Có nhiều yếu tố khiến người dùng di động không hào hứng với dịch vụ chuyển mạng giữ số

Mặc dù nhận định người tiêu dùng sẽ là đối tượng hưởng lợi từ chính sách chuyển mạng giữ số (MNP) nhưng thực tế, thuê bao di động tại nhiều nước lại hờ hững với chính sách này.

Năm 1997, Singapore là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện chính sách chuyển mạng giữ số. Đến năm 1999 có thêm Anh và Hà Lan. Cơ quan quản lý viễn thông Singapore từng thực hiện nghiên cứu về chuyển mạng giữ số và thấy rằng 64% người tiêu dùng khẳng định việc được giữ lại số điện thoại là điều rất quan trọng khi họ quyết định chuyển mạng. Còn khảo sát tại Canada cũng cho thấy 80% thuê bao di động muốn giữ lại số điện thoại. Không có MNP, người tiêu dùng buộc phải đổi số điện thoại nếu đổi nhà cung cấp – đây được xem là rào cản lớn cho các “nhà mạng” mới gia nhập thị trường.

Cho đến nay, đã có rất nhiều quốc gia thực hiện chính sách chuyển mạng giữ số, và mặc dù người tiêu dùng nhận thấy họ sẽ được hưởng lợi từ chính sách MNP, tuy nhiên, chính sách MNP lại không thành công ở nhiều quốc gia. Bằng chứng là tỷ lệ thuê bao sử dụng dịch vụ MNP thấp, thị trường không gia tăng tính cạnh tranh như dự đoán.

Australia là một trong những quốc gia hàng đầu đã thực hiện thành công chính sách MNP. Theo cơ quan quản lý chính sách MNP ở Australia, sau hơn 5 năm kể từ khi bắt đầu triển khai MNP vào tháng 9/2001, đã có hơn 5 triệu thuê bao yêu cầu chuyển mạng giữ số, trung bình, mỗi tháng có 85.000 thuê bao sử dụng dịch vụ MNP.

Thành công của chính sách MNP tại Australia đã trở thành một trường hợp điển hình cho các nghiên cứu về MNP trên thế giới. Theo các chuyên gia, sự quản lý hiệu quả của chính phủ và sự hợp tác cao của các doanh nghiệp viễn thông sẽ là nền tảng để thực hiện tốt chính sách MNP. Ngoài ra, theo khảo sát, mức phí chuyển đổi và thời gian chuyển đổi là những yếu tố quan trọng nhất để MNP thành công.

Thời gian thực hiện dịch vụ lâu, phiền toái cũng là hậu quả của việc quản lý không hiệu quả, nhà mạng thiếu hợp tác. Khi các quy định, điều khoản không được thực thi, hoặc quá lỏng lẻo, các nhà cung cấp dịch vụ di động có thể trì hoãn thực hiện chính sách chuyển mạng giữ số, hoặc tạo ra các rào cản đối với người tiêu dùng. Ở một số nước, quy trình chuyển mạng giữ số mất tới 30 ngày; mặc dù thực tế chỉ cần khoảng 3-5 ngày là xong. Sự trì hoãn sẽ khiến người tiêu dùng “nản”. Không có sự can thiệp hiệu quả của nhà quản lý, các “nhà mạng” có thể chần chừ nâng cấp quy trình, bởi họ nghĩ rằng MNP sẽ làm tăng tỷ lệ rời mạng.

Mức phí chuyển mạng giữ số cao cũng khiến người tiêu dùng ngần ngại. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, nhà mạng “hưởng lợi” sẽ phải trả mức phí này, chứ không phải người tiêu dùng.

Mức độ cạnh tranh trên thị trường cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến thành công của chính sách MNP. Trong đó, các gói cước thoại, dữ liệu, dịch vụ giá trị gia tăng và chất lượng dịch vụ cũng như các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng là những yếu tố người tiêu dùng sẽ cân nhắc khi quyết định chuyển mạng giữ số.

Tuyên truyền kém cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ sử dụng dịch vụ MNP. Tại một số thị trường, người tiêu dùng không hề biết đến chính sách MNP.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)