Sau 10 năm, tốc độ truy cập Internet tại VN tăng 7.500 lần; giá truy cập rẻ nhất trong khu vực và trên thế giới; lượng thuê bao đã đạt con số hơn 18 triệu... Đây là một bước nhảy ngoạn mục của Internet VN. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng; hạ tầng mạng; dịch vụ công ích đang cần một lời giải cho đáp số chất lượng - bền vững.

Điểm sáng trên bản đồ Internet thế giới

Năm 1992, Viện CNTT đã sử dụng Internet như một thuê bao xa của Australia. Tuy nhiên phải mất 2 năm, Thủ tướng Thụy Điển và Thủ tướng VN Võ Văn Kiệt mới có thể trao đổi thư điện tử qua kết nối này. Sau đó, lãnh đạo VN mới đưa ra được một quyết sách quan trọng: Cho mở Internet tại VN. Nhưng phải đến ngày 19.11.1997, Lễ kết nối Internet toàn cầu mới biến "giấc mơ Internet" của VN thành hiện thực.

Tuy nhiên "công nghệ xa xỉ" này vấp phải rào cản vô cùng to lớn về hạ tầng công nghệ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết: Cách đây 10 năm, tốc độ truy cập Internet VN chỉ là 2Mb. Tốc độ "chậm hơn rùa" này khiến khách hàng phải trả rất nhiều tiền mỗi khi truy cập. Thế nhưng, đó chính lại là động lực cho Internet VN. Từ một nhà cung cấp độc quyền là VNPT, thế thượng phong này bị phá vỡ khi hàng loạt các doanh nghiệp (DN) gồm FPT, Viettel, SPT, Netnam và EVN Telecom nhảy vào thị trường này. Cuộc cạnh tranh đã mở ra một tương lai sáng cho Internet VN.

Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC (thuộc VNPT) thừa nhận rằng một mình DN này không đáp ứng nổi tốc độ phát triển bùng nổ của Internet VN. Ông Hùng thì so sánh: Cùng với việc đầu tư công nghệ, hạ tầng; tốc độ từ 2Mb/giây đã nhanh chóng tăng lên gấp 7.500 lần. Giá truy cập không bị tính bằng thời gian nữa mà bằng khối lượng thực tế. Từ công nghệ dial-up, đến nay ADSL đã trở nên phổ biến đến tận cấp xã với hơn 18 triệu thuê bao.

Theo ông Hùng, Internet VN đã góp phần chuyển hóa và tạo nên những thay đổi lớn trong xã hội VN; đồng thời đánh dấu VN trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới. Hiện tỉ lệ người sử dụng Internet VN đã vượt Thái Lan, Trung Quốc và đạt mức bình quân cao trên thế giới. Các tổ chức quốc tế cũng xếp hạng VN có tốc độ phát triển Internet đứng tốp đầu toàn cầu hiện nay.

Bài toán chất lượng và bền vững

Tuy nhiên, tất cả các DN đã đều thừa nhận "vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu" của khách hàng. Sau khi giải được bài toán chậm trễ và giá thành cao trong lắp đặt, hiện các DN đang phải đối mặt với vấn đề chất lượng đang được yêu cầu ngày càng cao; đáp ứng các nhu cầu cao cấp như xem phim, nghe nhạc, chơi game trực tuyến... Gần đây nhất, Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT đã cho thấy chất lượng ADSL của một số DN vẫn có vấn đề. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, các DN này cho biết đã đưa ra cam kết có mức độ trách nhiệm cao nhất cho bài toán này.

Một vấn đề khác mà các DN cũng đang tìm lời giải, đó chính là sự hợp tác trong xây dựng, phát triển hạ tầng. Thực tế, VN đã có lúc tưởng như bị cô lập với thế giới khi các tuyến cáp bị đứt do động đất và con người xâm hại. Nguy cơ này đã khiến các DN ngồi lại với nhau và bàn chuyện chủ động trong hạ tầng mạng. Nhờ đó, cả VDC, Viettel, EVN Telecom và SPT đều đã bắt tay vào xây dựng nhiều tuyến cáp hoạt động và dự phòng. Đặc biệt, các DN VN còn đang ấp ủ giấc mơ VN sẽ trở thành trung tâm kết nối của khu vực.

Cuối cùng, các chuyên gia quan tâm đặc biệt đến chất lượng "cư dân Internet". Theo các chuyên gia, mặc dù 100% các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện TƯ 98% số trường trung học; 92% số DN vừa và nhỏ... đã có Internet. Thế nhưng, chất lượng sử dụng Internet của VN chưa cao và kém hiệu quả.

Một bằng chứng khá rõ ràng là "cư dân Internet" của VN đứng đầu trong danh sách tìm sex trên mạng; trong khi đó thì đa số SV vẫn chưa được thụ hưởng thành quả từ Internet. Bên cạnh đó, cũng có tới 91,9% số DN được khảo sát không quan tâm đến website; 70% số DN tại TP lớn hầu như không sử dụng dịch vụ web... Đặc biệt các vấn đề bảo mật, kho dữ liệu, ứng dụng từ Internet vẫn cho thấy Internet VN đang ở mức độ sẵn sàng thấp.

Theo các chuyên gia, tốc độ phát triển công nghệ Internet VN sau 10 năm là ngoạn mục; song chất lượng phát triển cư dân, ứng dụng... của Internet VN thì vẫn đáng lo ngại. Vì thế, những thách thức là rất to lớn.


(Theo Lao Động)



Bình luận

  • TTCN (0)