An ninh mạng ngày càng trở lên nóng bỏng

An ninh mạng đang ngày càng nóng bỏng, mã độc ngày càng “độc” hơn và xuất hiện nhiều mạng máy tính ma (botnet) được điều khiển bởi các hacker có chuyên môn cao. Điện thoại di động dùng mạng 3G là đích ngắm mới của tội phạm.

Theo thống kê của Bộ Công An, tính đến 1/2010 tổng số thuê bao Internet tại Việt Nam đã đạt 23.068.441, chiếm 26,89 % dân số. Sự phát triển với cấp số nhân của mạng Internet đã kéo theo hàng loạt dịch vụ ứng dụng CNTT trong nước phát triển, nhiều doanh nghiệp (DN) đã ứng dụng thanh toán trực tuyến vào công việc kinh doanh, giao dịch…

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Tin học Nghiệp Vụ (Bộ Công an), mạng Internet Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro về an ninh. Số lượng các điểm yếu an ninh được phát hiện trong năm 2009 lên đến con số 4.300 (năm 2008 là 3.500), trong đó 30% lỗ hổng có mức độ nguy hiểm cao. Riêng 3 tháng đầu năm 2010 đã có hơn 300 website của các cá nhân và tổ chức có tên miền .vn bị hacker nước ngoài thăm dò, phá hoại.

Cũng theo thống kê của Cục Tin học, vi rút đã thực sự là hiểm họa đe dọa hệ thống mạng Internet Việt Nam, trong năm 2009 với hơn 47.000 biến thể vi rút máy tính mới xuất hiện, (tăng khoảng 30% so với năm 2008); trên 64,7 triệu lượt máy tính bị nhiễm vi rút, trong đó lây nhiều nhất là dòng vi rút siêu đa hình W32.SalityVF.PE. Cũng trong năm 2009, nỗi kinh hoàng mang tên vi rút Conficker phát triển mạnh hồi tháng 4 đã gây trở ngại cho các nhà nghiên cứu an ninh và gây ra sự hoang mang cho cộng đồng người dùng máy tính. Ước tính trong năm 2009 thiệt hại do vi rút Conficker gây ra đối với các máy tính bị nhiễm khoảng 20 triệu USD. Tại Việt Nam có đến 81.000 máy tính bị nhiễm, gây thiệt hại tỷ đồng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Nhưng đến 2010 thì lại xuất hiện phổ biến vi rút chứa mã độc có tên gọi trojan, chuyên đánh cắp thông tin. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm, ước tính đã có 150 nghìn máy tính bị nhiễm loại vi rút này. Vấn nạn phần mềm diệt vi rút giả mạo cũng làm điên đảo cộng động mạng. Trong năm 2009 có đến 144 phần mềm diệt vi rút giả mạo xuất hiện. “Gần như biến mất vào năm 2008, spam hình ảnh (image-based spam) đã quay trở lại Việt Nam trong năm 2009 và đưa nước ta trở về top 10 các nước có tỷ lệ phát tán spam cao nhất thế giới”- ông Thế cho hay.

Tại Hội thảo - triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật (Security World 2010) các chuyên gia đều đưa ra khẳng định, vấn đề an ninh mạng đang ngày càng nóng bỏng với kĩ thuật tấn công tinh vi, hoàn hảo hơn; mã độc ngày càng “độc” hơn cùng với nhiều mạng máy tính ma (botnet) được điều khiển bởi các hacker có chuyên môn cao.

Chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo mạng xã hội đang trở thành một nền tảng mới rất hiệu quả giúp con người giao tiếp, liên lạc với nhau thì cũng trở thành miếng mồi hấp dẫn của tin tặc. Đáng lưu ý, điện thoại di động sẽ là đích nhắm mới của giới tội phạm, đặc biệt là khi mạng 3G bắt đầu được đưa vào hoạt động tại Việt Nam.

Theo Dân Trí.




Bình luận

  • TTCN (0)