Ngày 26/10/2007, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du Lịch phối hợp với Phòng C15 Bộ Công an tiến hành đợt thanh tra đột xuất việc sử dụng phần mềm có bản quyền tại Công ty TNHH Archetype Việt Nam. Đây là công ty của Pháp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế khảo sát, quản lý dự án và tư vấn xây dựng có văn phòng đặt tại 142 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Tại Công ty TNHH Archetype Việt Nam, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện 82 máy tính cài đăt trái phép các phần mềm không có bản quyền. Đây đều là những phần mềm được sử dụng phổ biến trong các hoạt động sản xuất kinh doanh như: phần mềm Autocad, Microsoft Office 2003, Microsoft Visual Studio, Microsoft Windows XP, Lạc Việt, bộ gõ Vietkey 2000, ACD Systems, WinRar, Adobe, Symantec Antivirus, Microsoft Windows, Microsoft Office XP, Microsoft Frontpage, Corel Graphic Suite. Trước những chứng cứ trên, lãnh đạo công ty ông John Brown, Giám đốc công ty đã ký vào biên bản vi phạm hành chính, thừa nhận hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền phục vu các hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị và cam kết sẽ tuân thủ các qui định hiện hành và khắc phục các lỗi vi phạm trong thời gian ngắn nhất.

Sau cuộc thanh tra này, đoàn thanh tra liên ngành cho biết sẽ ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Archetype Việt Nam căn cứ vào Luật Sở hữu Trí tuệ và Nghị định số 56/2006 NĐ-CP ngày 6/6/2006 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá thông tin. Theo kết quả thì tổng giá trị các phần mềm bất hợp pháp tại công ty TNHH Archetype Việt Nam ước tính lên đến hơn 6 tỷ Việt Nam đồng, lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Trần Văn Minh, Trưởng đoàn thanh tra cho biết: “Những đợt thanh, kiểm tra liên tục của các cơ quan chức năng gần đây nhằm từng bước đưa Luật sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống. Đây cũng là những động thái tích cực góp phần đưa ngành CNTT Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn quan trọng với tốc độ tăng trưởng 20 - 25% và đạt tổng doanh thu khoảng 6 - 7 tỷ vào năm 2010. Chúng tôi tin rằng, sau mỗi đợt thanh tra, kết quả đem lại không chỉ là sự nhận thức của những người bị kiểm tra mà còn là việc nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội nói chung về ý thức bản quyền phần mềm - một điều không thể thiếu nếu muốn đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo con đường của kinh tế tri thức.

Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA cũng tiết lộ: “Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực giảm thiểu vi phạm BQPM trong năm qua. Với con số giảm kỷ lục 4% trong năm 2006 đã đưa Việt Nam thoát ra khỏi danh sách 12 nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới.

(Theo VnMedia)



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Tưởng gì, toàn phần mềm phổ biến, ai cũng dùng Big Grin