Gần đây, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT trong nước bắt đầu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm. Dù mới chỉ là những “đốm lửa nhỏ” nhưng đây cũng là những tín hiệu lạc quan.

Nuôi mộng R&D

Từ hơn một năm trở lại đây, thị trường điện thoại di động trong nước xuất hiện một số sản phẩm thương hiệu Việt, điển hình là Q-mobile (Công ty viễn thông An Bình) và F-Mobile (FPT). Q-Mobile... Theo thông tin từ Công ty An Bình, hiện đang chiếm khoảng 20% thị phần điện thoại di động của Việt Nam, chỉ đứng sau “đại gia” Nokia; còn điện thoại F-mobile cũng mang về cho FPT 626 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2010.

Mặc dù không trực tiếp sản xuất (các sản phẩm Q-mobile và F-mobile đều được sản xuất ở Trung Quốc), nhưng cả FPT và công ty An Bình cho biết phần đóng góp của họ trong các sản phẩm này ngày càng tăng, chiếm tới 40-70% giá trị của sản phẩm. Cụ thể với sản phẩm Q-mobile, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty An Bình, cho biết công ty này đang kiểm soát những phần cao nhất trong chuỗi giá trị của một chiếc điện thoại: đó là khâu thiết kế, tích hợp và thương mại hoá sản phẩm. “Có những dự án mà chúng tôi dồn trọng điểm chiếm khoảng 70% giá trị của sản phẩm, còn những dự án gia công nhiều chiếm khoảng 40%”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, trong chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ cao, thông thường khoảng 40% giá trị thuộc về những người sở hữu công nghệ, thiết kế và tích hợp; khâu thương mại hoá chiếm khoảng 40%; và 20% giá trị còn lại dành cho người sản xuất và gia công.

Đại diện FPT cho biết phần giá trị công ty này đem lại trong các điện thoại F-mobile hiện tại là lựa chọn thiết kế và các ứng dụng thuần Việt (kho ứng dụng F-Stores). FPT đã mở văn phòng ở Thâm Quyến (Trung Quốc) để nghiên cứu các xu hướng thiết kế mới cho điện thoại di động. Trong thời gian tới, FPT cũng có kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng khoảng 50.000 ứng dụng và phát triển các sản phẩm tích hợp.

Ngoài FPT và An Bình, Viettel cũng có kế hoạch tham gia sản xuất điện thoại di động và cả máy tính. Tại hội thảo gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel tiết lộ tập đoàn này sẽ ra mắt những máy tính đầu tiên với giá khoảng 150 USD vào giữa năm 2011. Viettel đã lập hai nhóm nghiên cứu sản xuất điện thoại di động thông minh (smartphone) và máy tính đồng thời sẵn sàng trả lương cao để thu hút nhân tài. "Thủ tướng Chính phủ đã cho phép trả lương cao để thuê nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm công nghệ cao", ông Hùng nói.

Một đại gia khác trong lĩnh vực CNTT là CMC cũng đang nuôi tham vọng nhảy vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động và máy tính bảng. “CMC đang đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm thiết bị công nghệ cao. Trong thời gian không xa, CMC dự kiến sẽ ra mắt các sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính bảng và thiết bị định vị vệ tinh GPS”, ông Nguyễn Phước Hải, Phó tổng giám đốc CMC tiết lộ.

Ở các lĩnh vực khác, công ty phần mềm TMA cũng vừa thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển CNTT-TT trị giá 5 triệu USD tại khu công nghệ cao TP.HCM. Trong dự án này, TMA sẽ tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực mạng dữ liệu thế hệ mới và hệ thống nhúng.

Không chỉ có sản phẩm bảo mật, Công ty an ninh mạng Bkav cũng đang phát triển bộ giải pháp toà nhà thông minh và dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào đầu năm 2011. Đây là công ty đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu phát triển giải pháp thông minh cho các toà nhà.

Ảnh
Đóng góp của FPT trong các điện thoại F-mobile là lựa chọn thiết kế và kho ứng dụng.

Liệu có trở thành trào lưu?

Theo các doanh nghiệp, môi trường “thế giới phẳng” trong ngành công nghiệp CNTT đang tạo ra những cơ hội bình đẳng cho tất cả các quốc gia tham gia. “Ngành điện tử hiện nay không phải nghiên cứu ra các công nghệ lõi nữa mà chỉ cần đi vào ứng dụng, thiết kế và tích hợp”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. “Đó là may mắn và là cơ hội cho những công ty mới như Viettel”.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng ngành công nghiệp CNTT hiện đang chuyển hướng thiên về CNTT nhiều hơn. “Các linh kiện chính trong các sản phẩm điện tử như bộ cảm biến, tụ điện con chip điều khiển... hiện có giá rất rẻ, chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá trị của sản phẩm”, ông Quảng nói. “Phần có giá trị gia tăng nhiều nhất là ở khâu thiết kế và tích hợp”.

Ngoài thuận lợi đến từ những thay đổi trong ngành công nghiệp CNTT, các doanh nghiệp cho rằng một lợi thế khác là thị trường trong nước đủ lớn để phát triển. Tuy nhiên, để đưa nghiên cứu và phát triển sản phẩm CNTT của Việt Nam trở thành trào lưu, thay thế dần các sản phẩm nhập khẩu như mong muốn của Chính phủ trong “Đề án sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT” thì cần có những hỗ trợ từ chính sách vĩ mô.

Theo ông Quảng, đó là chính sách khuyến khích sử dụng những sản phẩm thay thế nhập khẩu và có những hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp làm sản phẩm CNTT-TT. Bên cạnh đó, chính phủ nên đưa ra yêu cầu tăng tỷ lệ R&D với các hãng nước ngoài đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam.

Theo ICTnews.



Bình luận

  • TTCN (0)