Gần như chỉ còn VNPT vẫn đảm bảo tốc độ phát triển thuê bao ADSL, các doanh nghiệp khác thì đang chật vật níu kéo thuê bao khỏi rời mạng khi khách hàng “thay nhà cung cấp như thay áo”.

Số liệu thuê bao ADSL rối như ma trận

Cho đến thời điểm này, VNPT đang chiếm giữ thị phần ADSL lớn nhất với khoảng 75 - 80% thị phần. Thị phần dịch vụ còn lại chủ yếu nằm trong tay Viettel và FPT Telecom. Tuy nhiên, số liệu thuê bao cụ thể của các nhà cung cấp dịch vụ Internet này nằm trong tình trạng “như ma trận”.

Theo con số thống kê hết năm 2008, VNPT có khoảng 1,7 triệu thuê bao ADSL, FPT Telecom có khoảng hơn 330.000 thuê bao còn Viettel có khoảng 400.000 thuê bao. Trong năm 2009, VNPT đã bứt phá mạnh mẽ và tuyên bố đang nắm trong tay hơn 2,5 triệu thuê bao ADSL, Viettel nắm trong tay 530.000 thuê bao và FPT Telecom khẳng định đang có 440.000 thuê bao. Với con số này, thị phần dịch vụ ADSL đứng đầu vẫn là VNPT, sau đó đến Viettel và thứ 3 là FPT Telecom. Thế nhưng, đầu năm 2010, FPT Telecom lại tuyên bố hiện FPT Telecom chiếm hơn 30% thị phần với gần 400.000 thuê bao ADSL. Trong khi đó, Viettel lại tuyên bố họ đứng vị trí thứ 2 trên thị trường này. Như vậy, ngoại trừ thứ hạng của VNPT quá rõ ràng trên thị trường dịch vụ ADSL thì chưa có số liệu nào chắc chắn về số thuê bao và thứ hạng của Viettel và FPT Telecom. Trong thống kê của Bộ TT&TT cũng chỉ đưa ra số liệu toàn quốc có trên 25,09 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 29,24%. Tổng số thuê bao băng rộng đạt 3,38 triệu thuê bao, đạt mật độ 3,95%...

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ ADSL cho biết, với tình hình thực tế hiện nay - khi khách hàng “thay nhà mạng như thay áo” thì mỗi nhà cung cấp có hai con số thuê bao vênh nhau nhiều là số thuê bao đăng ký luỹ tiến và số thuê bao thực đang có cước.

“Đau đầu” vì thuê bao rời mạng

Nếu nhìn con số phát triển thuê bao ADSL thì chỉ có VNPT vẫn đảm bảo phát triển tốt. Trong khi đó, Viettel và FPT Telecom đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng âm.

Vào thời điểm năm 2008, Viettel đã theo đuổi mục tiêu đến hết năm 2008 sẽ có khoảng 650.000 thuê bao ADSL. Thế nhưng, đến thời điểm này, Viettel chỉ còn khoảng 300.000 thuê bao ADSL.

Ông Lê Hữu Hiền, Phó giám đốc Viettel Telecom khẳng định đúng là có chuyện thuê bao ADSL tăng trưởng âm. Nguyên nhân một phần thuê bao rời mạng và một phần khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ Internet băng rộng di động là Dcom 3G. Hiện dịch vụ này đang có tốc độ phát triển khá tốt. “Viettel đang cố gắng duy trì ở mức độ hơn 1 thuê bao ADSL vào vào thì một thuê bao ra”, ông Lê Hữu Hiền nói. Bà Chu Thanh Hà, Tổng giám đốc của FPT Telecom cũng cho biết, hiện tỷ lệ thuê bao ADSL rời mạng đã ở con số rất lớn - tới hơn 40%. Trước đó, FPT Telecom đã thống kê, có khoảng 20% khách hàng thuộc diện “thay nhà cung cấp dịch vụ như thay áo”. “FPT Teleocom thấy rất khó khăn với tình trạng thuê bao ADSL rời mạng khi cứ 2 khách hàng vào thì có 1 khách hàng ra. Đối với mạng di động, khách hàng rời mạng thì nhà mạng không mất nhiều chi phí cho mạng lưới, nhưng đối với dịch vụ ADSL - phải kéo cáp đến nhà thuê bao thì việc thuê bao rời mạng làm cho nhà mạng vô cùng tốn kém”, bà Chu Thanh Hà nói.

Tuy không bị tăng trưởng âm, nhưng VNPT cũng không thoát khỏi vòng xoáy thuê bao rời mạng. Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc VNPT Hà Nội cho biết, nếu như trước đây tỷ lệ thuê bao ADSL rời mạng chỉ là 13% thì hiện con số này đã lên đến 15%. VNPT đang đặt mục tiêu đạt khoảng 1 triệu thuê bao băng rộng mới trong năm 2010. Tuy nhiên, với việc thuê bao rời mạng lớn như vậy sẽ là thách thức đối với VNPT để đạt được con số này.

Hết “cửa” cho các nhà cung cấp mới

Bộ TT&TT hiện đã cấp ra khoảng hơn 40 giấy phép cung cấp dịch vụ Internet. Thế nhưng, thời gian gần đây Bộ liên tục ra quyết định thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ này bởi doanh nghiệp xin xong giấy phép 2 năm vẫn “án binh bất động”.

Trước sự khắc nghiệt của thị trường dịch vụ ADSL, giới phân tích cho rằng, dù Bộ TT&&TT có cấp tới vài chục giấy phép thì cũng hết cửa cho các doanh nghiệp mới tham gia cung cấp dịch vụ ADSL.

Một đại diện của Viettel Telecom cho rằng, nếu đầu tư vào dịch vụ ADSL không cân nhắc kỹ sẽ bị lỗ, trong khi đó suất đầu tư cho một thuê bao rất lớn. Nếu nhìn vào các động thái của Viettel gần đây cho thấy, doanh nghiệp này đang chuyển hướng “đánh” mạnh vào thị trường di động băng rộng Dcom 3G hơn là tìm cách phát triển ADSL. Như vậy, trong tương lai VNPT gần như sẽ sẽ là “người độc hành” khi tiếp tục chiếm thêm thị phần từ dịch vụ này.

Đã nhiều năm nay, VNPT và Viettel chưa bao giờ tuyên bố con số lợi nhuận từ dịch vụ này.

Theo ICT



Bình luận

  • TTCN (0)