Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS, sẽ khó có thể truy tìm được thủ phạm đã tung lên mạng Internet đoạn phim sex 5 phút của Hoàng Thùy Linh, nếu các nhà cung cấp dịch vụ Yahoo! và Google không thực sự hợp tác.

Đến lúc này, có thể nói rằng thủ phạm chính trong vụ scandal lớn nhất năm 2007 mà nhân vật chính là diễn viên trẻ Hoàng Thùy Linh, vẫn còn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Theo thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra, nhiều khả năng Trần Thanh Hiền là người tung lên mạng đoạn phim sex đầu tiên dài 5 phút vào đêm 11/10. Còn theo lời khai của Nguyễn Hữu Tài, quản trị trang web loveyahu.com, một nghi can đang bị tạm giữ để điều tra, thì đoạn phim trên do một thành viên diễn đàn gửi cho Tài.

Trong lúc đó, một chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng, khẳng định hiện trường phát tán đoạn video clip nhạy cảm này bắt đầu từ nước ngoài vì đoạn phim được tung lên server của YouTube, Google và blog của Yahoo. Đây cũng nhận xét chung của các cư dân mạng, đặc biệt là những người tiếp cận đầu tiên với đoạn phim sex trong đêm 11/10. Nói rõ hơn về các yếu tố kỹ thuật, ông Quảng khẳng định, kẻ phát tán đoạn phim sex 5 phút đang sử dụng địa chỉ IP nước ngoài. Địa chỉ IP – Internet Protocol – có thể ví như một số nhà trên xa lộ Internet. Số nhà này được gán cho một máy tính cụ thể, mỗi khi máy tính này truy cập vào Internet thì mọi giao dịch, hoạt động của nó đều được ghi nhận trên một máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ Internet, trong trường hợp này là nhà cung cấp dịch vụ Google và Yahoo!.

Rõ ràng, muốn truy tìm được thủ phạm đã tung đoạn phim sex 5 phút lên mạng, chắc chắn phải có sự hợp tác của Google và Yahoo!. Vậy liệu chúng ta có thể trông chờ vào sự hợp tác của hai “đại gia” tầm cỡ quốc tế này trong vụ việc Hoàng Thùy Linh không?

Câu trả lời từ phía Google và Yahoo! lúc này là họ sẽ hợp tác khi có yêu cầu của Tòa án hay cơ quan ngang cấp, với điều kiện giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ có thỏa thuận hỗ trợ tư pháp về vấn đề này. Trong điều kiện hiện nay, việc đáp ứng được các yêu cầu trên là không thể vì đây là vấn đề quá mới và Việt Nam – Mỹ cũng chưa hề có thỏa thuận hỗ trợ tư pháp về lĩnh vực tội phạm trên mạng.

Những người có nghề trong giới công nghệ thông tin còn chỉ ra một lý do khác ẩn dấu đằng sau câu trả lời có vẻ rất thiện chí nhưng không thực chất của Google và Yahoo!. Hai nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới này không hề muốn cung cấp các thông tin về người sử dụng dịch vụ của họ cho các cơ quan chức năng. Đơn giản là Google và Yahoo! đang là một thế giới ảo với quyền tự do cá nhân gần như tối đa. Việc một khách hàng sử dụng dịch vụ của Yahoo hay Google bị truy xét, thậm chí xử phạt theo pháp luật, chắc chắn sẽ làm giảm khách hàng, giảm số lượng truy cập, doanh thu cũng như lòng tin (hay cả ý đồ lợi dụng) của khách hàng đối với cung cấp dịch vụ.

Tình huống thực tế này đang buộc các cơ quan chức năng Việt Nam phải xem xét các loại tội phạm trên Internet như một loại tội phạm xuyên quốc gia, như tội phạm ma túy, rửa tiền, hay buôn người… Muốn ngăn chặn thành công và trừng phạt đúng người đúng tội với loại tội phạm trên mạng, cũng cần phải có thỏa thuận hỗ trợ tư pháp ở mức cao nhất giữa Việt Nam và các quốc gia khác, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Nếu không chuẩn bị sẵn sàng cho các sự việc tương tự trong tương lai, chắc chắn chúng ta lại sẽ rơi vào cảnh bó tay nhìn kẻ phạm tội nhởn nhơ như trong sự việc của Hoàng Thùy Linh.

(Theo VnMedia)



Bình luận

  • TTCN (0)