin của trẻ có thể bị lợi dụng vào những mục đích xấu và nguy hiểm.

2. Bé cần biết rằng không nên gửi địa chỉ nhà, số điện thoại hoặc đưa hình ảnh cá nhân lên trang web. Nếu có người muốn liên hệ, hãy cho họ địa chỉ email. Tuy nhiên, trẻ cũng cần biết rằng, một khi địa chỉ mail được đăng lên, trẻ có thể nhận được những tín nhắn hoặc thư nằm ngoài ý muốn, nếu chẳng may trong đó có nội dung xấu (như đồi truỵ, bạo lực, khiêu dâm…) thì phải lập tức thông báo với cha mẹ.

3. Luôn báo với cha mẹ trong những trường hợp trẻ bị quấy rầy bởi những trang web nội dung xấu, hoặc khiến trẻ khó chịu. Phụ huynh có trách nhiệm liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ Internet để nhận được sự hỗ trợ hay thậm chí là báo với các cơ quan chức năng nếu cần thiết.

4. Tuyệt đối không được đồng ý hẹn gặp bất kỳ người nào quen qua mạng mà chưa có sự cho phép của bố mẹ. Nếu đã rõ thông tin về người này, cha mẹ có thể sắp xếp cuộc hẹn cho trẻ ở nơi công cộng và có sự giám sát của mình.

5. Tránh vào những chatroom về giới tính, tình dục hay nói về các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Cho dù có những cuộc trò chuyện có vẻ như dễ chịu và không hề quá khích nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm cho bé.

6. Đừng tin tưởng bất kỳ ai quen qua chat, nhất là khi họ dùng lời lẽ thuyết phục hay có ý kích động trẻ chống đối lại bạn bè, thầy cô, gia đình và tôn giáo.

7. Để tránh bị quấy rối, đừng đưa thông tin về giới tính của mình trong khi chat.

8. Không bao giờ được phản hồi những tin nhắn, thư từ hay các bản tin có tính khiêu dâm, đe doạ hoặc bất cứ nội dung kém lành mạnh nào khác.

9. Tuyệt đối không gửi những tài liệu cá nhân cho những người bạn trên mạng, bao gồm địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh và cả thông tin về cha mẹ.

10. Luôn nhắc nhở trẻ rằng những người mà chúng gặp và trò chuyện trên mạng đều là ảo và hoàn toàn có thể nói dối trẻ.

Theo Webtretho (Parenting)




Bình luận

  • TTCN (0)