Thị trường viễn thông hiếm khi thấy cảnh doanh nghiệp sát cánh bên nhau như thế này. Trong ảnh: Các DN Viễn thông ký cam kết hợp tác phát triển hạ tầng năm 2005 tại Hà Nội.

Ấp ủ ý tưởng từ năm 2002 thế nhưng việc thành lập Hiệp hội Viễn thông đã trở thành câu chuyện "ném đá ao bèo" khi mà hai đại gia VNPT và Viettel vẫn còn hờ hững.

VoIP, di động gây áp lực thành lập hiệp hội

Năm 2002, khi thị trường dịch vụ VoIP mở cửa cho nhiều doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là VoIP quốc tế thì thị trường này đã trở nên nóng bỏng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này liên tục "phá rào" giá sàn cước thanh toán VoIP quốc tế chiều về. Thời điểm đó, cơ quan nhà nước đã can thiệp mạnh đến mức bắt buộc các doanh nghiệp "phá rào" phải ký lại hợp đồng với đối tác. Thế nhưng, sự việc này vẫn tiếp diễn. Trong khi chưa tìm được tiếng nói chung cho vấn đề này thì có doanh nghiệp viễn thông đã đề xuất nên thành lập Hiệp hội Viễn thông để các doanh nghiệp thống nhất, hợp tác với nhau, tránh chuyện bán phá giá.

Tháng 4/2003, Báo Bưu điện Việt Nam lần đầu tiên mở diễn đàn "Có nên thành lập Hiệp hội Viễn thông hay không?". Ngay lập tức, các doanh nghiệp viễn thông đều lên tiếng ủng hộ ngoại trừ VNPT. Thời điểm đó, SPT khẳng định Hiệp hội Viễn thông là cơ hội và giải pháp tốt nhất để các doanh nghiệp viễn thông gắn bó với nhau và quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết một cách hài hoà.

Năm 2003, Viettel mới chỉ cung cấp dịch vụ VoIP và Internet, chưa kinh doanh di động nhưng cũng tán thành với việc thành lập Hiệp hội Viễn thông. Khi đó, Thứ trưởng Bộ BCVT Lê Nam Thắng cũng khẳng định chủ trương của nhà nước muốn có Hiệp hội Viễn thông. Khi có vấn đề vướng mắc, doanh nghiệp có thể ngồi lại với nhau giải quyết mà không cần phải lên cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, VNPT cho rằng không nhất thiết phải thành lập Hiệp hội Viễn thông mà doanh nghiệp viễn thông vẫn có thể ngồi lại với nhau để thống nhất về chống phá giá.

Tuy nhiên sau diễn đàn này, câu chuyện thành lập Hiệp hội Viễn thông lại chìm xuống. Đến khi Viettel xâm nhập vào thị trường di động được 2 năm (năm 2006) và trở thành đối trọng đáng kể với VNPT trên thị trường viễn thông, câu chuyện thành lập Hiệp hội Viễn thông lại một lần nữa được xới lên. Trả lời trên các phương tiện thông tin truyền thông lúc đó, cả VNPT và Viettel đều muốn có Hiệp hội Viễn thông. Phía VNPT cho rằng, trước đây chỉ có VNPT là nhà khai thác dịch vụ viễn thông nhưng đến nay, đã có thêm nhiều nhà khai thác dịch vụ khác. Vì vậy, Hiệp hội Viễn thông phải là một tổ chức của các nhà khai thác dịch vụ viễn thông. Người cầm trịch hiệp hội này nên là các doanh nghiệp. Đây sẽ là môi trường để tất cả các nhà khai thác ngồi lại với nhau. Trong khi đó, Viettel cho rằng, đặc thù của ngành Viễn thông là một dịch vụ do một công ty cung cấp nhưng thực chất là của hai công ty cung cấp. Chẳng hạn như một thuê bao 098 gọi tới một thuê bao 091 hay 090 cần phải có sự kết nối giữa Viettel và VNPT. Nếu cùng sinh hoạt trong một hiệp hội để gặp gỡ nhau sẽ dễ dàng tìm tiếng nói chung hơn.

Hãy học cách của Hiệp hội Internet

Những cuộc chạy đua khuyến mãi, “xé rào”... trong lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là di động hiện nay vẫn đang là vấn đề nóng. Bên cạnh đó, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng để tiết kiệm chi phí, giảm cước cho khách hàng, tăng lợi nhuận cho nhà khai thác đang là vấn đề đặt ra. Những khát vọng về tìm hướng đi đột phá để tạo ra những “quả đấm thép” thực sự trên thị trường viễn thông với doanh thu của mỗi doanh nghiệp từ 10 - 15 tỷ USD và vươn ra quốc tế đang cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp. Tất cả những vấn đề này, một lần nữa đòi hỏi phải có một tổ chức để giải quyết trên cơ sở cam kết và tự nguyện - đó là Hiệp hội Viễn thông.

Về mặt ý chí, Bộ TT&TT rất muốn Hiệp hội Viễn thông được thành lập. Cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã giao các đơn vị của Bộ phối hợp giúp các doanh nghiệp viễn thông hoàn thành thủ tục thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Viễn thông và ra mắt vào quý II/2010. Thậm chí Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng đã chỉ đạo phải thúc đẩy việc ra mắt sớm hơn để các doanh nghiệp có tiếng nói chuyên sâu bên cạnh Bộ TT&TT, cùng điều chỉnh chủ trương chính sách quản lý của Nhà nước sao cho hợp lý. Thể hiện mong muốn đó, Bộ trưởng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Viettel phải chịu trách nhiệm làm đầu mối để thành lập Hiệp hội này.

Thế nhưng, đến tận thời điểm này vẫn chưa có những tín hiệu ban đầu về việc tập hợp các doanh nghiệp viễn thông để chuẩn bị cho việc vận động thành lập hiệp hội. Trên thực tế, cho dù Hiệp hội Viễn thông hay Internet thì vẫn cần có hai “đại gia” cầm trịch là VNPT và Viettel. Trong khi đó, thông tin từ VNPT cho hay là chưa có bất cứ động thái gặp gỡ giữa VNPT và Viettel để bàn về vấn đề này. Các doanh nghiệp viễn thông khác cũng mới chỉ nhận được thư mời của Viettel. Nếu câu chuyện cứ tiếp diễn như vậy, chắc chắn Hiệp hội Viễn thông sẽ khó có thể được thành lập sớm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập Hiệp hội Viễn thông nên lấy bài học của việc thành lập Hiệp hội Internet mới được ra mắt hôm 9/10 vừa qua. Việc thành lập Hiệp hội Internet không có nhiều bóng dáng của lãnh đạo Tập đoàn VNPT nhưng nó chắc chắn ghi dấu ấn của VDC và cá nhân nhân vật thứ 3 được giới truyền thông bình chọn có đóng góp lớn nhất trong việc đưa Internet về Việt Nam là ông Vũ Hoàng Liên. Hay việc thành lập Hiệp hội Phần mềm có dấu ấn của FPT và cá nhân ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT của FPT.

Giới truyền thông cho rằng, cho dù các doanh nghiệp viễn thông trong lòng đều nghĩ đến một tổ chức như Hiệp hội Viễn thông, nhưng để các doanh nghiệp ngồi lại với nhau vẫn là điều khó. Chỉ khi các “đại gia” viễn thông đặt lợi ích của xã hội lên trên quyền lợi và vai vế của mình thì đó mới là thời điểm chín muồi để khai sinh Hiệp hội Viễn thông.

Cho đến thời điểm này, gần như không có ý kiến trái chiều về việc thành lập Hiệp hội Viễn thông, nhưng những động thái của các doanh nghiệp để đi đến thành lập tổ chức này lại rất mờ nhạt.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)