Nhóm sản phẩm đầu tiên bảo vệ sản phẩm của mình trước Hội đồng Giám khảo.

Căng thẳng, kịch tính nhưng cũng không kém phần sôi động - đó là không khí chung của buổi chấm Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009 nội dung Công nghệ thông tin diễn ra ngày hôm nay, 17/11.

16 cá nhân, nhóm tác giả có sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo đã tập trung bảo vệ sản phẩm của mình trước Hội đồng Giám khảo. Hội đồng Chung khảo gồm 13 thành viên, chia làm 2 hội đồng, phản biện các sản phẩm thuộc 2 nhóm: nhóm sản phẩm có tiềm năng ứng dụng và nhóm sản phẩm đã ứng dụng rộng rãi trong thực tế. 

Các thành viên hội đồng Chung khảo đều là những Giáo sư, Tiến sỹ có uy tín trong lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Việt Nam. Hội đồng phản biện các sản phẩm đã ứng dụng thực tế gồm: TS. Nguyễn Minh Dân, Thiếu tướng - TS. Nguyễn Viết Thế, PGS.TS Dương Anh Đức, TS. Phùng Văn Ổn, TS. Nguyễn Sỹ Huề. Hội đồng phản biện các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng gồm các thành viên: GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (Chủ tịch Hội đồng Giám khảo), TS. Trần Đức Lai, TS. Nguyễn Long, TS. Hoàng Lê Minh, PGS.TS Lương Chi Mai, ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Tin học và Viễn thông Hà Nội, PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, TS. Hoàng Minh.

Rất dễ nhận thấy không khí căng thẳng nhưng cũng rất sôi động tại cả hai hội đồng. Các thí sinh hăng say bảo vệ cho sản phẩm của nhóm mình, đồng thời, Hội đồng Giám khảo cũng đưa ra những ý kiến phản biện mạnh mẽ, những câu hỏi xoáy sâu vào thế mạnh, tính ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm.   Tại Hội đồng phản biện, các sản phẩm đã ứng dụng trong thực tiễn, những câu hỏi tập trung chủ yếu vào sự so sánh lợi thế của các sản phẩm so với những sản phẩm khác cùng loại đang có trên thị trường, hay những cải tiến của sản phẩm khi ý tưởng của sản phẩm không phải là mới. Có nhóm tác giả gặp phải câu hỏi “hóc” khi BGK đánh giá thời gian thực hiện công việc bằng phần mềm của nhóm sẽ nhiều hơn so với với thời gian công việc đang được tiến hành bình thường trong thực tế, không sử dụng phần mềm.  

Ảnh
Các tác giả hăng say trình bày về sản phẩm của mình

Một số câu hỏi về bằng chứng cho sự ứng dụng thực tế của các sản phẩm này khiến các tác giả, nhóm tác giả gặp nhiều khó khăn để đưa ra được những lý lẽ thuyết phục nhất, xác thực nhất. BGK cũng nêu rõ, nếu các sản phẩm đã ứng dụng thực tiễn này có được những nhận xét của các cơ quan đã sử dụng sản phẩm thì sẽ rất có lợi khi trình bày trước BGK.

Bên cạnh đó, BGK cũng hoan nghênh một số nhóm đã tạo được một tên thương hiệu khá hay, tuy nhiên, việc hoàn thiện để cho sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường là một bài toán tương đối khó với các nhóm.   Tính an toàn và khả năng tìm kiếm, liên kết của các sản phẩm cũng được BGK xem xét rất kỹ lưỡng khi phản biện. Các tác giả bị “xoay” liên tục với những câu hỏi về cơ sở dữ liệu và tính an toàn, tính pháp lý của chúng.

Ảnh
Hội đồng Giám khảo làm việc rất căng thẳng để phản biện lại các tác giả.

Không khí tại Hội đồng phản biện các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng cũng “nóng” không kém. Vì là cá sản phẩm chưa được ứng dụng trong thực tế nên các câu hỏi của BGK chủ yếu xoay quanh vấn đề làm thế nào để có thể hoàn thiện sản phẩm và định hướng ứng dụng sản phẩm của các tác giả. Vấn đề bản quyền tác giả cũng được các giám khảo dành nhiều thời gian để hỏi vì nhiều sản phẩm là sự kết hợp của một số cá nhân hay một vài công ty với nhau.

Đặc biệt, tính pháp lý, sự chính xác của dữ liệu được Hội đồng giám khảo “soi” rất kỹ. Vấn đề được nhiều giám khảo đặt ra là trong trường hợp có sai sót, làm thế nào để có thể đối chiếu với dữ liệu gốc. Chính vấn đề này đã làm cho cuộc phản biện sản phẩm cuối cùng trong buổi sáng thực sự sôi nổi khi các giám khảo liên tục phản biện lẫn nhau để làm rõ vấn đề.  

Ảnh
Nhưng cũng không kém phần sôi nổi.

Nhiều ý tưởng của các tác giả trong nhóm sản phẩm này được BGK ủng hộ. Song, BGK cũng nêu rõ, để được triển khai rộng rãi trong thực tế, các tác giả cần có cái nhìn hệ thống hơn, có những kiểm tra kỹ lưỡng về các thuật toán để có thể xử lý được các lỗi khi có sai sót xảy ra.

Một trường hợp khá đặc biệt trong buổi phản biện hôm nay là sản phẩm “Tìm kiếm hình ảnh tương đồng trong cơ sở dữ liệu hình ảnh” của tác giả Hoàng Nguyên Vũ. Do tác giả đang sinh sống và học tập tại Pháp nên phần trình bày được diễn ra... trên mạng. BTC đã phải bố trí một lúc 2 chiếc máy chiếu, kèm loa và webcam để có thể nghe trình bày và phản biện lại sản phẩm này. Nhưng không phải vì vậy mà không khí kém phần sôi động. Hoàng Nguyên Vũ cũng bị “xoay” với rất nhiều câu hỏi về việc giải được bài toán rất khó mà mình đang nghiên cứu.

Phía ngoài hội trường, nơi các nhóm tác giả chờ đến lượt mình, sự căng thẳng hiện rõ trên nét mặt từng người. Thành viên nhóm phát triển tích hợp trực tuyến Junik không giấu được sự lo lắng: “Chúng tôi thực sự hồi hộp khi chuẩn bị bước vào trình bày sản phẩm của mình. Phần demo chúng tôi đã thực hiện rất ổn ở đây, nhưng vào trong đó, tôi sợ không khí nóng quá sẽ làm chúng tôi gặp trục trặc.”  

Ảnh
Phía ngoài, các tác giả hồi hộp chờ tới lượt mình.

Trái ngược với nhóm Junik, các thành viên nhóm SOS, tác giả của Hệ thống quản lý đất đai, xây dựng lại tỏ ra khá tự tin từ trước khi bước vào phòng phản biện lẫn khi bước ra ngoài. Anh Hoàng Anh, trưởng nhóm SOS cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi đã được ứng dụng trong thực tế và đang tiếp tục được phát triển, hoàn thiện hơn. Vì vậy, tất cả những nội dung của sản phẩm, chúng tôi nắm rất rõ, từ sự phát triển đến định hướng trong tương lai của nó.”

Thở phào sau khi bước ra khỏi phòng phản biện, nhóm tác giả sản phẩm Tiếng nói Phương Nam cũng tỏ ra khá tự tin, song cũng không giấu sự lo lắng khi trước đó bị BGK xoáy sâu vào vấn đề kinh phí đề hoàn thiện và phát triển nó trong thực tế.

Tất cả 16 tác giả, nhóm tác giả đã hoàn thành phần bảo vệ của mình trước Hội đồng Chung khảo và đang hồi hộp chờ kết quả chính thức được công bố trong ngày 20/11 tới đây.

Ngày mai, 18/11, Hội đồng giải thưởng sẽ nhóm họp lần cuối để xem xét các ý kiến phản biện về các công trình khoa học trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên nhằm lựa chọn ra những nhà khoa xứng đáng nhất được nhận giải trong năm 2009.

Theo Dân Trí



Bình luận

  • TTCN (0)