20 tuổi, Mark Zuckerberg lập ra Facebook. 26 tuổi, anh được tạp chí danh tiếng Time vinh danh là “Nhân vật của năm 2010”. Mới đây Facebook được định giá đến hơn 80 tỉ USD.

Lịch sử của Facebook không nói về một nhân vật nghị lực tham vọng chinh phục thế giới, mà là về một thiếu niên ham mê máy tính và có phần nhút nhát. Mark Zuckerberg, sinh ngày 14/5/1984 tại New York. Ngày 28/10/2003, Zuckerberg mới 19 tuổi, và là một sinh viên năm thứ hai ở trường Đại học Harvard, đã lập ra trang Facemash, tiền thân của Facebook, từ những dữ liệu là các bức ảnh hồ sơ của sinh viên trường Harvard.

Chính Zuckerberg đã cùng với những người bạn cùng phòng và cùng lớp, đột nhập vào mạng hồ sơ của trường Đại học Harvard và ăn cắp các bức ảnh hồ sơ đó. Facemash nhanh chóng thu hút 450 khách truy cập với 22.000 bức ảnh trong chỉ 4 giờ đầu tiên online. Nhưng Ban quản lí trường Đại học Harvard đã đóng cửa Facemash và Zuckerberg bị buộc tội vi phạm an ninh, bảo mật thông tin của trường, xâm phạm quyền riêng tư….

Zuckerberg tiếp tục mở rộng dự án, và đến 2/4/2004, anh cho ra đời “Thefacebook” với tên miền thefacebook.com. Tháng 8/2005, Zuckerberg bỏ chữ “the” trong tên gọi và trong URL của Facebook, sau khi mua tên miền facebook. com với giá 200.000 USD.

Đua nhau đầu tư vào Facebook

Facebook nhận được khoản đầu tư đầu tiên 500.000 USD vào tháng 6/2004 từ Peter Thiel, đồng sáng lập hãng PayPal. Peter Thiel chính là ngân hàng đầu tiên của Facebook và khoản đầu tư 500.000 USD đó đã giúp tạo nên “hiện tượng Facebook” ngày nay. Chỉ 1 năm sau, Facebook nhận tiếp khoản đầu tư 12,7 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Accel Partners và tiếp tục nhận được 27,5 triệu USD từ Greylock Partners.

Facebook từng bị đồn là sẽ bị thâu tóm. Yahoo, Google cũng từng đề nghị mua lại Facebook với giá 1 tỉ USD. Tuy nhiên, Zuckerberg đã khẳng định việc bán Facebook là “điều không thể” bởi anh muốn giữ Facebook độc lập, chứ không sáp nhập hay đầu quân cho một hãng nào. Tháng 9/2007, Microsoft đặt ra một kế hoạch đầu tư vào Facebook. Cũng thời gian đó, các công ty khác, trong đó có Google, cũng bày tỏ mong muốn mua một phần Facebook. Cuối cùng, Facebook đã chọn Microsoft. Ngày 24/10/2007, Microsoft tuyên bố mua 1,6% cổ phần Facebook với giá 240 triệu USD, mang lại cho Facebook giá trị thị trường khoảng 15 tỉ USD. Với thương vụ này, Microsoft cũng mua luôn quyền đặt các quảng cáo quốc tế trên Facebook. Tháng 11/2007, tỉ phú Hong Kong Li Ka-shing lại đầu tư 60 triệu USD vào Facebook.

Ngày nay, Mark Zuckerberg là một tỉ phú của thế giới. Theo Wikipedia, doanh thu của Facebook năm 2006 đạt 52 triệu USD; năm 2007 đạt 150 triệu USD, năm 2008 đạt 280 triệu USD, năm 2009 đạt 800 triệu USD và năm 2010 ước tính đạt 1,1 tỉ USD. Thực ra, các con số tài chính của Facebook luôn được công ty giấu kín, đây cũng là điều bình thường đối với một công ty tư nhân.

Mặc dù chưa chính thức lên sàn chứng khoán, nhưng cổ phiếu của Facebook vẫn được mua bán trên thị trường. Các thương vụ và các khoản đầu tư gần đây đã định giá Facebook lên đến 50 tỉ USD, thậm chí 85 tỉ USD.

Giàu nhờ quảng cáo và hàng hóa ảo

Facebook kiếm tiền như thế nào mà “giàu” nhanh đến vậy, trong khi người dùng được sử dụng Facebook miễn phí. Theo các tài liệu phân tích cũng như theo báo chí thế giới, doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo và hàng hóa ảo.

Quảng cáo mang lại phần lớn doanh thu cho Facebook. Đây là một mô hình kinh doanh rất phổ biến của nhiều website trên thế giới, và cũng là bí mật lớn đứng đằng sau nguồn doanh thu đang đâm chồi nẩy lộc của Facebook. Nếu mở hồ sơ Facebook ra, người dùng sẽ nhìn thấy phía bên tay phải của trang là các ô quảng cáo. Microsoft từng là đối tác quảng cáo độc quyền của Facebook sau vụ đầu tư 240 triệu USD năm 2007. Tuy nhiên, điều này đã kết thúc vào ngày 1/1/2010.

Lượng dữ liệu cá nhân mà các thành viên chia sẻ tự do trên trang chính là nguồn “thuốc phiện” quý giá mà Facebook có được để “dụ dỗ” các nhà quảng cáo. Các nhà quảng cáo sẽ mua chỗ đặt banner dựa trên hồ sơ và sở thích của người dùng. Chẳng hạn, nếu trong hồ sơ, người dùng nói rằng họ là một fan của Nike hoặc một nhãn hiệu thể thao khác, những quảng cáo liên quan về các website, công ty bán hàng thể thao sẽ xuất hiện bên tay phải. Đó cũng chính là điểm khác biệt giữa quảng cáo trên Facebook và quảng cáo trên Google. Quảng cáo trên Facebook nhắm thẳng đến những khách hàng tiềm năng, và hữu ích với những người dùng.

Một điểm mạnh nữa của quảng cáo trên Facebook đó là Facebook rất khôn ngoan khi đặt các banner quảng cáo đơn giản bên cột phải của trang. Nếu để ý, sẽ thấy bên cột phải chỉ hiện tối đa 4 banner quảng cáo, đó là những hình ảnh cỡ nhỏ kế tiếp nhau, chứ không phải là các banner quảng cáo lớn và nhấp nháy như trên hầu hết các trang khác. Chính vì thế, Facebook khiến người dùng ưa thích. Không những thế, người dùng còn có thể thông báo cho Facebook về những quảng cáo mà họ nhận thấy chướng mắt hoặc trùng lặp. Đây chính là những điểm mạnh giúp Facebook thu hút quảng cáo và kiếm bộn tiền. Về điểm này, Facebook được đánh giá rất thông minh.

Ngoài quảng cáo, Facebook còn có nguồn thu đến từ hàng hóa ảo. Trước đây, Facebook có dịch vụ tặng quà ảo (Facebook Gift). Chẳng hạn, người dùng muốn tặng quà sinh nhật cho một người bạn, họ sẽ vào Facebook Gift để chọn quà và gửi tặng. Đây là một dịch vụ mất tiền thật, và có thời trào lưu tặng quà ảo này đã từng rất “nóng”. Chỉ mới xuất hiện từ tháng 2/2007, song đến cuối năm 2007, Facebook đã thu về doanh số 24 triệu USD từ dịch vụ này. Tuy nhiên, dịch vụ tặng quà ảo đã chấm dứt vào khoảng tháng 8/2010, vì “Facebook tập trung vào phát triển các tính năng khác”.

Doanh thu từ hàng hóa ảo của Facebook còn đến từ các ứng dụng trên Facebook. Hãy lấy ví dụ với Farmville, một ứng dụng rất phổ biến trên Facebook. Ứng dụng này hoàn toàn miễn phí cho người dùng, và công ty mẹ của Farmville là Zynga đang thu hút được rất nhiều lưu lượng truy cập. Nói cách khác, Facebook đang cung cấp một nền tảng cho các hãng game như Zynga, và như vậy Facebook cũng kiếm được tiền từ đó.

Không ít người cho rằng lịch sử của Facebook chỉ là bước khởi đầu của một cuộc cách mạng thực sự trên toàn cầu. Facebook đã trở nên phổ biến đến nỗi các nhà tâm lí học đã phát hiện ra một loại bệnh tâm thần mới là Facebook Addiction Disorder (FAD).

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (1)
Lamfam

Cảm ơn bài viết. Tuy nhiên cần thêm phần lý giải cho vế đầu: Vì sao Facebook nổi tiếng.

Thanks,

Lam