Băng rộng di động không chỉ hướng đến những người có thu nhập cao, mà phải hướng đến mọi người trong xã hội.

3G đã có mặt ở Việt Nam hơn 1 năm, song phát triển còn chậm, doanh thu chưa đáng kể. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên ứng dụng 3G vào các dịch vụ xã hội để thúc đẩy tăng trưởng và doanh thu 3G.

Đưa ra các chương trình lợi ích xã hội, sử dụng kết nối băng rộng để tạo hiệu quả, đó là hướng phát triển cho băng rộng di động nhằm đem lại doanh thu lớn cho các nhà cung cấp. Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia trong buổi hội nghị chuyên đề tối ưu hoá mạng lưới và dịch vụ; Kỷ nguyên mới của 3G, Internet di động và băng rộng di động và giải trí trên di động được tổ chức ngày 18/11 bên cạnh triển lãm Vietnam Telecomp/Electronics - Internet & IT 2010 .

Băng rộng di động đang tăng tưởng nhanh trên thế giới

Theo số liệu của ông Joey Wang, đến từ ZTE, xu hướng băng rộng trên thế giới theo những kết quả công bố đang tăng trưởng ngày càng nhanh cả về thuê bao lẫn lưu lượng. Tại Mỹ, trong giai đoạn 2008 – 2009, số thuê bao băng rộng di động tăng 135% và lưu lượng băng rộng cũng tăng trưởng lên tới 275%. Tại châu Âu lưu lượng data di động cũng tăng trưởng 90% mỗi năm. Ở Hồng Kông băng rộng di động cũng tăng trưởng lên đến 156% vào mỗi năm.

Một số liệu khác do ông Hoàng Đạt, đến từ Amdocs cung cấp cũng cho biết, lưu lượng băng rộng di động tại Indonesia cũng tăng trưởng tới 222% và tại Nam Mỹ có con số tăng trưởng là 53%

Sự tăng trưởng về băng rộng di động theo các chuyên gia là đến từ cá nhân, trong đó người dùng smartphone chiếm đến 80%. Bên cạnh đó các dịch vụ từ các nhà cung cấp như các dịch vụ xã hội, mạng xã hội, mạng chia sẻ video, các kho ứng dụng như App store... cũng là nguyên nhân chính để làm tăng thuê bao cũng như lưu lượng băng rộng di động.

Phát triển và thu hút doanh thu từ các dịch vụ xã hội

Băng rộng di động (3G) ở Việt Nam đã có mặt hơn 1 năm nay, tuy nhiên có thể nói mức độ phát triển vẫn còn rất chậm, đặc biệt là doanh thu từ nó đem lại vẫn chưa đáng kể. Chính vì thế, theo các chuyên gia thì Việt Nam nên học các mô hình trên thế giới đi theo hướng các dịch vụ xã hội để phát triển nhanh và thu lợi từ băng rộng di động.

Ông Hoàng Đạt cho rằng, băng rộng di động không chỉ hướng đến những người có thu nhập cao, mà phải hướng đến mọi người trong xã hội, kể cả những người nông dân nghèo. Theo ông Đạt, một số nước trên thế giới tăng trưởng nhanh về thuê bao lẫn doanh thu từ băng rộng di động là do họ phát triển các dịch vụ ở tất cả lĩnh vực. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, băng rộng di động được dùng để kết nối các dịch vụ y tế, hay ở Indonesia thì dùng để kết nối cho giáo dục, Ấn Độ thì dùng 3G để đưa các dịch vụ phục vụ cho người dân ở nông thôn... Với những cách làm này việc tăng trưởng thuê bao băng rộng di động và doanh thu của nó đã tăng lên nhanh chóng.

Ông Deniss Brunetti, Phó giám đốc của Ericsson Việt Nam với bài phát biểu về kết nối Việt Nam cũng cho rằng các nhà cung cấp nên chú ý vào việc tạo nên những kết nối từ các dịch vụ xã hội để phát triển di động và tạo doanh thu. Chẳng hạn như SonyEricsson cung cấp dịch vụ sức khoẻ tại Hà Lan, Tây Ban Nha dùng băng rộng để kết nối giữa bác sỹ và người bệnh, cung cấp các ứng dụng để tối ưu hoá công việc, làm bệnh án điện tử, các ứng dụng để bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân chữa bệnh... Với cách làm này, số người nhập viện đã giảm 60% và chi phí dịch vụ cũng giảm 40%. “Hay với hệ thống giao thông thông minh kết nối bằng băng rộng, cũng đem lại hiệu quả cao cho xã hội, giảm 25% mức tiêu thụ nhiên liệu, giảm lượng khí thải CO2 và 25% phương tiện đi lại. Trong lĩnh vực giáo dục, thì cung cấp các ứng dụng trình duyệt để việc giảng dạy cũng như liên kết giữa nhà trường và học sinh dễ dàng hơn“, ông Deniss Brunetti nói.

Cách làm này đã phát huy được thế mạnh của băng rộng và tạo được lợi ích xã hội. Từ lợi ích xã hội này sẽ tạo ra doanh thu thông qua kết nối.

Một hướng nữa để tạo nên sự phát triển băng rộng di động theo ông Javier Olivan, Giám đốc quan hệ quốc tế của Facebook, đó là tạo ra những dịch vụ để kết nối người dùng lại với nhau, mà mạng xã hội facebook là một điển hình. Facebook 3 năm trước là 1 công ty nhỏ, nhưng giờ đây đã có 500 triệu người sử dụng hàng tháng trên web và 200 triệu người sử dụng qua máy di động.

Theo ông Javier Olivan, bước đầu tiên phát triển một dịch vụ là phải dịch sang tiếng địa phương mình muốn phát triển và dịch thật tốt. Sau đó là tính cá nhân hoá, người dùng đưa ra các đặc điểm nhận dạng của mình để liên kết bạn bè, rồi tiến hành chia sẻ với nhau. Sự thành công của Facebook đó chính là nó tạo nên sự liên kết đến tất cả mọi người ở mọi lĩnh vực, người dùng có thể PR cho chính bản thân, công ty hay chia sẻ với bạn bè qua các liên kết, giúp đỡ mọi người, kinh doanh thương mại điện tử... Đây là một hướng đi mà các nhà cung cấp băng rộng nên học hỏi khi phát triển các dịch vụ.

Ông Deniss Brunetti, Phó giám đốc của Ericsson Việt Nam cho rằng, các nhà cung cấp nên đầu tư cho các dịch vụ xã hội để tạo lại doanh thu lớn, xã hội cũng được hưởng lợi.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (3)
nguyễn trí dũng

3G + việt nam = chờ...chờ...chờ...4G, rồi 4G + việt nam = chờ...chờ....chờ...ra nước ngoài sống luôn cho nó lành.

Khach21

Gạo, Gà và Gái là 3 thứ rất cần cho cuộc sống!

Đinh Ngọc Việt Tùng

Vấn đề của 3G thương mại ở VN không phải ở dịch vụ, mà là ở cước phí. Giá cước còn quá cao so với mặt bằng thu nhập nên cho dù dịch vụ có hấp dẫn đến mấy cũng vẫn làm khách hàng phải băn khoăn.