Hôm 8/12/2010, tại hội nghị LeWeb 2010 tổ chức ở Paris (Pháp), Google cho biết hãng đang nghiên cứu dịch vụ cung cấp kết quả tìm kiếm cho người dùng ngay cả trước khi họ biết họ cần kết quả đó.

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Marissa Mayer, Phó chủ tịch Dịch vụ định vị của Google cho biết, ý tưởng của nghiên cứu này là đem thông tin đến cho người dùng, và phải xét đến vị trí của người dùng trong bối cảnh. Thông qua trình duyệt và một thanh công cụ, Google có thể theo dõi người dùng đang đến đâu trên web, và rồi sẽ cung cấp thông tin cho họ. Nhưng đây là một thách đố lớn về giao diện người dùng.

Bà Mayer cho biết thêm rằng, kết quả tìm kiếm trên máy tính cá nhân có thể hiển thị lên một khung trên trình duyệt, bổ sung cho việc duyệt web của chính người dùng. Trên ĐTDĐ, Google sẽ xác định vị trí của người dùng để cung cấp thông tin.

Bà cho biết, hãng có thể tìm ra đâu là thông tin hữu ích nhất kế tiếp: trong nhà hàng, có thể đó là thực đơn. Hay cũng có thể đó là một "thực đơn xã hội" (social menu - tính năng trên một số mạng xã hội như Facebook). Vấn đề là vị trí theo nghĩa đen hay nghĩa bóng.

Ý kiến của bà Mayer rất giống những điều mà CEO Eric Schmidt của Google tuyên bố hồi tháng 9. Trước đó, tháng 12/2009, bà Mayer cũng đã nói về điều này.

Trong bài phát biểu tại hội nghị TechCrunch Disrupt ở San Francisco (Mỹ), ông Schmidt cho biết vào một lúc nào đó trong tương lai, công nghệ tìm kiếm của Google sẽ tự nó liệu mọi việc (autonomous). Theo ông hình dung, công nghệ này sẽ có thể cung cấp người dùng kết quả tìm kiếm ngay cả trước khi họ tìm kiếm kết quả đó.

Trong khi cả Google lẫn đối thủ tìm kiếm chính của họ là Microsoft Bing đã có những bước tiến đáng kể trong năm qua, như Google Goggles và tìm kiếm thời gian thực, thì công nghệ tìm kiếm autonomous sẽ là một thay đổi quan trọng.

Công nghệ tìm kiếm autonomous sẽ xét đến kinh nghiệm trong quá khứ của người dùng, những gì họ thích và không thích, rồi sử dụng các thông tin này cùng với thông tin về vị trí địa lý, để cung cấp người dùng thông tin về những gì họ quan tâm dù họ đang ở nơi nào.

Có vẻ đây là chuyện khoa học viễn tưởng khi nói đến công nghệ có thể giúp tìm kiếm những gì mà bạn cũng chưa biết là mình có cần đến hay không, nhưng cơ hội cải thiện sự khám phá của con người lại rất thực trong tương lai, theo Augie Ray, nhà phân tích của Forrester Research, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trước đó. Kết hợp tình huống của một người – đang ở đâu, với ai – với ý kiến và hành động trong quá khứ của họ, cùng với ý kiến và hành động của những người khác, có thể mang đến cho con người những thông tin có giá trị rất lớn.

Theo PC World VN (ComputerWorld)



Bình luận

  • TTCN (0)