ĐTDĐ giả, nhái tràn ngập Trung Quốc, khiến người tiêu dùng mất tiền oan trên nhiều phương diện. Vấn nạn đang trở nên bức thiết đến nỗi các nhà chức năng phải phối hợp lực lượng để ngăn chặn.
Lần đầu tiên, Bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc phối hợp với Cục Công nghiệp và Thương mại quốc gia của nước này kiểm tra tình hình buôn bán các mẫu ĐTDĐ nhái, giả mạo ở Trung Quốc. Các nhà chức trách sẽ tiến hành tịch thu và hủy những mẫu điện thoại này, đồng thời những kẻ bán và sản xuất điện thoại giả cũng bị xử lý.
Hiện nay, tại Trung Quốc, điện thoại được sản xuất hàng loạt với mức chi phí rất thấp tại các xưởng, công ty nhỏ trong nước. Đây là hành động trái pháp luật vì một số nhà sản xuất không có giấy phép kinh doanh, và những mẫu điện thoại này cũng không hề có giấy phép sử dụng mạng lưới di động.
Các mẫu điện thoại giả, nhái có mặt ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc, bởi chúng có hình dáng giống với mọi nhãn hiệu điện thoại nổi tiếng hiện thời, như iPhone và BlackBerry. Một số mẫu thậm chí còn có những chức năng tương tự nhưng được bán với mức giá thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, các mẫu điện thoại giá rẻ này có nhiều lỗi. Dịch vụ sau bán hàng nghèo nàn hoặc không hề có; một số sử dụng loại pin hao tốn điện và có thể phát nổ. Chúng thường là những sản phẩm dính dáng đến các vụ scandal “móc túi” người dùng di động gần đây.
Hai cơ quan quản lý của Trung Quốc cho biết hành động phối hợp chính là nỗ lực ngăn chặn nguy cơ người dùng bị “móc túi” vì những dịch vụ mà người dùng không hề đăng ký. Người tiêu dùng Trung Quốc cho biết nhiều dịch vụ đã bị kích hoạt tự động trên các mẫu máy điện thoại này, vì các phần mềm được cài đặt và ẩn trong các mẫu máy này.
Người dùng có thể dễ dàng rơi vào cái bẫy mất tiền này khi đưa thẻ SIM vào, chiếc điện thoại tự động thực hiện cuộc gọi đến cho một người dùng khác, ở tỉnh khác, thậm chí ở nước ngoài, khiến họ mất khoản phí lớn.
Một số mẫu điện thoại giả, nhái cũng tích hợp dịch vụ nhắn tin đa phương tiện giá cao, hoặc các dịch vụ điện thoại khác mà người dùng không hề biết.
Tuy nhiên, Liu Sheng, chủ của một website chuyên cập nhất các tin tức về điện thoại giả, nhái lớn nhất Trung Quốc, www.shanzhaiji.cn , cho rằng thông thường bất kỳ điện thoại nào, ngay cả điện thoại giả, nhái, cũng không thể trực tiếp kết nối đến các dịch vụ mất phí.
“Nếu họ muốn cấm các dịch vụ tự động phạm pháp này từ gốc, họ phải nhắm đến các nhà sản xuất phần mềm”, Liu nói. “Điện thoại giả, cũng như mọi loại điện thoại khác, chỉ là nền tảng cho các phần mềm mà người dùng tự tải vào”. Ông Liu đặt vấn đề tại sao một nhà sản xuất điện thoại giả phải cài đặt phần mềm tự động quay số, giúp các nhà mạng thu tiền, trong khi họ chẳng kiếm được một xu nào.
“Nhưng hành động ngăn chặn, đàn áp điện thoại giả của chính phủ có thể không có tác dụng nhiều, vì hầu hết những kẻ buôn bán điện thoại giả, nhái đều hoạt động ngầm và bán sản phẩm bí mật trên mạng Internet”, ông Liu nói.
Theo ICTNews
Bình luận