Kẻ lừa đảo thách thức: “catch me if you can” (hãy bắt tôi nếu bạn có thể)

Sự kiện các thành viên diễn đàn Handheld chung sức tìm manh mối và hỗ trợ công an bắt một sinh viên ĐH FPT 21 tuổi lừa đảo trên Handheld đang làm xôn xao cộng đồng mạng.

Sự kiện được ví như một kịch bản phim hành động Mỹ: kẻ lừa đảo sau khi lừa thành công vẫn đăng nhập vào diễn đàn theo dõi xem nạn nhân và các cư dân của Handheld phản ứng thế nào. Khi biết Ban quản trị và các thành viên đang tìm tung tích của mình, kẻ lừa đảo tự tin thách thức “catch me if you can” (hãy bắt tôi nếu bạn có thể).

Dùng nhiều sim điện thoại để gọi điện, dùng sim 3G để truy cập internet vào diễn đàn, liên tục tắt mở máy tính để thay đổi IP, chơi trò trốn tìm với lời nhắn “thời gian của mọi người còn rất ít”, “chỉ mấy hôm nữa em đi rồi, nếu không nhanh thì các bác không bắt được em đâu.” Không những thế đối tượng còn công bố “số người bị hại sẽ không dừng ở 2 người, mà sẽ phát sinh thêm”.

Ban quản trị diễn đàn thì căn cứ vào log file lần theo những dấu vết của đối tượng để lại, tìm ra địa điểm đối tượng đang online, dựa vào cuộc gọi của đối tượng tìm ra địa điểm cuộc gọi, thông tin chủ sở hữu sim số. Cuối cùng, qua các công cụ tìm kiếm, người thợ săn tìm được chính xác "con mồi" và giao nộp đầy đủ hồ sơ chứng cứ để công an bắt kẻ lừa đảo.

Sau khi tin tức về sự kiện này lan truyền trong cộng đồng mạng, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra, một phần là những lời khen dành cho những người quản lý diễn đàn Handheld với hành động tích cực để bảo vệ thành viên của diễn đàn. Những ý kiến khác đều xoay quanh vấn để cần phải thận trọng khi mua bán trên mạng để không rơi vào trường hợp trên.

Có những thắc mắc đặt ra rằng, liệu quá trình điều tra của Handheld có hợp pháp không? Vì sao họ có thể truy ra được thông tin cá nhân các số điện thoại mà kẻ lừa đảo dùng cũng như có được chi tiết lịch sử các cuộc gọi của số máy này, thậm chí có thể phát hiện được vị trí của đối tượng qua trạm BTS của nhà mạng? Vì sao có thể truy ra địa chỉ của đối tượng qua IP truy cập Internet? Có phải nhà mạng có lỗ hổng bảo mật hay đã tùy tiện cung cấp thông tin khách hàng?

Trên diễn đàn Handheld, thành viên Ban quản trị thừa nhận mình dùng kênh tham khảo riêng để lấy các thông tin đó. Như vậy liệu rằng các mạng viễn thông có đảm bảo rằng giữ thông tin bí mật của khách hàng như cam kết khi đăng ký?

Thành viên tin_truc22 trên Diễn đàn tin học cho rằng: “Dù thành viên Handheld là công an thì cũng không thể lấy tư cách cá nhân của mình để lấy được các thông tin ấy. Và dù có dùng tư cách của cơ quan điều tra để lấy thông tin nhưng sau đó dùng tư cách cá nhân để cung cấp cho phía Handheld cũng là phạm luật.

Ngoài ra họ còn có thông tin của số điện thoại nhận được cuộc gọi đó (0988679***), có thể nói không liên quan trực tiếp, thông tin của các cell phát sóng của nhà cung cấp dịch vụ để lần ra dấu vết vị trí người gọi. Điều này càng vi phạm trầm trọng quyền riêng tư của khách hàng.

Qua những chứng cứ đó, mình muốn trực tiếp khởi kiện 2 mạng điện thoại Vietnamobile và Beeline vì đã cung cấp thông tin cá nhân và những thông tin rất nguy hiểm của khách hàng ra ngoài. Nếu hành vi này của cá nhân công ty thì phải kiện chính sách bảo mật của 2 công ty này. Ngoài ra về chuyện cung cấp địa chỉ IP 118.71.146.228 (FPT Telecom quản lý) nếu vi phạm pháp luật thì mình vẫn kiện".

Đại diện truyền thông của mạng Beeline khẳng định về mặt nguyên tắc, cũng như các nhà mạng khác, Beeline không cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng, trong trường hợp nhân viên Beeline tự ý cung cấp thì sẽ bị kỷ luật ở hình thức đuổi việc. Với vụ việc này, Beeline đã được cán bộ cơ quan điều tra đề nghị cung cấp thông tin của chủ thuê bao 0199xxx, và có giấy giới thiệu của cơ quan điều tra đúng như thủ tục.

Luật sư Phạm Thành Long (Công ty Luật Gia Phạm): Theo quan điểm cá nhân tôi thì hành động của Ban quản trị Handheld rất đáng biểu dương, họ đã bảo vệ các thành viên của mình một cách tích cực, rất cần những việc làm như thế để làm trong sạch môi trường mạng, tạo niềm tin cho các giao dịch. Chưa rõ cách thức họ thu thập thông tin của đối tượng ra sao, nhưng nếu dùng mối quan hệ cá nhân để truy xuất thông tin từ nhà mạng là hơi nóng vội.

Các giao dịch trên Internet đã được công nhận là giao dịch dân sự và được pháp luật bảo vệ. Hành vi mua hàng nhưng không trả tiền hoặc trốn tránh trả tiền sẽ được điều chỉnh bởi luật dân sự. Vụ việc này là một giao dịch dân sự có yếu tố lừa dối có thể cấu thành hành vi lừa đảo và có thể được xử lý theo luật hình sự.

Theo Tuổi Trẻ Online



Bình luận

  • TTCN (3)
Bùi Văn Quý

Đồng tình với quan điểm của người viết

Tôi cũng đã từng đăng ký lại sim vì mất sim, khi đến đại lý tôi chỉ cần cung cấp 5 số liên lạc gần đây là có thể được cấp lại sim mới. Vấn đề đặt ra là có kẻ xấu nào đấy ăn dơ với một đại lý là có thể biết được thông tin tôi đã từng liên lạc với ai. Như vậy thông tin cá nhân của tôi hoàn toàn không có một hình thức bảo vệ hữu hiệu. Chỉ cần bạn là đại lý là bạn có quyền truy xuất những thông tin nhạy cảm?

Hải Nam  30903

Mình không nghĩ đại lí có danh sách các cuộc gọi của bạn, mà họ chỉ có thể kiểm tra danh sách bạn cung cấp đúng hay sai mà thôi.

Việc cấp lại SIM cũng tương tự, họ có thể làm lại cho bạn SIM mới với số cũ, nhưng họ không có thông tin nào khác về SIM đó (trừ những cái cơ bản nhất). Nhưng cái vụ làm SIM hình như cũng hơi lỏng lẻo, dẫn đến những trường hợp hai SIM cùng số (hồi trước báo đăng bỏ tiền ra mua SIM số đẹp rồi mất, cả 2 người sở hữu 2 SIM số như nhau).

thế giới hàng xách tay

Bình luận bị ẩn

Nội dung quảng cáo