Bước sang năm 2011, Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng 19%, tương đương với doanh thu đạt trên 109 ngàn tỉ đồng, tiếp tục lắp đặt và phát sóng mới gần 10.000 trạm BTS tại Việt Nam và trên 4.000 trạm tại các thị trường nước ngoài.

Viettel cũng xúc tiến đầu tư vào các nước có tiềm năng tại Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh với khoảng 100 triệu dân; tiếp tục nghiên cứu và sản xuất các thiết bị viễn thông,…

Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông đầu tiên phủ sóng 3G ở cả Đông Dương với trên 18.000 trạm 3G tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Lợi thế hạ tầng của một nhà mạng đầu tư đa quốc gia nên Viettel dành cho khách hàng nhiều ưu đãi khi thực hiện chuyển vùng tại những quốc gia mà Viettel đầu tư.

Với 4 thị trường nước ngoài Campuchia, Lào, Haiti và Mozambique, Viettel đã có thêm khoảng 60 triệu dân. Cũng như thị trường trong nước, tuy tham gia muộn nhưng Viettel đã đứng thứ nhất về hạ tầng và thuê bao tại Campuchia, tại Lào đứng đầu về hạ tầng mạng lưới. Doanh thu năm 2010 tại thị trường Campuchia đạt 161 triệu USSD, tăng 2,8 lần so với năm 2009. Tại thị trường Lào đạt gần 61 triệu USD, tăng 4,5 lần. Thương hiệu Metfone đã được trao Giải thưởng Nhà cung cấp dịch vụ triển vọng nhất của năm do Frost & Sullivan bình chọn và trao giải.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, hai lĩnh vực chính mà Viettel lựa chọn để đầu tư ra nước ngoài là dịch vụ viễn thông di động và Internet băng thông rộng, bởi đây là hai lĩnh vực đang phát triển nhanh, có nhu cầu rất lớn, và cũng là thế mạnh của Viettel.

“Phải khẳng định, trong lĩnh vực viễn thông, người ta [các công ty nước ngoài] đã đầu tư được hơn 20 chục năm rồi, Viettel bây giờ mới bắt đầu đi và mới có điều kiện để đi, nên những nơi dễ không còn nữa, mà chỉ còn những nơi khó thôi.”

Gặp khó khăn, một là thôi không làm nữa, để tránh bị rủi ro, hoặc thứ hai, trong khó khăn lại có cơ hội, vì khó khăn thì sẽ ít người cạnh tranh. Mặt khác, khó khăn cũng khiến mình phải có những giải pháp mới, ý tưởng, sáng tạo mới, làm cho tổ chức, bộ máy của mình trưởng thành và có kinh nghiệm hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Viettel vốn dĩ đi ra từ khó khăn, ngày đầu trong tay có nguồn lực rất ít, tiền ít, lại ở một nước có tới 7 công ty viễn thông di động, nhưng chính trong môi trường cạnh tranh như vậy nên Viettel cũng đã học được nhiều, như cách làm, chính sách, chiến lược và có thể áp dụng được vào những nước nghèo, thu nhập chưa cao, cạnh tranh khốc liệt.

Viettel đầu tư sang Lào, Campuchia, cũng là những nước nghèo và cạnh tranh khốc liệt. Ở Campuchia có trên 10 công ty cạnh tranh nhau đã hơn chục năm rồi. Ở Lào thì đất rộng nhưng người ít, thu nhập đầu người không cao, nhiều công ty muốn bỏ thị trường đi nhưng Viettel nhìn thấy cơ hội và đầu tư vào.

Phải khẳng định là những nơi dễ thì đã không còn nữa. Trên thế giới có hàng nghìn các công ty lớn về viễn thông, hàng trăm công ty mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài, họ đã đến hết những nước thuận lợi rồi. Những nước còn lại, họ nhìn thấy chỉ còn là những rủi ro, trong đó có rủi ro về bất ổn chính trị...

Tuy nhiên, dù những đất nước đó có chính trị không ổn định, nội chiến, thiên tai, nhưng dịch vụ viễn thông thì vẫn là thiết yếu, nó như là cơm là gạo, vì thế chính phủ nào cũng cần, cần ở mọi nơi mọi lúc. Mặt khác, viễn thông còn là hạ tầng cơ sở, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, xây dựng, kinh tế…

Bất kì lịch sử của dân tộc, đất nước nào, sau thời loạn là đến thời bình, nếu mình có niềm tin đó thì đi, vấn đề là ở cách nhìn của mình thôi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong ngành viễn thông có một “luật” gọi là “luật số ba”.

Một đất nước dù đang cấp rất nhiều giấy phép về viễn thông hoặc đang có khá nhiều công ty viễn thông cùng hoạt động, thì thường chỉ có ba công ty lớn, đứng đầu, chiếm trên 90% hoặc 95% tổng thị trường đó.

Vì thế những công ty đứng thứ tư, năm hay sáu thường là những công ty rất nhỏ và khó tồn tại được trong dài hạn.

Đi ra nước ngoài, muốn có lãi và tồn tại lâu dài, thì Viettel bắt buộc phải đặt mục tiêu là đứng ở top 3. Như ở Campuchia, hiện quy mô mạng lưới, dung lượng, vùng phủ sóng của Viettel là đứng thứ nhất; thuê bao thì đứng thứ hai; ở Lào mạng lưới cũng đứng thứ nhất, thuê bao đứng thứ 3.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, thứ nhất tầm nhìn chiến lược của Viettel là tầm nhìn dài hơn và nhìn khác người khác. Thứ hai là chiến lược cạnh tranh khác biệt. Thứ ba là giá thành tốt. Thứ tư là làm quyết liệt với phong cách người lính, vì không nằm trong top 3 thì chết, phía sau là dòng sông rồi không có đường thoát nữa.

Theo Tầm Nhìn.



Bình luận

  • TTCN (0)