Thunderbolt là 1 trong những cải tiến "đáng tiền" nhất của MacBook Pro thế hệ mới

Thunderbolt, công nghệ truyền tải dữ liệu mới được trang bị trên MacBook Pro phiên bản 2011 là một trong những cải tiến đáng giá của Apple. Vậy Thunderbolt là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Từng được gọi với tên mã Light Peak, Thunderbolt là chuẩn kết nối thiết và truyền tải dữ liệu sử dụng cáp quang với các thiết bị ngoại vi và màn chiếu, cho tốc độ truyền tải nhanh nhất từ trước đến nay, được Intel xây dựng và phát triển.

Trong ít năm tới đây, công nghệ này sẽ cho phép kết nối với ổ cứng, màn hình và nhiều thiết bị khác của máy tính Mac (Apple) và PC (Windows).

Dưới đây là những điều cần biết về công nghệ mới rất được kì vọng của Intel:

  • Tốc độ tối đa khi truyền tải dữ liệu của Thunderbolt lên đến 10 Gbps, nhanh gấp đôi tốc độ chuẩn kết nối USB 3.0 và gấp 20 lần chuẩn USB 2.0.
  • Với tốc độ này, theo Intel, người dùng có thể truyền tải 1 bộ phim chuẩn Full HD mà chưa mất 30 giây. Thậm chí, nếu truyền tải 1 số lượng file MP3 có độ dài 1 năm (nếu chơi liên tiếp nhau) cũng chỉ mất chưa đến 10 phút.
  • Công nghệ này được thiết kế bởi Intel. Apple là hãng đầu tiên ứng dụng và mang nó xuất hiện trên thị trường.
  • Theo Intel, công nghệ này có thể sử dụng để truyền tải dữ liệu đồng thời theo cả 2 chiều nhưng vẫn đạt được tốc độ tối đa 10 Gbps.
  • Theo Apple, Thunderbolt có thể khiến ổ cứng gắn ngoài đạt tốc độ tương đương như ổ cứng trong.
  • Các thiết bị ngoại vi sử dụng công nghệ Thunderbolt sẽ yêu cầu công suất điện năng 10 W, so với 8 W của công nghệ Firewire và 5 W của công nghệ USB 3.0.
  • Phiên bản Thunderbolt của Apple sử dụng chuẩn kết nối mini DisplayPort, hỗ trợ được nhiều thiết bị đã xuất hiện trên thị trường trước đây.
  • Các thiết bị ngoại vi sử dụng Thunderbolt dự kiến sẽ bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào mùa thu năm nay.

Thunderbolt "so găng" với USB 3.0 và eSATA

USB 3.0 và eSATA là 2 chuẩn kết nối cho tốc độ nhanh nhất hiện nay. Do vậy, để biết được tốc độ thực sự của Thunderbolt là như thế nào, hãy thử cùng so sánh giữa 3 công nghệ này để tìm ra câu trả lời cuối cùng.

So sánh tốc độ

Cả 3 công nghệ kết nối đều có tốc độ vượt trội so với chuẩn kết nối thông dụng USB 2.0 (cho tốc độ tối đa chỉ 480 Mbps).

Chuẩn eSATA hiện tại có tốc độ tối đa 3 Gbps, trong khi các giao thức eSATA cũ hơn chỉ có tốc độ tối đa chỉ 1,5 Gbps.

Với chuẩn kết nối USB 3.0 cho tốc độ đạt mức 5 Gbps.

Như vậy vẫn còn kém xa so với chuẩn kết nối Thunderbolt mới của Intel, với tốc độ tối đa mỗi chiều đạt được lên đến 10 Gbps.

Tuy nhiên, những thông số trên vẫn chỉ xuất hiện trên mặt lí thuyết. Các nhà sản xuất linh kiện vẫn đang cố gắng để cho ra mắt những sản phẩm để khai thác tối đa tốc độ truyền tải dữ liệu của những chuẩn kết nối này.

Ảnh
Với tốc độ truyền tài dữ liệu 2 chiều lên đến 10Gbps, Thunderbolt có tốc độ nhanh hơn cả USB 3.0 và eSATA cộng lại
Khả năng tương thích

Thunderbolt kết hợp 2 giao thức, PCI Express (PCIe) và DisplayPort, có nghĩa là người dùng có thể kết nối màn hình, ổ cứng gắn ngoài, thiết bị quay phim… Tuy nhiên, người dùng cần phải sử dụng cáp kết nối thích hợp.

USB 3.0 là chuẩn kết nối thông dụng hơn, người dùng có thể kết nối thiết bị USB 2.0 vào hub USB 3.0, nhưng dĩ nhiên không thể đạt được tốc độ như của USB 3.0.

eSATA là chuẩn mở rộng của Serial ATA, chuẩn sử dụng cho kết nối tốc độ cao của ổ cứng trong. Do vậy, chuẩn này chỉ hỗ trợ để kết nối ổ cứng.

Một số hãng sản xuất, như Toshiba, đã giới thiệu những mẫu laptop với cổng kết nối kép có thể sử dụng cả eSATA và USB 2.0.

Mức độ phổ biến

Hiện tại, chỉ có duy nhất 1 sản phẩm được trang bị chuẩn kết nối Thunderbolt trên thị trường, đó là thế hệ MacBook Pro mới được công bố của Apple.

Măc dù số thiết bị được trang bị USB 3.0 xuất hiện khá nhiều, nhưng chuẩn kết nối này vẫn chưa thể trở nên thông dụng. Điều tương tự cũng xảy ra với chuẩn ổ cứng eSATA.

Hiện, Intel đang hi vọng công nghệ Thunderbolt của mình sẽ vượt qua các chuẩn kết nối USB 3.0 và trở nên thông dụng trong tương lai, trên cả máy tính Mac của Apple lẫn PC của Windows.

Các hãng sản xuất phần cứng và thiết bị ngoại vi nổi tiếng như LaCie và Western Digital cũng đang có dự định sản xuất các thiết bị hỗ trợ công nghệ Thunderbolt, thông qua cổng kết nối PCIe và DisplayPort.

Theo Dân trí



Bình luận

  • TTCN (0)