Những năm gần đây, nhu cầu quảng cáo sản phẩm và tự giới thiệu bằng website của cá nhân, doanh nghiệp tăng vọt. Vì vậy, dịch vụ cung cấp hosting ngày càng phát triển về số lượng. Nhưng một số nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ web (hosting) sử dụng phần mềm không bản quyền, không hỗ trợ khách hàng trong thời gian sự cố...

Ở Việt Nam, phần lớn nhà cung cấp dịch vụ hosting thuê lại máy chủ hoặc chỗ đặt máy chủ tại các trung tâm dữ liệu của VDC, FPT, Viettel...
Dịch vụ giúp khách hàng lưu trữ dữ liệu để website hoạt động trên môi trường Internet. Điều cần thiết nhất với dịch vụ hosting là tính ổn định, tốc độ và bảo mật.

Phần mềm lậu, phần cứng kém

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm quản lý hosting không bản quyền.

Đầu tháng 3, trên Diễn đàn tin học, nhiều thành viên liên tiếp mở topic kêu cứu khi mua phải hosting kém ổn định. Sự việc được làm rõ là do nhà cung cấp dùng phần mềm quản lý như Cpanel, WHMCS, Kayako... lậu.

Quản trị của website tramoc..., một khách hàng bị thiệt hại, cho biết, từ tháng 1, anh không thể truy cập vào Cpanel vì nhà phát triển ở nước ngoài vô hiệu hóa khi phát hiện nhà cung cấp sử dụng không phép phần mềm của họ.

Dùng phần mềm không bản quyền, các nhà cung cấp còn không thể nâng cấp, vá lỗi bảo mật..., tạo điều kiện cho hacker phá hoại dữ liệu, gây thiệt cho khách hàng.

Một chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ website cho biết: "Sử dụng phần mềm không bản quyền còn có thể xảy ra trường hợp dữ liệu bị đánh cắp, hoặc các request không chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng".

Không chỉ do phần mềm có vấn đề, sự bất ổn định của dịch vụ lưu trữ website còn có nguyên nhân phần cứng như: chuyển phòng máy, mất tín hiệu...

Theo một số chuyên gia, "trung tâm dữ liệu" của một số công ty cung cấp hosting thực chất chỉ là leasedline của nhà cung cấp Internet và được bảo quản bằng máy lạnh không chuyên dụng, hoàn toàn không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cũng như độ ổn định cho dịch vụ lưu trữ website.

Sự bát nháo của thị trường hosting còn do một số nhà cung cấp cạnh tranh không lành mạnh.

Cuối năm 2009, Công ty TNHH Fibo bị phạt vì đã tấn công mạng máy tính của Công ty TNHH TM & DV Con Ong Chúa trong thời gian dài.

Ảnh
Sơ đồ Công ty Con Ong Chúa và những khách hàng bị tấn công từ các IP của máy tính do Công ty Fibo quản lý.

Theo ông Cường Nguyên, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Con Ong Chúa, máy chủ bị tấn công DDoS liên tục trong 3 tháng khiến dịch vụ tê liệt nên công ty mất khách hàng cũ, không thể tìm kiếm khách hàng mới.

Phản ứng của khách hàng

Nhiều khách hàng gặp nạn thường tìm đến các diễn đàn công nghệ để kêu cứu sau những nỗ lực liên lạc với nhà cung cấp bất thành. Sau đó, hầu hết đành phải tìm nhà cung cấp khác.

Quản trị của website tramoc... cho biết, trong suốt thời gian gặp sự cố, anh đã cố gắng liên lạc với nhà cung cấp dịch vụ bằng mọi kênh liên lạc có thể (email, điện thoại...) nhưng đều không được.

Ảnh
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ website ở Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về dịch vụ, gây thiệt hại cho khách hàng.

Ông Phạm Hùng - Giám đốc Công ty 3inetwork - nhận xét: "Ở Việt Nam, khách hàng thường ham mua đồ rẻ. Đồng thời, khi mua dịch vụ, không chịu tìm hiểu kỹ hợp đồng, quy định sử dụng. Do vậy, họ thường bị thiệt khi có sự cố xảy ra."

Theo ông, trước khi đặt mua, khách hàng nên đặt ra yêu cầu và kiểm tra khả năng đáp ứng của nhà cung cấp chứ không nên nhìn vào giá.

Một lời khuyên nữa dành cho những người có ý định sử dụng dịch vụ lưu trữ website là nên tìm hiểu văn hóa của nhà cung cấp, cách ứng xử với khách hàng khi xảy ra sự cố qua các diễn đàn công nghệ.

Ngoài ra, khách hàng nên thuê ngắn hạn trước khi thực hiện hợp đồng dài hạn và và cần đọc kĩ các điều khoản sử dụng trước khi kí hợp đồng.

Theo Đất Việt



Bình luận

  • TTCN (0)