Tỉ lệ doanh thu từ các dịch vụ phi thoại ở châu Âu
Trước đây, thế giới di động từng vui vẻ so sánh con số thống kê của các nhà mạng. Doanh thu trung bình của một khách hàng (ARPU) là giá trị dùng để đánh giá sự thành công của một mạng di động. Ngày đó, mọi chuyện đều đơn giản: mỗi người một SIM, chỉ có dịch vụ thoại và SMS. Nhưng bây giờ tất cả đã thay đổi quá nhiều, ARPU không còn là một chỉ số thích hợp.

Các hạn chế của ARPU

Ngay từ năm 2007, các hạn chế của ARPU đã bắt đầu bộc lộ. Có quá nhiều yếu tố làm cho ARPU không còn phản ánh đúng khả năng thực sự của một mạng.

Dùng nhiều thẻ SIM

Rất nhiều người dùng trang bị hàng tá thẻ SIM, và điều này diễn ra ở nhiều nước. Thí dụ ở Việt Nam, mặc dù chỉ đa số người dân ở các thành phố lớn mới biết đến điện thoại di động, nhưng lượng thuê bao đã vượt xa dân số. Nhiều người thậm chí còn cho rằng giới hạn 21 SIM/người là ít.

Lí do là sử dụng một thẻ SIM mới có khuyến mãi thì sẽ tiết kiệm hơn là dùng SIM cũ, và họ không muốn bỏ đi số điện thoại cũ. Những người dùng nghiêm túc hơn cũng sử dụng nhiều SIM, mỗi SIM cho một dịch vụ khác nhau. Hơn nữa, trong tương lai, không nhất thiết thẻ SIM đi kèm với điện thoại: thẻ Internet 3G cho laptop cũng dùng SIM. CEO của Ericsson từng dự đoán là sẽ có 7 tỉ thuê bao 3G/4G trước năm 2014 và con số này sẽ tăng lên 50 tỉ vào năm 2020.

Khi đó, ARPU của một khách hàng sẽ được chia ra trên nhiều thẻ SIM. Tổng doanh thu có thể tăng, nhưng ARPU lại thấp hơn những mạng cung cấp ít dịch vụ hơn và khách hàng dùng ít thẻ SIM hơn. Và rất khó biết được hai thẻ SIM khác nhau là của cùng một khách hàng.

Trợ giá và trả trước

Các nhà mạng di động ảo (MVNO) bắt đầu cung cấp các dịch vụ trả trước với giá cuộc gọi rẻ hơn. Trái ngược với họ là các mạng với dịch vụ trả sau truyền thống: hợp đồng có thời gian tối thiểu đồng thời được trợ giá điện thoại.

Hãy làm phép tính: một nhà mạng có được hợp đồng 24 tháng trả sau với một khách hàng với giá trị 300 nghìn/tháng, nhưng nhà mạng phải bỏ ra 3 triệu (hay là 125 nghìn/tháng) để trợ giá cho điện thoại (khách hàng chỉ bỏ ra 1 triệu để mua điện thoại có giá 4 triệu). Việc trợ giá này làm cho doanh thu thực tế của nhà mạng chỉ còn 175 nghìn/tháng mặc dù ARPU trên giấy tờ vẫn là 300 nghìn/tháng. Và nhà mạng này trên thực tế lợi nhuận kém hơn các mạng di động ảo bán các thẻ trả trước có ARPU 200 nghìn/tháng.

Nhiều dịch vụ khác nhau

Vấn đề thứ ba là ngày nay các mạng di động cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau: cả thoại lẫn Internet tốc độ cao. Khách hàng nào mang lại nhiều lợi nhuận nhất: trả 300 nghìn/tháng cho thoại hay là 300 nghìn/tháng cho truy cập Internet?

Trong đa số trường hợp, với cùng doanh thu, lợi nhuận của các cuộc thoại sẽ cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay giá của dịch vụ thoại liên tục giảm (trừ khi không có cạnh tranh giữa các nhà mạng, như trường hợp “liên minh ma quỷ” tại Pháp trước đây), và có thể là cuối cùng tỉ lệ lợi nhuận/doanh thu của dịch vụ dữ liệu sẽ cao hơn.

Giải pháp nào thay cho ARPU?

Có nhiều chỉ số khác có thể sử dụng, thí dụ như:

  • Doanh thu trung bình trên 1 phút thoại, tính trong 1 tháng trên toàn mạng
  • Doanh thu trung bình trên 1 MB dữ liệu (web, e-mail...) trên di động
  • Doanh thu trung bình trên 1 MB dữ liệu Internet tốc độ cao trên laptop
  • Tương tự với SMS, MMS

Tính các chỉ số này sẽ phức tạp hơn là tính ARPU, vì phải xử lí một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Họ có thể nhờ các chuyên gia xử lí dữ liệu khối lượng lớn (như Google ?), nhưng ắt hẳn là họ không muốn.

Một cách khác, là phương pháp mà tờ Thời báo Luân Đôn vừa áp dụng: so sánh trên thị phần và doanh thu.

Do mỗi mạng phải phủ sóng toàn quốc, nên cách so sánh này cũng hợp lí: các mạng đều xây dựng và hỗ trợ cùng một phạm vi như nhau. Mỗi nhà mạng có cách tối ưu mạng khác nhau, và ảnh hưởng đến cách tính này. Có thể phải thêm cả số lượng trạm gốc vào công thức tính.

Tóm lại, một chỉ số để thay cho ARPU vẫn còn để mở. Có một số giải pháp thay thế, nhưng cách tính lại phức tạp, và không hẳn tất cả nhà mạng đều muốn tính toán, hoặc muốn cung cấp dữ liệu để tính toán.

Hải Nam (tổng hợp blog Mobile Society)




Bình luận

  • TTCN (0)