Vừa rồi nếu các bạn để ý, TTCN đã có khá nhiều bài giới thiệu các đợt khuyến mãi của những phần mềm thương mại. Tuy nhiên cũng có nhiều bài viết khác không được đăng. Ban quản trị (BQT) muốn được giải thích rõ quan điểm của mình trong bài viết này.

Đầu tiên, TTCN không khuyến khích giới thiệu các đợt khuyến mãi tặng bản quyền sử dụng miễn phí. Bởi vì đối với một phần mềm, không phải lúc nào cũng tìm được key miễn phí. Còn việc liên tục thay đổi phần mềm không phải là giải pháp tốt.

Do đó, TTCN thường chỉ giới thiệu các đợt khuyến mãi của những phần mềm được dùng phổ biến, mà đa số bạn đọc đang sử dụng. Rất nhiều phần mềm thu phí khác đều có các giải pháp thay thế tương đương bằng phần mềm miễn phí.

Dựa trên giấy phép sử dụng (hay mô hình kinh doanh), phần mềm được chia thành nhiều loại. Phần mềm thương mại là những phần mềm bắt buộc người sử dụng phải trả tiền. Trong số các phần mềm thương mại, có các phần mềm chia sẻ (shareware), cho phép dùng thử miễn phí trong một thời gian nhất định (thường bị giới hạn một số chức năng), sau đó bạn phải trả tiền để có thể sử dụng tiếp.

Trái ngược với phần mềm thương mại là phần mềm miễn phí: bạn có thể sử dụng mãi mãi mà không cần phải trả tiền. Phần mềm miễn phí cũng được chia thành nhiều nhóm. Phần mềm quảng cáo (adware) sẽ hiển thị quảng cáo khi bạn sử dụng, thí dụ điển hình nhất là Yahoo! Messenger. Một số phần mềm cung cấp mã nguồn kèm theo, và cho phép bạn thay đổi cũng như phần phối lại. Các phần mềm này được gọi là “phần mềm mã nguồn mở” (open source - theo định nghĩa của OSI) hoặc “phần mềm tự do” (free, theo định nghĩa của FSF).

Ảnh
Bởi vì phần mềm là tự do!

Một số phần mềm, thương mại hoặc miễn phí, cũng cho phép bạn sử dụng mã nguồn. Tuy nhiên, chúng không được gọi là phần mềm tự do hoặc phần mềm mã nguồn mở nếu chúng không cho phép bạn phân phối lại phần mềm sau khi đã sửa đổi.

Có một vài phần mềm mã nguồn mở nhưng không được FSF công nhận là phần mềm tự do, và ngược lại, một số phần mềm tự do nhưng không được OSI công nhận là phần mềm mã nguồn mở. Tuy nhiên, việc phân tích sâu hơn các chi tiết này nằm ngoài phạm vi bài viết, và cũng có thể nằm ngoài phạm vi kiến thức của tác giả bài viết ;) Đối với đa số người dùng, các phần mềm miễn phí, cung cấp cho bạn mã nguồn và cho phép bạn phân phối lại đều là các “phần mềm tự do nguồn mở” (FLOSS).

Ảnh
... và mã nguồn mở.

Hiện nay có rất nhiều phần mềm như vậy, thí dụ: Mozilla Firefox, Ubuntu, OpenOffice.org, Debian Linux, WordPress, Drupal... Với các phần mềm như vậy, bạn có thể sử dụng miễn phí, tự do thay đổi chúng theo ý muốn, và phân phối lại cho bạn bè mà không sợ vi phạm bản quyền phần mềm. Có nhiều phần mềm trong số này còn tốt hơn cả phần mềm thương mại, vậy tại sao không sử dụng?

Do đó, trong lĩnh vực phần mềm (ngoài ra còn có rất nhiều lĩnh vực khác), TTCN khuyến khích CTV viết bài giới thiệu những phần mềm miễn phí và phần mềm tự do nguồn mở. Thí dụ như giới thiệu các tiện ích (add-on) của Firefox, hướng dẫn sử dụng một số tính năng (cơ bản hoặc nâng cao) của OpenOffice.org, giới thiệu các phần mềm miễn phí nhưng hữu ích...

Phần mềm tự do nguồn mở rất đẹp. Chúng ta không nên bỏ qua mà hãy cũng nhau khám phá!

Hải Nam (thay mặt BQT TTCN).




Bình luận

  • TTCN (5)
Nguyễn Hồng Quân  14

TTCN

Lúc đầu đọc chữ TTCN lại dịch ra thành "Tuổi Trẻ Chủ Nhật".

Mãi sau nhìn thấy tên tác giả Hải Nam mới chợt nhớ ra là thongtincongnghe.com

ánh dương

Phần mềm miễn phí và nguồn mở

Tôi mơ ước đến một ngày tất cả những người học công nghệ thông tin đều chết đói vì.. phần mềm miễn phí. Lúc đó sẽ thực sự là một thế giới phẳng thằng không cũng chỉ ngang bằng trình độ của Hải Nam

nguyenthehuan  3

mình ước gì ubuntu có giao diện và  biểu tượng bé đi như thằng windown thì mình mới thích free.

Unbuntu to khủng bố màn hình cỡ nào cũng ko đủ cho nó

Keworld

ước là được

bạn dùng Linux Mint đi.. distro này phát triển dựa trên Ubuntu, 98% phần mềm trong kho trực tuyến của Ubuntu là chạy tốt trên Linux Mint. 

Linux Mint được tối ưu hóa để chạy nhanh hơn Ubuntu, tuy không ổn định bằng Ubuntu ( nhưng không phải là không ổn định) . Điểm đặc biệt là Linux Mint được thiết kế giao diện rất thanh lịch và gọn ràng, mình thích nhất là giao diện MintX-Metal của Linux Mint đến nỗi đã tìm cách mang nó vào Ubuntu.

Cao Việt Phong  13

Mình recommend Linux Mint Fluxbox!!

Mình khuyên bạn nếu như đã dùng Linux nói chung hay Linux Mint thì nên tìm đến bản Linux Mint Fluxbox http://bit.ly/fjJXa1

Mình thích bản này nhất vì tất cả mọi thao tác trên desktop đều được tích hợp duy nhất vào cú click chuột phải. Bản chất chạy của nó khác hẳn với Windows và MacOSX. Nó ko có desktop, ko có icon. Tất cả các icons nằm gọn trong cú click chuột phải. Tài nguyên tiêu tốn chỉ ngang XFCE. Mình thích nó vì nó khác hẳn tất cả các hệ điều hành từ trc đến nay. Ý tưởng mà team Fluxbox đưa ra quả thật rất sáng tạo, phân biệt bản sắc của Linux với MacOSX và Windows.

Bạn hãy thử download Linux Mint Fluxbox 9 về chạy thử LiveCD. Mình tin bạn sẽ không bao giờ hối hận!!

Theo như mình biết thì bản Fluxbox 10 sẽ ra vào cuối tháng 3 này với giao diện Mint-X-Metal. Nếu bạn thích xài Mint-X-Metal thì nên đợi.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi gì về Mint Fluxbox và cách dùng thì cứ post lên đây mình sẽ trả lời. Mình đang làm cái tutorial cho nó rôi. Khi nào xong sẽ gửi cho bác Hải Nam duyệt!