Để tuột cup vô địch về tay đội Merak (Trung Quốc), nhưng sự tự tin, kinh nghiệm và cú lội ngược dòng ngoạn mục đã giúp đội Bugs của Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM qua mặt nhiều anh tài quốc tế để có mặt tại Alberta (Canada) dự vòng đấu toàn cầu trong khuôn khổ giải ACM/ICPC. Ảnh: VnExpress.

Để tuột cup vô địch về tay đội Merak (Trung Quốc), nhưng sự tự tin, kinh nghiệm và cú lội ngược dòng ngoạn mục đã giúp đội Bugs của Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM qua mặt nhiều anh tài quốc tế để có mặt tại Alberta (Canada) dự vòng đấu toàn cầu trong khuôn khổ giải ACM/ICPC.

Thành phố biển miền Trung những ngày này đang hứng chịu ảnh hưởng của cơn bão lớn nên mưa tầm tã kéo dài không dứt. Nhưng điều đó không làm giảm khí thế hăng hái của hàng trăm thí sinh bước vào cuộc đấu trí nhiều thác thức. Họ có mặt đầy đủ từ 7h sáng ngày 11/11 tại Trung tâm giáo dục thể chất Đại học Bách khoa Đà Nẵng, trường thi được xem là một nơi lý tưởng bởi rộng tới hơn 4 100 m2, có nhiều trang thiết bị hiện đại và được điều khiển bằng một hệ thống hoàn toàn tự động.

Đúng 8h15 phút, đề bài được phát ra và chỉ khoảng 9 phút sau đó, trên màn hình lớn hiển thị kết quả trực tuyến đã thông báo AstarVN, một đội thuộc Đại học Công nghệ Hà Nội, đã giải xong 2 bài. Tuy nhiên, "ngôi sao" này chỉ bừng sáng ở thời gian đầu để rồi sau đó không có tiến bộ đáng kể nào. Cho đến khi kết thúc cuộc đua, nhóm đứng vị trí thứ 7 với 4 bài giải đúng trong 609 phút.

Cái tên xuất hiện thứ hai trên bảng kết quả là đội Bugs của Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM. Giải xong 3 bài chỉ trong 31 phút, Bugs đã vượt qua AstarVN và dẫn đầu trong khoảng gần một tiếng đồng hồ. Đứng thứ ba lúc này là Merak, đối thủ đến từ Đại học Zhongshan (Trung Quốc). Một đại diện trong nước khác là BK-Rock từng vươn lên giành vị trí thứ nhì của Merak nhưng không lâu sau đó nhóm lập trình danh tiếng của Trung Quốc đã đòi lại vị thế, chen vào giữa Bugs và BK-Rock trong top đầu.

Cuộc bám đuổi diễn ra khá hấp dẫn và phần nào tạo niềm phấn khích cho những người có mặt tại vòng ngoài điểm thi, bởi trong suốt nửa đầu thời gian 5 tiếng của cuộc đua tài luôn xuất hiện các đội tuyển VN trong top dẫn đầu, trong khi các tên tuổi quốc tế chỉ có Merak và ClearWaterBay (HongKong). Đối thủ nặng ký đến từ Đại học TokyoMakegumi, vốn được các đoàn cảnh giác nhất, vẫn ở vị trí thứ sáu. "Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi nghĩ là đại diện của Nhật đến VN lần này rất mạnh. Nhưng Makegumi đang làm gì nhỉ?", huấn luyện viên của Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM Lâm Xuân Nhật tỏ ra băn khoăn. Dù vậy, nhiều chuyên gia khác vẫn tin rằng Makegumi sẽ làm nên nên chuyện. "Tôi nghĩ Đại học Tokyo sẽ đoạt chức vô địch, có thể họ có đấu pháp nào đó chưa tung ra", trưởng đoàn HongKong Joek.W.Chong nhận định.

Song, đại diện của xứ hoa anh đào đã không thành công tại ACM/ICPC 2007 bởi kết quả chung cuộc, họ chỉ hoàn thành được 4 bài trong thời gian 248 phút, chấp nhận xếp thứ 5.

Càng về cuối, cuộc đua càng trở nên căng thẳng. Thời gian làm bài kéo dài 5 tiếng nên bữa trưa được các tình nguyện viên chuyển đến tận bàn cho thí sinh. Có người vừa nhai bánh mỳ, vừa đi lại quanh chỗ ngồi suy nghĩ cách giải thuật toán. Người khác thì mải miết gõ quên luôn cả suất ăn của mình. Một số liên tục ngoái nhìn kết quả hiển thị trên màn hình lớn đặt ở các góc phòng. Thi thoảng ở bàn nào đó, sĩ tử lại nhảy ra khỏi chỗ ngồi ôm chầm lấy nhau hoặc kêu to sung sướng vì tìm ra được đáp án đúng. Một tiếng trước khi kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức ngừng cập nhật kết quả online, để đảm bảo bí mật. Thời điểm này, Bugs xếp thứ 3 sau ClearWaterBay và Makegumi, dưới nữa là Merak và AstarVN.

Tuy nhiên, những phút cuối cùng lại chứng kiến các pha ghi điểm đầy kịch tính mà ngoạn mục nhất là cú lội ngược dòng của một tên tuổi không mấy tiếng tăm, thậm chí không hề có mặt trong top 10 của 4 giờ đầu tranh tài. DragonCoders của Đại học công nghệ Hà Nội đã đột ngột xuất hiện và chiếm giữ luôn ngôi vị số 3 với thành tích 5 bài hoàn thiện trong 823 phút, làm nên sự ngạc nhiên đầy thích thú cho Hội đồng giám khảo. Trong khi một đội nữa của VN là Bugs với những nỗ lực cuối cùng đã tự nâng mình lên vị trí thứ hai thì Makegumi, ClearWaterBay lần lượt tụt hạng nhường cup vô địch cho "gã khổng lồ" Merak.

Buổi tối cùng ngày, các giải thưởng của ACM/ICPC đã được trao cho những người thắng cuộc. Phần thưởng lớn nhất là giấy mời tham dự vòng chung kết dành cho Merak và Bugs. Tuy nhiên, Ban giám đốc ACM/ICPC châu Á sẽ cân nhắc một chiếc vé vớt dành cho "những chàng lãng tử" của DragonCoders.

Ảnh
Các đội đoạt giải cao trong kỳ thi - Ảnh: V.Hùng (TTO.

Chia sẻ trong niềm vui sướng sau lễ trao giải, 3 thành viên của Bugs gồm: Nguyễn Chí Thiện, Đặng Vĩnh Bảo và Hồng Anh Khoa, cho biết trong lúc thi cũng đã rất hồi hộp. "Em theo dõi bảng kết quả thấy mình cũng đã có lúc đứng đầu, nhưng rồi đội khác lại vượt qua. Nhưng dù sao cả nhóm cũng đã thống nhất là bình tĩnh đọc đề, bài nào dễ làm trước. Có bài dễ nhưng mất nhiều công sức thì để lại sau. Vì kinh nghiệm là phải thật cẩn trọng, tránh bị trừ giờ vì làm sai", Đặng Vĩnh Bảo nói. "Kỹ năng lập trình cũng rất cần tốc độ, không phải giải nhiều mà là giải nhanh và chính xác, được bài nào phải chắc bài đó".

Được kết nối với cuộc thi Olympic tin học nên ACM/ICPC năm nay chia ra thành các khối chuyên và không chuyên. Cũng chính vì thế mà trong 10 đề bài có một vài nội dung rất dễ nhằm dành cho khối không chuyên. Những gì còn lại được đánh giá là… cực khó. "Em từng nghĩ là với số lượng 10 bài làm trong 5 tiếng thì chắc là đề cũng dễ thôi. Nhưng không ngờ lại phức tạp đến vậy. Những kỳ thi khác thì đội vô địch giải được hầu hết. Vậy mà ở đây, nhóm dẫn đầu cũng chỉ hoàn thành 6/10 bài thôi", Nguyễn Chí Thiện của đội Bugs chia sẻ.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch Hội đồng giám khảo, cũng thừa nhận sự kiện lần này đã mời được nhiều chuyên gia giỏi, trong đó có cả giáo sư người Mỹ, tham gia ra đề nên thách thức trở nên nan giải hơn. Điều này cũng chứng minh vì sao mà các đội dẫn đầu cũng chỉ xử lý xong được 6 bài và có tới 2 câu hỏi không nhóm nào động được tới. Còn có 17 đội ra về "tay trắng" vì hoàn toàn không nộp bất kỳ đáp án nào.

(theo VnExpress)




Bình luận

  • TTCN (0)