VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom. Ảnh: THÁI KHANG.

Cho đến thời điểm này, đã có hai mạng di động ảo được cấp phép, thế nhưng doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực này được dự báo giống như chuyện phải “lách mình qua khe cửa hẹp”.

Mạng ảo thứ hai nhập cuộc vào cuối năm 2010

Ngày 22/6, Bộ TT&TT đã tổ chức lễ cấp phép mạng di động ảo cho Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC. Ông Nguyễn Hoàng Phong, Giám đốc VTC Digicom thuộc VTC cho biết, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom. “Sở dĩ chúng tôi chỉ sử dụng hạ tầng 3G của EVN Telecom vì mạng 2G của đối tác này sử dụng băng tần 450 Mhz nên rất khó khăn về thiết bị đầu cuối. Ngoài EVN Telecom, chúng tôi sẽ nghiên cứu các phương án roaming với các mạng di động khác để mở rộng vùng phủ sóng cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở những nơi mà mạng 3G của EVN Telecom chưa vươn đến được”, ông Nguyễn Hoàng Phong nói.

Ông Chu Tiến Đạt, Phó giám đốc VTC Digicom cho biết, nhà mạng này sẽ cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tận dụng công nghệ 3G, mang lại những giá trị mới cho người dùng. “3G chưa thành công tại Việt Nam chủ yếu là do chưa có những ứng dụng phù hợp với yêu cầu xã hội”, ông Đạt nói. “Với VTC, 3G là công cụ chứ không phải đích đến”.

Theo giấy phép, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom và roaming với các mạng 2G trong nước. Tuy nhiên, VTC sẽ được phép có đầu số riêng với đầu 11 số. Theo ông Đạt, việc hợp tác giữa VTC Digicom với EVN Telecom là sự kết hợp giữa một đơn vị mạnh về nội dung và một đơn vị mạnh về hạ tầng. Dự kiến VTC sẽ chính thức cung cấp dịch vụ thông tin di động vào cuối năm 2010 trên phạm vi toàn quốc. Hiện VTC chưa có quyết định cuối cùng về việc đưa ra thương hiệu gì cho mạng di động này, nhưng nhiều khả năng sẽ lựa chọn phương án thương hiệu là VTC Mobile.

Mạng ảo trong “khe cửa hẹp”

Như vậy, cho đến thời điểm này đã có 2 mạng di động ảo chính thức được cấp phép là Đông Dương Telecom và VTC. Trước đó, ngày 19/8/2009, Bộ TT&TT đã chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động cho Công ty Đông Dương Telecom. Đông Dương Telecom tuyên bố đến quý I/2010 sẽ cung cấp dịch vụ này nhưng hiện vẫn im hơi lặng tiếng.

Một quan chức Bộ TT&TT cho biết, hiện hai doanh nghiệp này vẫn chưa đàm phán được với nhau để cung cấp dịch vụ. Trước đó, trả lời Báo Bưu điện Việt Nam, ông Phạm Thanh Tự, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đông Dương Telecom cũng thừa nhận đây là thách thức cho Đông Dương Telecom vì là người “sinh sau đẻ muộn” trong điều kiện nhiều nhà khai thác đi trước đã đi rất xa và rất dài, có nhiều kinh nghiệm và cả tiềm lực về vật chất và con người.

Giới phân tích cho rằng, VTC tuy có lợi thế về dịch vụ nội dung, xong việc doanh nghiệp này nhảy vào lĩnh vực di động không phải là chuyện đơn giản. Trong 4 giấy phép triển khai 3G, thì EVN Telecom đang có vùng phủ sóng hẹp. Ông Võ Quang Lâm- Phó Giám đốc EVNTelecom cho biết: Giai đoạn 1, EVNTelecom 3G tập trung cung cấp dịch vụ thật tốt ở 5 thành phố đông dân là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Hiện nay, EVN Telecom cũng đã triển khai giai đoạn 2 với việc đầu tư, lắp đặt thêm 5000 trạm BTS 3G nhằm mở rộng vùng phủ sóng.

Như vậy, vùng phủ sóng sẽ là trở ngại đối với VTC để thu hút khách hàng. Bài học về vùng phủ sóng của các mạng di động Việt Nam đối với việc thu hút thuê bao vẫn còn nguyên giá trị. Trong khi đó, việc đàm phán để mở rộng vùng phủ sóng với 3 “đại gia” di động là Viettel, VinaPhone và MobiFone không phải là chuyện đơn giản. Trên thực tế, các mạng di động lớn chưa có tiền lệ hợp tác về mô hình này. Hơn nữa, họ cũng không muốn phải rắc rối xung quanh vụ hợp tác với các mạng ảo trừ phi tỷ lệ ăn chia quá hời cho họ.

“Có một điều kỳ lạ là chúng tôi luôn thấy các mạng di động tuyên bố roaming với nhiều đối tác trên thế giới không vấn đề gì. Thế nhưng, ở trong nước chúng ta lại đá nhau, hạ tầng xây dựng trùng lắp trong khi đó tất cả đều là doanh nghiệp nhà nước”, ông Nguyễn Hoàng Phong nói.

Mới đây, các mạng di động lớn cũng phải kêu than với Bộ TT&TT về tỷ lệ lợi nhuận trong lĩnh vực này đã giảm mạnh và đang tiến gần đến ngưỡng báo động. Nếu như vậy, các mạng có hạ tầng không thể bán buôn cho mạng ảo với mức giá “xông xênh” để mạng ảo có lãi tốt được. Trong cuộc chạy đua về cước, mạng có hạ tầng vẫn chiếm thế “cửa trên” và mạng ảo sẽ bị lép vế.

Nhắm vào thị trường ngách

Trên thực tế hiện nay, việc thu hút thuê bao mới ngày càng khó khăn và thị trường đáng tiến gần đến ngưỡng bão hoà. Trong khi đó, mạng ảo chưa thể có được lợi thế trong việc thu hút thuê bao mới. Các mạng di động lớn cho rằng, những khách hàng còn lại phần đông là những lớp khách hàng có thu nhập thấp.

Theo thoả thuận, hai mạng ảo là VTC và Đông Dương Telecom đều cung cấp trên hạ tầng 3G của các mạng khác. Như vậy, khách hàng sẽ phải có máy điện thoại 3G, đó là thứ xa xỉ đối với khách hàng có thu nhập thấp. Mới đây, Bộ TT&TT công bố mạng có số thuê bao lớn nhất hiện nay là Viettel cũng chỉ có 1,5 triệu thuê bao 3G. Điều này cho thấy việc thu hút thuê bao của mạng ảo là vô cùng khó khăn.

Giới phân tích cho rằng, để có được thuê bao, mạng ảo sẽ phải nhắm đến thị trường ngách, nơi mà các mạng lớn không để ý tới chứ không phải thị trường cho số đông. Quy mô của những thị trường này rất nhỏ chỉ vài chục đến vài trăm nghìn thuê bao. Như vậy, giả sử mạng ảo có cơ hội tồn tại thì họ gần như không có cơ hội để bùng nổ thuê bao được.

Một mạng di động đã tính toán rằng, nếu chỉ đầu tư mạng lõi sẽ tiết kiệm được khoảng 90% chi phí. Thế nhưng, để có thể vận hành được mạng ảo, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư đến vài chục triệu USD cho hệ thống mạng lõi và hệ thống bán hàng. Nếu mạng ảo không tính toán tốt sẽ khó có khả năng thu hồi vốn.

Theo con số thống kê hiện nay, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao (APRU) của Việt Nam chỉ còn khoảng từ 3 – 4 USD. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy những thị trường có APRU thấp, không phải là mảnh đất tốt cho mạng ảo phát triển.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)