Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng CNTT trong dạy và học. (Ảnh minh hoạ)

Bảng xếp hạng ICT Index 2009 cho khối các Bộ, Ngành vừa được Hội Tin học Việt Nam công bố cho thấy, chiến lược, kế hoạch cũng như việc triển khai, ứng dụng CNTT trong các Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố đã có được quan tâm thực sự, đúng mức.

Báo cáo mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2009 (Vietnam ICT Index 2009) của khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố vừa được Hội Tin học Việt Nam (VAIP) công bố tại Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 13 được tổ chức tại Bắc Ninh ngày 27-28/11/2009 vừa qua.

4 năm liên tiếp công bố ICT Index 2009

2009 là năm thứ tư liên tiếp Hội Tin học Việt Nam phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT thực hiện việc thu thập số liệu, phân tích, đánh giá và đưa ra Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT của Việt Nam.

Mục tiêu của việc thực hiện báo cáo là nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT của các bộ, ngành; tỉnh, thành và các doanh nghiệp hàng năm; Góp phần làm sáng tỏ bức tranh toàn cảnh về phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông của Việt Nam. Báo cáo cũng sẽ là tư liệu giúp các bộ, ngành; các tỉnh, thành và các doanh nghiệp hiểu rõ về thực trạng ứng dụng CNTT-TT của đơn vị mình để có các biện pháp, chính sách phù hợp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT-TT phục vụ các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và doanh nghiệp; Là tư liệu và tài liệu chính thức của các cơ quan quản lý nhà nước về CNTT-TT để tham khảo trong quá trình xây dựng định hướng ứng dụng và phát triển CNTT-TT đồng thời là tư liệu đối chiếu rà soát các đánh giá tương tự của nước ngoài.

Trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm qua báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT của các bộ, ngành; tỉnh, thành và các doanh nghiệp, Báo cáo cũng đúc kết và đề xuất bộ chỉ số mới cho phù hợp với tình hình ứng dụng CNTT-TT năm 2009 và định hướng phát triển đến 2011 tầm nhìn 2020.

Các đối tượng đánh giá trong Vietnam ICT Index 2009 bao gồm Bộ ngành và các cơ quan ngang bộ; Tỉnh và các thành phố; Doanh nghiệp lớn (trừ VNPT và Tổng công ty Điện tử tin học); Các Ngân hàng Thương mại.

Những chuyển biến đáng kể

Với bản báo cáo năm nay, đã có 22/26 các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã gửi báo cáo về. 2009 là năm thứ ba liên tiếp 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi số liệu phục vụ cho báo cáo Việt Nam ICT Index.

Theo bảng xếp hạng chung các Bộ và cơ quan ngang Bộ trong báo cáo Việt Nam ICT Index 2009, hiện giờ đã có 100% số máy tính trong các cơ quan quản lý nhà nước của các tỉnh, thành phố được kết nối Internet băng rộng; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; 77,78% tỉnh, thành phố có Ban chỉ đạo CNTT; Đặc biệt, so với những năm trước, 2009 là năm tỷ lệ tỉnh, thành phố có chiến lược, quy hoạch phát triển ứng dụng CNTT, đạt tới 90,48%.

Nằm trong số Top 10 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ năm nay đứng đầu là Bộ Công thương. Thứ hạng này chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của Bộ này trong thời gian vừa qua, khi mà năm 2006, 2007, Bộ vẫn còn đứng ở vị trí 11, 13; Đứng thứ hai là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đã có tới hai năm Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng vị trí đầu bảng nhưng năm nay đã phải nhường vị trí này cho Bộ Công thương.

Một Bộ nữa cũng đã chứng minh được nỗ lực rất lớn đó là Bộ Tài chính vươn từ thứ 10 năm 2007 lên vị trí thứ 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác nằm trong top 10 lần lượt là: Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ.

Ngoài việc được xếp hạng chung, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ còn được xếp hạng theo các nhóm chỉ tiêu với bốn nhóm đó là: hạ tầng kỹ thuật CNTT (nhóm này đứng đầu là Bộ Giáo dục và Đào tạo); hạ tầng nhân lực cho ứng dụng CNTT (đứng đầu là Bộ Công thương); ứng dụng CNTT (đứng đầu là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); nhóm chỉ tiêu cuối cùng là môi trường tổ chức - chính sách cho ứng dụng CNTT (đứng đầu lại là Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ở khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2009, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh đều tăng 1 bậc so với năm 2007. Đà Nẵng đứng thứ nhất và tiếp sau là TP.Hồ Chí Minh. Năm nay, Hà Nội đã tụt tới hai bậc so với năm 2007, đứng ở vị trí thứ ba. Ví trí thứ 4 và thứ 5 trong bảng xếp hạng lần lượt thuộc về Thừa Thiên - Huế và Bình Dương. Đặc biệt, Hải Phòng đã từ vị trí thứ 20 trong năm 2007 nay đã “nhảy” vào top 10, đứng ở vị trí thứ 6.

Bên cạnh những tỉnh, thành đã tăng bậc đáng kể, như Hà Tĩnh, tăng mạnh nhất 45 bậc, từ ví trí thứ 53 năm 2007 vươn lên thứ 8; Phú Yên tăng 41 bậc, từ vị trí thứ 58 năm 2007 lên thứ 17; Hải Dương tăng 31 bậc, từ ví trí thứ 42 lên thứ 11; Lào Cai tăng 26 bậc, từ ví trí thứ 35 lên thứ 9; Quảng Ninh tăng 23 bậc, từ ví trí 36 lên thứ 13; Lạng Sơn tăng 22 bậc, từ thứ 54 lên thứ 32... lại có nhiều địa phương tụt hạng mạnh như Hà Giang, từ vị trí thứ 26 năm 2007 xuống 63. Đây là vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành.

Với những con số cụ thể đã được công bố trong Việt Nam ICT Index 2009 đã vẽ nên một bức tranh, thể hiện rõ nét hiện trạng CNTT và truyền thông tại Việt Nam. Việt Nam ICT Index đã cho thấy vị trí thực sự ngành CNTT của Việt Nam đang ở đâu. Theo Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Long, thông qua các chỉ số này, các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố cùng nhau trao đổi, chia sẻ ý kiến nhằm phối hợp, đoàn kết, hợp tác thúc đẩy phát triển CNTT-TT bằng việc tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý; đồng bộ và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng thông tin; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành kinh tế - xã hội.

Có thể nói, Việt Nam ICT Index được công bố hàng năm còn là cơ sở hiện trạng CNTT-TT tại Việt Nam góp phần quan trọng hoàn thiện các tiêu chí cụ thể để đánh giá độ “mạnh về CNTT” của một quốc gia nhằm xem xét các mục tiêu cụ thể cho đề án “Tăng tốc đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT” thay cho việc dựa vào các bảng xếp hạng của thế giới và các tổ chức khác vốn chưa thật ổn định về thời gian đánh giá. Bên cạnh đó, Việt Nam ICT Index còn cho thấy thực trạng vị trí của Việt Nam thực sự ở đâu, từ đó hoạch định chính sách bám sát mục tiêu trở thành nước mạnh thực sự về CNTT thay vì chỉ để “cải thiện vị trí” trong các bảng xếp hạng không chính thức của các tổ chức quốc tế.

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (0)