VNPT hiện chiếm khoảng 75% thị phần Internet băng rộng tại Việt Nam.

Năm 2009 là năm bứt phá mạnh mẽ về số thuê bao ADSL của VNPT với con số thị phần cao nhất từ trước đến nay - khoảng 75%. Trong khi đó, Viettel và FPT có dấu hiệu của sự hụt hơi. Số thuê bao ADSL của hai nhà cung cấp này chỉ nhích lên một chút so với năm 2008.

VNPT trên đà thắng thế

Đã vài năm nay, thị trường ADSL gần như là cuộc chơi tay 3 của VNPT, Viettel và FPT Telecom. Theo con số thống kê hết năm 2008, VNPT có khoảng 1,7 triệu thuê bao ADSL, FPT Telecom có khoảng hơn 330.000 thuê bao còn Viettel có khoảng 400.000 thuê bao. Trong năm 2009, VNPT đã bứt phá mạnh mẽ và tuyên bố đang năm trong tay hơn 2,5 triệu thuê bao ADSL, Viettel nắm trong tay 530.000 thuê bao và FPT Telecom khẳng định đang có 440.000 thuê bao ADSL. Như vậy, FPT Telecom và Viettel có mức độ tăng trưởng thuê bao không nhiều. Với con số này, thị phần dịch vụ ADSL đứng đầu vẫn là VNPT, sau đó đến Viettel và thứ 3 là FPT Telecom.

Cho dù năm 2009 được dự báo là kinh tế có nhiều khó khăn do khủng hoảng, nhưng thị trường ADSL vẫn tiếp tục bùng nổ, đặc biệt tại các địa phương. Với ưu thế về mạng lưới và chiến lược đầu tư cho mạng băng rộng tới 1 tỉ USD, VNPT hiện là nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng tại các địa phương. Dù kinh tế suy thoái, nhưng VNPT khẳng định thuê bao ADSL vẫn tăng trưởng tốt. Ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết, vào thời điểm đen tối nhất, VNPT bị sụt giảm, chỉ chiếm khoảng 55% thị phần, nhưng đến hết năm 2009 VNPT đã chiếm tới 75% thị phần dịch vụ này. Đây là năm đầu tiên VNPT có được kết quả khả quan nhất về thị phần Internet băng rộng.

Ngược lại với VNPT, hai doanh nghiệp đứng thứ hai và thứ ba trên thị trường này nhiều thời điểm trong năm có tốc độ phát triển thuê bao ở thế “giậm chân tại chỗ” thậm chí phát triển âm. Tại thời điểm đầu tháng 7/2009, FPT Telecom vẫn đưa ra con số tổng thuê bao của mình khoảng 330.000 thuê bao (bằng con số của năm 2008). Một lãnh đạo FPT Telecom cho biết, thuê bao có nhích lên nhưng không đáng kể, bởi số lượng thuê bao phát triển mới và rời mạng chẳng kém gì nhau, thậm chí có tháng phát triển âm. Tương tự như vậy, phía Viettel cho biết hiện nhà cung cấp này đang gặp khó khăn trong phát triển thuê bao ADSL khi mà điện lực nâng giá cho thuê cột và việc đầu tư cho dịch vụ này quá lớn, nhưng thu hồi vốn lại chậm.

Giới phân tích cho rằng, hiện FPT Telecom và Viettel mới chỉ cung cấp dịch vụ ADSL chủ yếu ở những đô thị lớn. Trong khi đó, mật độ thuê bao ở những nơi này đã tương đối bão hoà nên sẽ rất khó phát triển. Trong khi nhu cầu ở các đô thị lớn bão hoà thì tại các địa phương, nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet băng rộng lại đang tăng mạnh. Vì vậy, VNPT là nhà cung cấp đang đáp ứng tốt nhất nhu cầu này của khách hàng. Cho dù kinh tế suy thoái, nhưng với mạng lưới rộng và được đầu tư mạnh trước đó nên VNPT đang có đà phát triển thuê bao ADSL rất tốt. Đây cũng đang là thế mạnh của VNPT và trong một vài năm tới chưa thể bị đe doạ bởi các đối thủ khác.

Cạnh tranh mạnh

Cho dù Bộ TT&TT đã cấp vài chục giấy phép ISP, thế nhưng sức cạnh tranh đã khiến các nhà cung cấp không còn “cửa” để tiến vào thị trường này. Bà Chu Thanh Hà, Tổng giám đốc FPT Telecom thừa nhận với cuộc chiến khốc liệt như thế này, cuộc chơi ADSL vẫn là cuộc chơi tay ba mà thôi. “Tại các thị trường lớn thuê bao gần như bão hoà. Trong đó có một lượng khách hàng chạy từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác để được hưởng khuyến mãi. Nhiều khách hàng đã có sẵn modem, chỉ cần chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ này sang nhà cung cấp dịch vụ khác thì trong vòng một năm sẽ không phải đóng tiền do các nhà khai thác khuyến mãi mấy tháng tiền sử dụng và tiền cước thuê bao. Khi hết khuyến mãi, khách hàng lại chuyển sang nhà cung cấp dịch vụ khác để hưởng tiếp khuyến mãi. Việc chuyển này rất đơn giản, chỉ trong 1 ngày là xong. Như vậy, chỉ số phát triển thuê bao vẫn tăng nhưng số khách hàng rời mạng vẫn rất cao. Thậm chí có tháng khách hàng ra nhiều hơn khách hàng vào nên dẫn tới tình trạng tăng trưởng âm”, bà Chu Thanh Hà nói.

Trước sự bão hoà ở những thị trường truyền thống, năm 2009 FPT Telecom đã quyết định “vạc đến xương” khi quyết định mở rộng “vùng phủ sóng” ra các tỉnh thành khác. FPT Telecom đã đầu tư 100 tỷ đồng mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông và ADSL năm 2009. Trong 12 tháng qua, FPT Telecom đã tiến hành mở mới 15 chi nhánh. Năm 2010, công ty nhắm tới việc phát triển hạ tầng từ 18 tới 20 tỉnh thành mới, đưa số lượng địa bàn có sự hiện diện của doanh nghiệp này lên đến con số 40 đến 42 tỉnh, thành. Thế nhưng, chỉ với 100 tỷ đồng đầu tư cho việc mở rộng “vùng phủ sóng” tựa hồ như “muối bỏ bể”. Bà Chu Thanh Hà chia sẻ, ở những thị trường mới việc phát triển thuê bao cũng vô cùng khó khăn bởi nhiều người có nhu cầu cũng đã sử dụng dịch vụ ADSL của nhà cung cấp khác. Trong khi đó, để có độ phủ rộng tại các địa phương đối với FPT là “nhiệm vụ bất khả thi” bởi doanh nghiệp này cần phải cân đối giữa việc đầu tư và hiệu quả đem lại.

Nếu nhìn vào động thái của Viettel trong năm 2008, doanh nghiệp này có nhiều chương trình đẩy mạnh phát triển thuê bao Internet băng rộng, thì đến nửa cuối năm 2009 các chương trình tung ra khá yếu ớt. Một đại diện của Viettel Telecom cho rằng, nếu đầu tư vào dịch vụ ADSL không cân nhắc kỹ sẽ bị lỗ, trong khi đó suất đầu tư cho một thuê bao rất lớn. Giới phân tích cũng cho rằng, mục tiêu của Viettel vẫn đang đánh mạnh vào thị trường di động hơn là phát triển thuê bao băng rộng. Nếu quả thực như vậy, trong tương lai VNPT sẽ sẽ là “người độc hành” khi tiếp tục chiếm thêm thị phần từ dịch vụ này.

Theo số liệu thống kê của FPT Telecom, có khoảng 20% khách hàng thuộc diện “thay nhà cung cấp dịch vụ như thay áo”. Vì vậy, mỗi nhà cung cấp có hai con số thuê bao vênh nhau nhiều là số thuê bao đăng ký luỹ tiến và số thuê bao thực đang có cước.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)