Có Internet, người nông dân Trung Quốc chỉ việc ngồi ở nhà, khách hàng đặt hàng qua mạng, họ chuẩn bị hàng hóa và sau đó khách hàng gửi xe tải đến để tận nhà người dân lấy hàng.

Trong nhiều năm liền, Wang Yulan và chồng vẫn lái chiếc xe 3 bánh đến chợ gần thủ đô Bắc Kinh để bán bắp cải, hạt tiêu, cà chua mà họ trồng trên mảnh đất nhỏ. Giờ đây, nhờ có Internet, họ thậm chí không phải bước chân ra khỏi phòng ăn.

Cách đây 2 năm, hai vợ chồng Wang Yulan đã mua một chiếc máy tính và gia nhập vào đội quân nông dân bán hàng trực tuyến của Trung Quốc, giúp họ tiếp cận đến khách hàng ở khắp đất nước và gia tăng thu nhập.

“Thị trường sẽ trở nên rộng lớn hơn nhiều khi bạn sử dụng máy tính”, Wang, 55 tuổi nói và truy cập vào trang web thương mại nông nghiệp aptc. cn với sự giúp đỡ của cô cháu gái.

“Internet thật tiện lợi. Đầu tiên khách hàng sẽ đặt hàng, chúng tôi chuẩn bị hàng hóa và sau đó họ gửi xe tải đến để lấy hàng”.

Kể từ khi Wang và chồng là Liu Shujin, 66 tuổi, bắt đầu giao dịch nông sản trực tuyến, thu nhập của cặp vợ chồng này đã tăng gấp đôi, từ mức 20.000 đến 30.000 tệ (3.000 – 4.500 USD) mỗi năm và cuộc sống trở nên dễ chịu hơn.

“Chúng tôi đã không phải ra tận chợ để bán rau, mà chỉ ngồi ở nhà”, Wang nói, bà đã phải chịu căn bệnh đâu đầu gối từ 30 năm nay.

Đời sống của hàng triệu nông dân Trung Quốc, những người có mức thu nhập bình quân thấp hơn nhiều so với các công dân đô thị, đã được nâng cao nhờ các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước, lo lắng về khoảng cách giàu nghèo đang ngày một gia tăng, đã thề sẽ đẩy mạnh phát triển tại những vùng nông thôn và thu nhập của nông dân.

Năm 2006, hãng di động quốc gia China Mobile đã giới thiệu Nongxintong, hay dịch vụ thông tin của Nông dân, cung cấp cho họ giá cả thị trường kịp thời, dự báo thời tiết và chính sách nông nghiệp của chính phủ qua SMS, qua đường dây điện thoại nóng và qua Internet.

Dịch vụ này cũng cho phép các nông dân, như Yang He ở tỉnh Anhui phía Đông, quảng bá sản phẩm trực tuyến.

“Dịch vụ này rất rẻ - chỉ khoảng vài tệ mỗi tháng”, Yang nói. “Tôi chỉ cần gửi tin nhắn đến dịch vụ của China Mobile, sau đó tin nhắn sẽ được đăng tải lên website và nếu ai nhìn thấy tin nhắn, họ sẽ liên lạc với tôi”.

Quản lí dự án Liu Jing nói dịch vụ này rất “tiện và rẻ”, hiện đã có 3 triệu nông dân đăng kí vào dịch vụ tại riêng tỉnh Chongqing.

Tháng trước, Bộ Thương mại Trung Quốc đã kí thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và China Mobile để “cùng phát triển cơ sở hạ tầng thông tin cho nông thôn”.

Không có thông tin, nông dân không biết phải bán hàng hóa, nông sản ở đâu. “Trước đây, chúng tôi rất khó bán rau. Nếu không bán được, rau sẽ hỏng và chúng tôi phải vứt bỏ”, Wang nói.

Tuy nhiên, dù thu nhập tăng, người nông dân vẫn đối mặt với một tương lai bất ổn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém và đất đai ngày càng thu hẹp do cơn bùng nổ bất động sản của đất nước.

Wang cho biết hợp đồng thuê đất của họ sẽ hết hạn vào năm 2013, và bà lo lắng chính phủ sẽ không kí tiếp hợp đồng để họ thuê mảnh đất làm nông đã sử dụng 12 năm qua.

“Chúng tôi thực sự lo sợ - nếu không có đất, chúng tôi biết làm gì? Chúng tôi không có cách nào để sống cả”, Wang nói.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)