Một số công ty giàu có ngày càng có vị thế lớn hơn trong ngành công nghệ, họ dùng tiền để mở rộng lĩnh vực kinh doanh mới và làm cho đối thủ quy mô nhỏ và vừa khó có thể lớn lên được.

Lý do ngành công nghệ đang tiến theo con đường đó bắt nguồn từ sức mạnh tài chính. Hai năm qua, Apple, Oracle, Google, Microsoft và 6 công ty công nghệ lớn khác đã tạo ra 68,5 tỷ USD lợi nhuận, so với chỉ có 13,5 tỷ USD của 65 công ty công nghệ khác trong danh sách 500 công ty hàng đầu (S&P 500 của hãng tư vấn tài chính McGraw-Hill).

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn, đa số công ty phải tiết kiệm chi tiêu thì các công ty công nghệ lớn lại tiếp tục vung tiền để mở rộng kinh doanh. Trong năm vừa qua, Oracle đã bỏ ra 7,4 tỷ USD mua lại Sun Microsystem để tham gia kinh doanh phần cứng, và hãng máy tính Dell mua công ty Perot Systems để mở rộng sang dịch vụ công nghệ. Cisco Systems cũng đã chi hơn 7 tỷ USD để thâu tóm tới 6 công ty. Frank Calderoni, giám đốc tài chính của Cisco cho rằng “tiềm lực tài chính là lợi thế cạnh tranh lớn với chúng tôi”.

Trong khi đó, Google mặc dù đã dành vốn để đầu tư phát triển hệ điều hành máy và sản xuất điện thoại di động nhưng cũng đã mua tới 8 công ty kể từ tháng 10/2009 đến nay.

Nhờ có lượng tiền tích trữ lớn, những công ty công nghệ lớn có thể đầu tư mạo hiểm hơn các công ty nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn rất mong manh. Điều này, theo Erik Brynjolfsson, giáo sư Trường Đại học Quản lý Vốn của Viện công nghệ Massachusetts, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghệ. Chênh lệch giàu nghèo trong lĩnh vực công nghệ sẽ khiến các công ty quy mô vừa không dám mạo hiểm cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn họ.

Tuy vậy, vẫn có những công ty đang đẩy mạnh hoạt động mua bán công ty để không bị tụt hậu trong cuộc đua. Ví dụ, hãng phần mềm trực tuyến Salesforce.com cho biết sẽ bổ sung vài trăm triệu USD để mua sắm các doanh nghiệp. Các công ty công nghệ cỡ vừa khác như Ciena Corp gần đây cũng đã thâu tóm một số đối thủ nhỏ để tăng quy mô.

Nhưng sự mất cân đối giữa các công ty công nghệ lớn với các công ty quy mô vừa đang làm thay đổi môi trường cạnh tranh. Cả Cisco (hiện có hơn 40 tỷ USD dự trữ tiền mặt) và đối thủ nhỏ hơn Juniper Networks (hiện có khoảng 2,2 tỷ USD dự trữ tiền mặt) đều tham gia đàm phán mua lại nhà sản xuất công nghệ không dây Starent Networks vào tháng 6 năm ngoái. Chỉ sau vài tháng giành giật, Cisco đã đạt được Starent Networks với giá 2,9 tỷ USD.

Kevin Johnson, Giám đốc điều hành của Juniper thừa nhận Juniper rõ ràng là bất lợi trong thị trường mua sắm doanh nghiệp. “Với các công ty cỡ vừa, luôn khó để đột phá trong hoạt động mua bán doanh nghiệp bởi các công ty lớn luôn trả giá cao hơn”, ông nói.

Một vài công ty công nghệ nhỏ hơn đã cố gắng tham gia các vụ mua sắm công ty lớn cũng bị cản trở. Tháng 5 năm ngoái, công ty lưu trữ NetApp tuyên bố sẽ mua lại nhà sản xuất phần mềm Data Domain với giá 1,5 tỷ USD. Chỉ 12 ngày sau, đối thủ của NetApp là EMC đã đưa ra lời đề nghị 1,8 tỷ USD. Sau thời gian giằng co, cuối cùng EMC đã đưa ra đề nghị 2,2 tỷ USD để mua lại Data Domain, một mức giá NetApp không thể theo kịp.

“Chúng tôi không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến mua sắm với người có nhiều tiền hơn”, Tom Georgens, Giám đốc điều hành của NetApp nói.

Theo ICTNews (World Street Journal)



Bình luận

  • TTCN (0)