Các thuê bao di động Mỹ không hào hứng với dịch vụ chuyển mạng giữ số vì nhiều lý do

Mỹ đã áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số với hy vọng sẽ tạo ra một môi trường viễn thông cạnh tranh và có lợi cho người dùng. Song thực tế không hoàn toàn như dự đoán.

Lần đầu tiên Mỹ áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số (MNP) là vào tháng 11/2003 tại 100 thành phố. Đến tháng 5/2004, chính sách MNP được áp dụng trên toàn nước Mỹ. MNP là kết quả nỗ lực lâu dài của Uỷ ban Truyền thông Mỹ (FCC). Tại Mỹ, chỉ mất 2 giờ đồng hồ để các nhà mạng thực hiện yêu cầu chuyển mạng giữ số của thuê bao, và mức phí là 0 USD.

Ý tưởng về MNP xuất phát tại Mỹ từ năm 1995 và dự định sẽ triển khai chính sách MNP vào năm 1999 nhưng phải hoãn lại. John B. Muleta, Cục trưởng Cục Viễn thông Không dây của FCC, cho biết chính sách chuyển mạng giữ số đã phải trì hoãn nhiều lần vì các vấn đề khó khăn trong kỹ thuật của các nhà mạng và sự phản đối của một số hãng viễn thông. Muleta cho biết các hãng viễn thông có phản ứng khác nhau với chính sách này. Một số tin rằng MNP sẽ mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh lớn, họ sẽ giành thêm nhiều khách hàng, vì thế họ sẽ không thu phí của những thuê bao chuyển sang mạng họ. Một số hãng khác lại lo sợ mất khách, và họ đưa ra những quan điểm kiểu “phòng thủ”.

Báo chí Mỹ đã từng dự đoán ngày 24/11/2003 là một ngày đáng sợ nhất của các nhà mạng Mỹ, vì họ phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất trong kinh doanh – đó chính là chính sách chuyển mạng giữ số mà FCC áp dụng. Các chuyên gia Mỹ đã dự đoán sẽ có 30 triệu thuê bao chuyển mạng giữ số trong năm đầu tiên triển khai chính sách MNP. Tuy nhiên, sau gần 2 năm áp dụng, chính sách MNP được ví như một con voi ì ạch di chuyển chứ không phải là con sử tử đang gầm rú, đe doạ các nhà mạng.

Theo số liệu của FCC, trong năm đầu tiên ứng dụng MNP, chỉ có 7,8 triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ MNP. Hơn thế nữa, các nhà mạng nhỏ không gia tăng thuê bao, mà 5 nhà mạng hàng đầu lại thâu tóm hầu như toàn bộ những khách hàng sử dụng MNP. Verizon Wireless và T-Mobile là những hãng “thắng lớn” sau khi chính sách MNP được áp dụng, trong đó T-Moble đã tăng hơn 33% thuê bao mới.

Một trong những lý do khiến các thuê bao di động Mỹ không hào hứng với chính sách chuyển mạng giữ số chính là các chiến lược “khoá” thuê bao của các nhà mạng Mỹ. Các thuê bao không thể chuyển mạng vì họ bị vướng phải các loại phí, hình thức thành viên và hợp đồng dài hạn. Thông thường, đây là những thuê bao đã nhận được các khoản trợ phí, khuyến mãi vào thời điểm đăng ký dịch vụ, và họ phải cam kết sử dụng dịch vụ trong 2 năm cùng với các điều khoản phức tạp khác trong hợp đồng với nhà mạng hiện tại.

Hơn nữa, các thuê bao lo ngại về các khoản chi phí “vô hình” khi cắt đứt hợp đồng với nhà mạng hiện tại, đó có thể là những chi phí bồi hoàn hợp đồng. Khảo sát cho thấy 14% các thuê bao cho biết họ từ bỏ ý định đổi mạng sau khi nhận thức ra các khoản phí “vô hình” này.

Ngoài ra, tại Mỹ, các thuê bao còn lo ngại về việc phải mua một chiếc máy ĐTDĐ mới tương thích với mạng lưới của nhà mạng mới (tại Mỹ, các nhà mạng sử dụng công nghệ di động khác nhau, như GSM, TDMA, CDMA, và AMPS). Chính những yếu tố trên đã ngăn cản các thuê bao di động sử dụng dịch vụ MNP.

Có một yếu tố nữa khiến các thuê bao Mỹ không chuyển mạng là mặc dù không hài lòng với dịch vụ di động hiện tại, song họ cũng không nghĩ rằng chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác tình hình sẽ được cải thiện hơn.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)