Vishnu - googledesktop.

Nếu như suốt một năm vừa qua, người ta đã được chứng kiến những chuyện ì xèo giữa Google và giới xuất bản, thì giờ đây một cuộc chiến mới dường như đã bắt đầu nóng lên. Lần này là giữa người khổng lồ của internet và giới kinh doanh báo chí.

Tất cả xoay quanh công cụ tìm kiếm tin tức Google news (đã có phiên bản tiếng Việt với tên gọi Google tin tức) và cũng diễn ra cùng một kịch bản như những tranh chấp giữa Google và giới xuất bản. Tất nhiên, để hiểu cuộc chiến này cần phải hình dung về cách thức hoạt động của Google. Khởi thủy, Google là một công cụ tìm kiếm và cho đến nay, đó vẫn là công cụ tìm kiếm hiệu quả nhất của thế giới mạng. Tất nhiên, vị thế này đang bị Bing của Microsoft đe dọa. Vấn đề là tham vọng của người khổng lồ không chỉ dừng lại ở đó. Một mặt, họ không ngừng đa dạng hóa các sản phẩm của mình. Hòm thư Gmail là một ví dụ. Và cùng với nó là hàng loạt sản phẩm khác, từ bản đồ (Google maps), công cụ văn phòng và lưu trữ trực tuyến (Google docs), thậm chí, một hệ điều hành của riêng Google được khai sinh (Chrome OS). Dường như Google muốn thỏa mãn mọi nhu cầu của người dùng máy tính có mạng internet. Mặt khác, công cụ tìm kiếm Google cũng được chuyên biệt hóa. Với những người tìm kiếm sách, Google cung cấp Google books (đã có bản tiếng Việt với tên gọi Google sách) và với những người quan tâm đến tin tức đó là công cụ Google news (bản tiếng Việt với tên gọi Google tin tức).

Nhìn từ phía người dùng, nguyên lý của những công cụ tìm kiếm tin tức và sách này là tương đối giống nhau. Google lập nên những trang web có tính "hội tụ". Khi vào website này, người ta có tiêu đề những tin tức nóng hổi nhất (hoặc tiêu đề sách) được lấy từ nhiều nguồn và được phân loại theo lĩnh vực (bản tiếng Việt tương đối đơn giản gồm tin Việt Nam, thế giới, kinh doanh, giải trí, thể thao). Cùng với tiêu đề này, có trích dẫn một phần nội dung tin bài (hoặc trích dẫn một phần sách đã được Google số hóa) và nếu nhấp chuột vào tiêu đề người ta sẽ được nối trực tiếp với nguyên văn tại trang web nguồn. Tất nhiên là với người dùng đó là những công cụ rất thuận tiện và càng thú vị hơn nữa khi tất cả đều miễn phí. Thế nhưng, vấn đề là Google không thể làm việc này không công. Họ kiếm lợi từ quảng cáo. Và đây mới chính là "đầu dây mối nhợ" của mọi chuyện.

Từ góc nhìn của những tập đoàn truyền thông (hay những chủ sở hữu tác quyền sách), Google đang khai thác một phần tài sản trí tuệ của họ để thu lợi. Vậy mà họ lại không được gì và vì thế nên những vụ kiện tụng mới xảy ra. Theo Le Monde, từ năm 2006, những tranh chấp pháp lý đã xảy ra giữa Google và tập hợp các tờ báo Bỉ bằng tiếng Pháp. Thế nhưng, đến năm nay, khi tình hình kinh tế thế giới sa sút, lợi nhuận "truyền thống" của các tập đoàn báo chí bị sút giảm thì giới truyền thông mới quay sang "tính sổ" với Google. Vấn đề ở đây rất đơn giản, Google phải chia lại một phần lợi nhuận thu được từ quảng cáo. Tất nhiên, Google có ưu thế là công cụ tìm kiếm số một thế giới (ít nhất cho đến lúc này) và mối quan hệ giữa họ với các hãng truyền thông (và các chủ sở hữu tác quyền sách) là mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Ai cũng cần nhau cả. Thế nên, Google mới có "thế" để "làm cao" (như vụ "tối hậu thư" với các chủ sở hữu tác quyền sách Việt Nam). Nhưng mọi chuyện không đơn giản khi mà giờ đây, những thế lực mới đã xuất hiện. Cách đây gần một tháng, Rupert Murdoch, Tổng giám đốc của News Corp, tập đoàn hàng đầu thế giới về truyền thông đã tố cáo Google là "ăn cắp" thông tin của tập đoàn này để thu lợi. Mới đây nhất, đã có những dấu hiệu cho thấy News Corp sẽ bắt tay với Microsoft và "tẩy chay" Google.

Như đã nói, mối quan hệ giữa người khổng lồ tìm kiếm và những chủ sở hữu nội dung là mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Kịch bản dễ thấy sẽ là một thỏa thuận về lợi nhuận, như là những gì mà Google đã đạt được với hãng thông tấn Pháp AFP. Thế nhưng, ít nhất, người Việt Nam có thể rút ra được đôi điều đáng lưu tâm. Thứ nhất, liệu đã đến lúc giới báo chí và xuất bản Việt Nam nên nghĩ đến nguồn lợi từ internet? Điều đặc biệt thuận lợi là ngày nay, Google không còn "múa gậy vườn hoang" trên đống suy tàn của Yahoo! mà bên cạnh họ, còn có kẻ cạnh tranh đáng sợ là Bing của Microsoft. Thứ hai, từ góc độ người dùng, chúng ta đang tận hưởng một thế giới miễn phí từ Google nhưng trong tương lai liệu thế giới đó có còn tiếp tục miễn phí? Ta hãy tưởng tượng một ngày kia, ta sẽ nhận được một thông báo thu phí Gmail. Vậy, ta sẽ chuẩn bị gì cho tương lai đó và liệu lúc đó các công ty Việt Nam có sẵn sàng nhảy vào khoảng trống như là đã nhảy vào khoảng trống mà Yahoo! để lại sau khi đóng cửa Yahoo!360. Đó là những câu hỏi đáng được trả lời từ hôm nay.

Theo SK&ĐS



Bình luận

  • TTCN (0)