Việc gia nhập Liên minh Asianux sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam. Ảnh: VENO.

Ngày 27/9/2007 tại Hội chợ phần mềm TP.HCM - Softmart 2007 đã diễn ra lễ công bố Việt Nam gia nhập Liên minh phần mềm Aisanux. Sự kiện này làm giới CNTT trong nước hết sức phấn khởi bởi đây là bước tiến quan trọng đánh dấu sự hội nhập quốc tế của ngành công nghiệp phần mềm trong nước.

Asianux là một liên minh được thành lập từ cuối năm 2004 trên cơ sở cam kết của chính phủ 3 quốc gia vùng Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực phần mềm nguồn mở (PMNM). Mục tiêu chính của Asianux là nghiên cứu, phát triển các ứng dụng PMNM làm nền tảng cho thị trường nguồn mở; thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển CNTT tại khu vực châu Á. Nòng cốt của Asianux dựa trên 3 công ty phần mềm là: Redflag Software - DN lớn nhất Trung Quốc về PMNM, Miracle Linux - DN được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Oracle và NEC nhằm phát triển PMNM tại Nhật Bản và Haansoft - DN lớn nhất Hàn Quốc về PMNM. Về phía Việt Nam, Asianux đã chọn Công ty Vietsoftware làm đại diện cho Việt Nam trong Liên minh Asianux. Các công ty thành viên của liên minh sẽ cử người của mình trực tiếp tham gia phát triển các ứng dụng cho Asianux và chủ yếu làm việc tại Trung tâm Phát triển công nghệ Asianux tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Đặc biệt một trong những nội dung quan trọng mà Liên minh Asianux cam kết là giúp Việt Nam xây dựng 2 trung tâm hỗ trợ kỹ thuật Asianux tại Hà Nội và TP.HCM.

Theo TS Hoàng Lê Minh - Phó Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP.HCM, Asianux hoạt động dựa trên đóng góp của các công ty thành viên dưới hình thức như một công ty cổ phần nhưng về bản chất là một tổ chức phi lợi nhuận, không can thiệp vào thị trường CNTT nội địa của từng nước. Nói một cách đơn giản, những PMNM do Asianux phát triển mang tính thương mại nhưng lại cho phép tải về miễn phí mà không cần bản quyền.

Tuy mới được triển khai nhưng doanh số sản phẩm dựa trên Asianux của các công ty liên minh Asianux đã lên đến hàng chục triệu USD và tiết kiệm hàng trăm triệu USD do không phải mua bản quyền phần mềm thương mại của nước ngoài. Cụ thể, Asianux đã triển khai nhiều dự án đem lại hiệu quả cao như: Dự án cài đặt PMNM cho 10 000 máy chủ tại 231 bưu điện ở 31 tỉnh, thành của Trung Quốc; Dự án hệ thống thông tin giáo dục Hàn Quốc với 2 375 máy chủ được cài đặt PMNM; Dự án dịch vụ tra cứu bản đồ trực tuyến tại Nhật Bản với 7 triệu người truy cập hàng ngày.

Ở Việt Nam trước đây, chúng ta đã từng đàm phán với Công ty Sun Microsystem (Mỹ) để phát triển PMNM thương mại (Java Desktop System, Star Office) nhưng không thành công vì điều kiện của Sun Microsystem đặt ra là Việt Nam phải cam kết trả một số tiền nhất định để mua bản quyền sử dụng các phần mềm này. Trên thực tế, trong nước hiện đã có một số phiên bản PMNM miễn phí do các DN và cá nhân tự phát triển như: Vietkey Linux, CMC Linux, Hacao Linux, Ubuntu Linux, Fedora Core, OpenSuSe Linux... Tuy nhiên, đa phần những PMNM này chưa được các nhà sản xuất phần cứng và phần mềm nền tảng (hệ quản trị cơ sở dữ liệu, bảo mật) xác nhận và cấp chứng chỉ hợp chuẩn (certificates).

Theo ông Minh, Việt Nam tham gia vào Liên minh Asianux sẽ mang lại nhiều lợi ích như: có thể sử dụng các sản phẩm do Asianux phát triển, được hỗ trợ về kỹ thuật mà không bị ràng buộc về bản quyền. Các ứng dụng của Asianux đều là những sản phẩm đáng tin cậy vì nó được phát triển dựa trên sự hợp tác của các công ty PMNM. Chính sự hợp tác này mà Asianux nhận được sự cam kết hỗ trợ từ các tập đoàn CNTT đa quốc gia như: Intel, IBM, HP, Dell, Cisco, AMD, Hitachi, NEC... Có thể nói, đây là một điều kiện hết sức thuận lợi bởi với cam kết này, các sản phẩm do Asianux phát triển sẽ chạy được trên tất cả các thiết bị máy tính do các tập đoàn này sản xuất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian ít nhất từ 3 - 5 năm tới Việt Nam vẫn chưa có một cộng đồng PMNM và những DN đủ mạnh để tự phát triển và hỗ trợ lâu dài một phiên bản Linux bản địa hóa (tiếng Việt) chất lượng và được các tập đoàn đa quốc gia công nhận hợp chuẩn. Do vậy, việc Việt Nam gia nhập Liên minh Asianux là giải pháp hiệu quả nhất, góp phần phát triển ngành công nghiệp phần mềm nội địa và hơn hết là giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm.

(theo VENO)




Bình luận

  • TTCN (0)