Các web chia sẻ media như Youtube sắp tới có thể bị đóng cửa ở Anh. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Thượng viện Anh vừa thông qua một dự luật sửa đổi có tên “Kinh tế số” đang gây nhiều tranh cãi trong giới sử dụng Internet ở nước này, bởi một trong những điều khoản của nó có thể dẫn tới sự đóng cửa của các trang web chia sẻ media như Youtube.

Đệ trình dự luật trên, Chính phủ Anh cho biết nó sẽ giúp giảm 70% tình trạng ăn cắp bản quyền đang diễn ra phổ biến trên Internet hiện nay thông qua các trang web có chức năng cho phép người sử dụng chia sẻ liên tục các thông tin có bản quyền như file video, ảnh, âm thanh...

Theo quy định của dự luật trên, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sẽ phải gửi thư cảnh báo khách hàng nếu phát hiện họ upload hoặc download những thông tin có bản quyền qua mạng Internet.

Nếu tình trạng này tiếp diễn, các ISP sẽ buộc phải cắt đường truyền của khách hàng. Chi phí làm việc này sẽ do các công ty sở hữu bản quyền, chẳng hạn các công ty thu âm, đài truyền hình, chi trả bằng cách đóng góp lệ phí thường kỳ vào một quỹ chung.

Ngoài ra, dự luật còn có điều khoản cho phép Tòa án Tối cao quyền đình chỉ hoạt động đối với một trang web chứa nhiều nội dung bị cáo buộc là vi phạm bản quyền. Điều khoản này đồng nghĩa với việc các trang web như YouTube - trước đây từng nhiều lần bị các hãng thu âm hay truyền hình cáo buộc vi phạm bản quyền vì cho đăng tải các video clip có hình ảnh các nghệ sĩ hoặc các show diễn độc quyền của họ - có thể bị đóng cửa.

Các quán cà phê, quán bar và các tụ điểm công cộng cung cấp dịch vụ Wi-Fi cũng là đối tượng dự luật trên ngắm tới. Họ có thể buộc phải ngưng dịch vụ này đồng thời người quản lý phải ra tòa nếu để khách hàng sử dụng cổng kết nối download hoặc chia sẻ các dữ liệu có đăng ký bản quyền.

Các công ty âm nhạc là một trong những nhà vận động chủ chốt để dự luật nói trên được thông qua. Geoff Taylor, giám đốc điều hành Hiệp hội Thu âm Anh cho rằng dự luật này là “một dấu mốc quan trọng tiến tới một tương lai bền vững của ngành âm nhạc Anh trong kỷ nguyên kỹ thuật số.”

Trong khi đó, việc sửa đổi luật “Kinh tế số” gặp phải sự phản đối gay gắt của nhiều giới. TalkTalk, một ISP lớn thứ hai ở Anh với hơn 4 triệu khách hàng, cho rằng việc cắt đường truyền của những người chia sẻ nội dung có bản quyền trên Internet là một sự vi phạm nhân quyền.

Tập đoàn British Telecom cũng cho rằng việc sử dụng biện pháp kỹ thuật (cắt đường truyền) không phải là giải pháp khôn ngoan. Thay vào đó, chính phủ nên tăng cường áp dụng hình thức phạt tiền đối với những người bị phát hiện vi phạm bản quyền nhiều lần. Số tiền thu được sẽ đầu tư để thúc đẩy sự sáng tạo của các ngành công nghiệp giải trí.

Các nhà đấu tranh cho quyền tự do trên Internet cũng phản ứng mạnh mẽ. Họ cho rằng đây là “một cú đòn đánh vào quyền tự do ngôn luận và nhân quyền.”

Hơn nữa, các công ty thu âm đã cố tình lờ đi lợi ích của việc chia sẻ file trên mạng. Nó không chỉ quảng cáo không công cho các nghệ sĩ, mà còn góp phần làm giàu cho nền văn hóa của đất nước.

Phát biểu trên tờ “Điện tín”, Jim Killock - Giám đốc điều hành nhóm Open Rights Group, cho rằng dự luật này sẽ tạo ra tình trạng mất cân bằng về quyền lực theo hướng có lợi cho các công ty lớn, bởi nhiều doanh nghiệp nhỏ cung cấp nội dung Internet sẽ phải đóng cửa nếu đối mặt với các vụ kiện cáo bản quyền đắt đỏ.

Theo VietNamPlus



Bình luận

  • TTCN (0)