Các chuyên viên y tế đang quét kiểm tra mức nhiễm phóng xạ cho trẻ em Nhật. Ảnh: Reuters.

Các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản nổ và phát tán phóng xạ ra môi trường. Các chất phóng xạ lan truyền như thế nào?

Chuyên gia cấp cao về công nghệ hạt nhân, GS Trần Đại Phúc, cho biết: trong một số sự cố của một nhà máy điện hạt nhân, chẳng hạn như ở Nhật Bản vừa qua, những chất phóng xạ như iốt (iodine 131 và 129) và xêzi (cesium 137), nếu không được kiềm chế trong thùng lò hoặc nhà lò sẽ bị phát tán ra môi trường. Đơn vị đánh giá độ hấp thụ phóng xạ của cơ thể là microSievert. Iốt 131 có chu kì sống là tám ngày và chu kì hấp thụ của cơ thể là 100 ngày. Như vậy, khi con người hấp thu thì trên 100 ngày iôt 131 sẽ bị thải ra khỏi cơ thể. Khi hấp thụ iốt sẽ nằm trong tuyến giáp của con người và có thể gây ung thư tuyến giáp.

Xêzi 137 với chu kì là 30 năm sẽ cuốn theo chiều gió và tự đọng lại trên mặt đất và ô nhiễm rau cỏ, nấm. Sự tự đọng của xêzi 137 trên mặt đất với ảnh hưởng của mưa gió và nước sẽ làm ô nhiễm sông suối và các mạch nước ngầm, và từ đó sẽ truyền qua chuỗi thức ăn của động vật và con người, gây nên nhiều loại bệnh ung thư.

Theo thông tin cập nhật qua các báo cáo của các cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản, mức phóng xạ phát tán ra môi trường khoảng 1.020 microSievert/giờ, vượt mức thông thường rất cao (trong điều kiện bình thường, mức phóng xạ là 0,05 – 0,1 microSievert/giờ). Bán kính của sự phát tán của các chất phóng xạ nêu trên trong quá trình xảy ra sự cố sẽ liên quan đến những chi tiết khí tượng (chiều hướng, chiều cao, tốc độ của gió) trong thời điểm xảy ra sự cố. Có thể phát tán trong bán kính từ 3km đến cả 100km hoặc trên 1.000km tuỳ theo các đặc điểm khí tượng như đã nêu. Theo các dự đoán qua tính toán của cơ quan An toàn hạt nhân Pháp thì hướng phát tán phóng xạ của những lò phản ứng hạt nhân 1, 2 và 3 của nhà máy Fukushima 1 sẽ không thể phát tán về lãnh thổ Việt Nam.

Với các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, trong các thiết kế hiện đại của những nhà máy hạt nhân của thế hệ 3 (công nghệ Liên bang Nga và Nhật Bản) có những hệ thống cấp cứu an toàn đã được cải tiến, trong đó có những hệ thống chủ động và thụ động. Hệ thống thụ động là một hệ thống sẽ tự nó vận hành không cần nguồn năng lượng bên ngoài (nguồn điện, con người…).

Theo SGTT




Bình luận

  • TTCN (0)