Tại sao MySpace lại thành công khi Friendster thì không? Nhớ lại rằng, Friendster ra đời trước MySpace và đã được xem như là hình mẫu của môi trường mạng cộng đồng. Nhưng Friendster lại thất bại sau này, vậy đâu là công thức cho sự thành công của thế hệ web 2.0?

Năm 2002, Friendster đã bắt đầu dịch vụ mạng xã hội của nó với một phần ý tưởng giống với Xanga (1998). Và đến năm 2004 nó đã trở thành một mạng xã hội có ảnh hưởng nhất. Gần như cùng thời điểm đấy, năm 2003, MySpace đã được thành lập và đến năm 2005, MySpace đã được bán cho công ty truyền thông News Corporation với giá 580 triệu USD. Đến năm nay, 2007, cái tên Friendster đã bị mất hút và bị bỏ xa bởi MySpace.

Ranh giới giữa thất bại và thành công ?

Một trong những lý do dẫn đến sự thất bại của Friendster là do chiến lược kinh doanh không hợp lý. Friendster đã đề ra các luật khắt khe trên sân chơi ảo, như xóa các trang thành viên đen, xóa những hình ảnh mà họ cho là không văn hóa... Có vẻ nổi cộm là vấn đề liên quan đến âm nhạc. MySpace cho phép các băng nhóm tải và chia sẻ âm nhạc của họ trong khi đó Friendster thì cấm tiệt. Và rồi, người dùng chuyển sang Myspace và kết cục là Friendster bị xơ xác hoang tàn.

Nhưng liệu rằng giới trẻ cũng sẽ rời bỏ MySpace một sớm một chiều? Lý do là MySpace cũng đã thông báo sẽ dùng những phần mềm để lọc bỏ thông tin vi phạm bản quyền cũng như xóa những trang thành viên đăng tải thông tin này. Liệu bạn có ngạc nhiên khi thấy MySpace sẽ bị đánh bại bởi một liên minh Facebook - Stickam. Stickam là một ý tưởng mới và được đánh giá là “coolest” trong số các mạng xã hội hiện nay, bằng việc tạo ra những chatroom thật lớn với sự tham gia của hàng triệu teens thông qua camera và microphone.

Bây giờ hãy đến với trường hợp YouTube, đây gần như là một hiện tượng Web 2.0, chỉ sau một năm thành lập từ 2005 đến 2006, Youtube được Alexa xếp vào top 5 trang web hàng đầu thế giới về số người truy cập (20 triệu người mỗi tháng trong đó 44 % là nữ và đa phần là độ tuổi từ 12 đến 17). Và tháng 10 năm 2006, Google đã mua lại YouTube với giá 1,65 tỉ USD.

Thực tế YouTube không phải là một ý tưởng mới. Ý tưởng chia sẻ những video clip hài hước, kỳ thú... đã được khởi nguồn bởi Guba từ năm 1998. Sự khác nhau giữa YouTube và Guba là ở chỗ YouTube tạo được một cộng đồng sống giữa những người dùng: họ có thể tự do tạo ra và chia sẻ nội dung mang tính sáng tạo, nghệ thuật; họ có thể tìm vui trên YouTube. Chiến lược của YouTube là người chia sẻ nội dung chịu tránh nhiệm về những vấn đề liên quan đến bản quyền và do đó họ không áp đặt những quản lý nghiêm ngặt về nội dung.

Ảnh
Facebook được Microsoft định giá 15 tỷ USD

Cuộc vui nào cũng sẽ có lúc phải tàn, và rồi gần đây Viacom đã kiện Google vì những nội dung vi phạm bản quyền trên YouTube. Cũng giống như MySpace, YouTube đã phải lọc bỏ rất nhiều nội dung vi phạm. Để gỡ gạc lại, YouTube đã hướng đến thị trường di động: cung cấp video trên các điện thoại di động. Và đặc biệt là YouTube quyết định sẽ trả tiền cho những ai tự tao ra những video clip mà gây được nhiều chú ý, một cách khuyến khích sự tự sáng tạo hơn là đi sao chép. Tuy nhiên, chiến lược này đã được Revver và Metacafe ứng dụng trước đó. Liệu lại có một vụ kiện cáo ăn cắp ý tưởng gì xảy ra không?

Để tránh tất cả các vần đề liên quan đến bản quyền, Joost, P2P TV hay TV tương tác, chỉ phát tán nội dung “hợp pháp” (do Viacom, CBS... cung cấp). Ý tưởng cộng đồng và mạng xã hội ở Joost là cho phép người xem đánh giá về chương trình, chấm điểm, trao đổi, thảo luận xung quanh nội dung đã xem. Dường như Joost đã tập hợp đủ nội lực để bùng phát, vấn đề còn lại là liệu người dùng có nghiện với nội dung cung cấp bởi Joost hay không?

Công thức cho sự thành công ?

Triều đại Web 2.0 đã và đang làm thay đổi cách mà con người trao đổi với nhau cũng như cách để kiếm tiền. Sự phát triển của Web 2.0 là không thể lường trước được. Cũng sẽ không có một công thức cụ thể nào cho sự thành công bằng phương tiện mạng xã hội. Cái tồn tại, cái thành công đôi khi không phải là cái mới nhất, không phải là cái mạnh nhất mà là cái thích hợp nhất ở một thời điểm nhất định. Web là công cụ cho sự sáng tạo, mà một trong những sự sáng tạo đầy táo bạo là ý tưởng “máy chụp hình không ống kính” http://www.blinksandbuttons.net.

Tất cả những công cụ như blog, dig, wiki, Flickr, YouTube, Myspace đều sử dụng khía cạnh trao đổi (communicative) và tương tác (interactive) của Internet để thành công. Tính chất tương tác và trao đổi thực tế đã tồn tại với Web 1.0 ví dụ như cộng đồng thảo luận Well (1985) hay Bianca (1994). Nói thế để thấy rằng công nghệ đã cải tiến dịch vụ, tuy nhiên dịch vụ thì không phải là cái gì hoàn toàn mới lạ. Sự khác biệt giữa Web 2.0 và thế hệ trước nó là sự tương tác giữa tính cộng đồng và sự thương mại hóa.

Quốc Thịnh



Bình luận

  • TTCN (8)
Minh Đăng

Tóm lại công thức cho sự thành công của triều đại Web 2.0 là sự chia sẻ tương tác theo kiểu mạng xã hội? Còn sự thương mại hóa có đóng góp gì qua các ví dụ trên?

Bài này tổ chức bố cục kém (đi qua nhiều ví dụ mà phần tổng kết không nổi bật). Đặt vấn đề (câu hỏi ở tiêu đề) lớn nhưng không giải quyết hết, làm người đọc thất vọng. Ngoài ra có vài lỗi văn phong không nên có trong báo chí:

- Friendster đã đề ra các luật khắc khe -> khắt khe
- Để gở gạt lại, YouTube đã... -> gỡ gạc, nếu tôi nhớ đúng chính tả. Tuy nhiên từ này dùng trong văn viết không hay. Nếu muốn viết cho ấn tượng thì có thể viết là: Bù lại, Youtube dùng chiêu bài mới là...

Minh Đăng

Bài này lúc nãy tôi mới post 1 comment phê bình, không biết có lỗi kỹ thuật gì hay admin xóa nhỉ?

Hải Nam  30903

Giờ mới đọc bài và vừa sửa lại vài lỗi chính tả Tongue Còn 2 comment của MD vẫn còn đó mà.

Hải Nam  30903

Quảng cáo trên web thì có từ hơn chục năm trước, hồi nhà nhà làm web trên Yahoo! Geocities lúc đó quảng cáo chiếm 1/4 trang web (quảng cáo trên trang Yahoo! thì nhỏ và đẹp hơn). Còn tương tác chính là nhân tố làm nên sự thành công của web 2.0, và nhờ kĩ thuật phát triển (AJAX) nên khả năng tương tác tốt hơn.

Miro vừa tung ra màn quảng cáo để đối đầu với Joost bằng cách so sánh RSS cùng 2500 kênh của họ với 250 kênh của Joost (các kênh của Joost đều có DRM). Xem ai sẽ thắng đây Smile

Nemo Nguyen  21665

"Communicative and interactive" -> Là công thức thành công của triều đại Web 2.0 ah ???

Kết thúc bài viết ko có 1 kết luận rõ ràng và chắc chắn lắm... mà nếu có kết luận rõ ràng thì ai cũng thành công được với Web 2.0 rồi Big Grin

nvqthinh  122

Cái hay của làm báo với Web 2.0 cũng chính là người khác có thể phê bình, người khác có thể đóng góp. Cái hay của TTCN là ai cũng có thể làm báo và nếu viết bài hay cũng sẽ được trả tiền nhiều => khai thác tính năng communicative và interactive

Bài viết khơi và đặt câu hỏi về liệu có tồn tại một công thức như thế. Sau khi phân tích một số trường hợp tác giả nhận định là không có một công thức cụ thể (có nói trong bài viết). Sự thành công hay thất bại phụ thuộc vào sự kết hợp giữa tính cộng đồng và tính thương mại hóa.

Nemo Nguyen  21665

Ý này hay nhỉ, xây dựng TTCN thành môi trường có tính chất "communicative và interactive".

Ai cũng làm báo thì hơi khó... vì thông tin cần có tính chính xác. Nhưng tạo 1 mội trường blog thông tin, mọi người chia sẻ tin tức... và có nguồn thu từ tin hay mình chia sẻ thì cũng thú vị Big Grin

Hải Nam  30903

Một đặc điểm nữa là thông tin phải luôn được cập nhật, làm sao cho người ta vào trang web của mình mỗi ngày 10 lần. Như YouTube luôn có video mới, 360° luôn có comment mới, các trang báo luôn có bài mới...