Cột sóng thay đổi tùy thuộc vào cách cầm máy của người dùng.

Đại học Bristol (Anh) vừa công bố một nghiên cứu cho thấy những ảnh hưởng của bàn tay người dùng đối với ăng-ten điện thoại. Theo đó, lỗi mất sóng không chỉ xảy ra ở riêng iPhone 4 mà trên mọi điện thoại di động và những chiếc vỏ bảo vệ không giải quyết được lỗi đó.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng thu nhận sóng trên ăng-ten của thiết bị thử nghiệm đã mất hoàn toàn khi nó bị che phủ bởi một ngón tay cái hoặc bằng một vật liệu tương tự. Việc đặt một vật cách ly bằng nhựa dẻo như vỏ bảo vệ điện thoại không thực sự phục hồi khả năng bắt sóng của ăng-ten.

Các nhà nghiên cứu là Beach, Gibbins và Webb cảnh báo rằng các hãng sản xuất điện thoại cần phải kiểm soát vấn đề này. Vị trí của ăng-ten có thể khiến cho việc rớt sóng trở nên phổ biến hơn.

Cuộc nghiên cứu đã góp phần hỗ trợ quan điểm của Apple rằng lỗi mất sóng không chỉ xảy ra ở điện thoại iPhone 4 của họ. Sau khi nhận hàng loạt những lời chỉ trích với chiếc iPhone 4 hoạt động trên mạng AT&T, Apple đã nỗ lực giảm thiểu “làn sóng” phê phán mình bằng cách lôi kéo những chiếc điện thoại khác vào cuộc như chứng minh Droid X cũng có thể mất sóng ngay cả khi các hãng sản xuất điện thoại đối thủ một mực tuyên bố chúng “miễn dịch” với lỗi này. Nhiều người sử dụng cũng đã bắt đầu quan tâm đến lỗi mất sóng trên điện thoại của mình và nhận thấy lỗi này xảy ra ở cả HD 7 và một số điện thoại khác.

Tuy nhiên, các nhà phê bình lưu ý rằng thiết kế của Apple vẫn là một ngoại lệ kể từ khi hãng liều lĩnh chuyển ăng-ten ra phần khung ngoài, nơi tay người dùng thường xuyên tiếp xúc để tiết kiệm vị trí đặt ăng-ten, làm máy mỏng hơn nhưng vô tình lại gây ra lỗi mất sóng. Sự cố mất sóng diễn ra thường xuyên với những người cầm máy tì lên vị trí lắp ăng-ten và những ai sống ở khu vực sóng kém.

Theo Dân trí



Bình luận

  • TTCN (0)