Tham gia “cuộc chơi” mạng xã hội, những tên tuổi của Việt Nam như Zing, Go.vn không đặt kì vọng quá cao mang tầm quốc tế, chấp nhận chọn cho mình hướng cạnh tranh từ địa phương nhưng quyết tâm cũng rất lớn giành thị phần.

Có lẽ, không có thời điểm nào người dùng Internet Việt lại có cơ hội lựa chọn nhiều mạng xã hội cả ngoại lẫn nội đến thế. Blog, mạng xã hội đã trở thành những khái niệm quen thuộc với cộng đồng online.

Ngoài mạng xã hội đình đám Facebook, các mạng xã hội Việt Nam cũng đã dần xuất hiện với những cái tên như: Go.vn, Zingme, và hàng loạt những cái tên khác như Yume, Tầm tay, Banbe.net… đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu về thế giới ảo của những công dân điện tử.

Cách đây ít lâu, Go.vn công bố đã đạt mốc 3 triệu người dùng sau 8 tháng hoạt động. Còn Zing Me, tháng 11/2009 đã đạt được mốc 1 triệu người dùng, trở thành mạng xã hội số một của Việt Nam. Đến nay, Zing Me cho hay họ vẫn giữ được vị trí này với 4,6 triệu người dùng và 900 triệu phút sử dụng mỗi tháng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các mạng xã hội, nhà cung cấp ngoại vẫn đang chiếm ưu thế với lượng người dùng lớn tại Việt Nam. Mạng xã hội mang “quốc tịch” Việt Nam khai sinh nhiều nhưng số lượng phát triển mạnh khoẻ vẫn còn rất khiêm tốn. Câu hỏi được đặt ra là làm gì để mạng xã hội Việt có thể “giành” được người dùng Việt về cho mình?

Theo ông Phan Sào Nam, lãnh đạo của mạng xã hội Go.vn, nếu phân tích rõ hơn về khái niệm mạng xã hội thì mục tiêu đơn giản của mạng xã hội là nơi tập hợp của cộng đồng. Để Go.vn thực hiện được sứ mệnh này, những người làm Go.vn xác định đây là cuộc chiến trường kì. Bản thân sản phẩm Go.vn phải thay đổi nhiều.

“Hiện giờ, vẫn không có một định nghĩa nào về chuẩn mực của mạng xã hội nhưng cần phải đáp ứng nhu cầu người dùng và tạo điều kiện cho người dùng liên kết với nhau” - ông Nam cho hay.

Nếu như Go.vn cố gắng cung cấp cho người dùng những dịch vụ tốt nhất và Go.vn hướngvào giáo dục, giải trí thì đại diện của Zing Me, ông Vương Quang Khải lại cho hay, trong một thị trường có sự cạnh tranh nhất định, mỗi mạng xã hội phụ thuộc vào sự đầu tư khác nhau. Nhưng điều chắc chắn sẽ xảy ra đó là sự cạnh tranh quyết liệt từ các mạng xã hội.

Đại diện của Go.vn cho rằng, để có thêm sự nỗ lực trong công cuộc hút khách hàng, các mạng xã hội Việt phải có một tiềm lực mạnh mẽ. Chẳng hạn như Go.vn đang cố gắng sử dụng lợi thế của mình để cạnh tranh dựa vào khách hàng, hạ tầng thanh toán, truyền thông, trong thời gian tới, giáo dục sẽ phát triển bền vững và tạo ra sản phẩm của riêng mình. Mục tiêu đến năm 2015, Go.vn sẽ có 4 triệu người Việt Nam là khách hàng thường xuyên.

Còn Zing Me, mạng xã hội này chọn cho mình hướng cạnh tranh từ địa phương, không làm theo phương thức của đối thủ và xem người dùng có những nhu cầu gì. Zing Me đặt quyết tâm sẽ giữ vững vị trí số 1 của mình, tiếp tục tập trung phát triển mạng xã hội.

Dù gì, việc có nhiều mạng xã hội được đánh giá là điều đáng mừng, người dùng Việt có nhiều lựa chọn hơn và bản thân các nhà cung cấp cũng phải cạnh tranh với đối thủ của mình, tiện ích và cách thức giao tiếp sẽ được nâng cao để mang đến những trải nghiệm cho người dùng.

Theo VnMedia




Bình luận

  • TTCN (1)
ai lop ziu  335

mạng xã hội vn sẽ ko thể vs dc với nc ngoài vì:
- chất lượng kém hơn
- điều kiện sử dụng mập mờ
- thông tin bị kiểm duyệt bởi chính phủ
- ko có sáng tạo, vn chỉ chạy theo các mạng xã hội nc ngoài
- support kém, chính sách hỗ trợ ở vn là post hay thì giữ, post xấu thì xóa
- yêu cầu chứng minh thư nhân dân -> điều này thật ngớ ngẩn vì sẽ lộ thông tin cá nhân
- ....

= kết luận; ko bao giờ sài online services ở vn