Dù chỉ có rất ít thông tin về Windows 8, nhưng hệ điều hành này đã nhận được vô số lời bàn tán và dự đoán cũng như nhiều chuyên gia đang “lặn ngụp” trong đó nhằm moi ra nhiều thông tin hơn.

Chỉ Microsoft mới biết được phiên bản hệ điều hành Windows kế tiếp có hình hài ra sao và tên gọi là gì, nhưng các chuyên gia dự đoán những thay đổi lớn về hệ điều hành sẽ tập trung vào phiên bản Windows 8. Tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES ở Las Vegas, Mỹ hồi đầu năm nay, Microsoft đã thông báo Windows 8 sẽ hỗ trợ chuẩn kiến trúc vi xử lý ARM. Không như kiến trúc x86 hiện được máy tính xách tay và máy tính để bàn Windows sử dụng nhiều, chip ARM có khuynh hướng dùng cho các thiết bị tiêu thụ điện năng thấp như máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh (smartphone). Steve Ballmer, Giám đốc điều hành của Microsoft, cũng khẳng định rằng hệ điều hành Windows giờ không còn dành riêng cho máy tính xách tay và máy tính để bàn nữa.

Thông tin chính thức

Thông tin chính thức về Windows 8 mới chỉ có chip ARM. Những công ty như Nvidia, Qualcomm và Texas Instruments cũng là các đối tác quan trọng của Microsoft, do đó các thiết bị Windows phát triển dựa vào 3 nền tảng tiêu thụ điện năng thấp của ba công ty trên sẽ có khả năng xảy ra. Cũng tại hội nghị về kiến trúc ở London (Anh) hồi năm ngoái, Microsoft đã ra sức ủng hộ ý tưởng ảo hóa Windows, có thể dùng để lưu trữ các ứng dụng, dữ liệu, thiết lập Windows và vài phần của hệ điều hành này trên điện toán đám mây.

Tin đồn

Đã có nhiều thông tin dạng trình diễn (slide) rò rỉ được cho là bảng thiết kế hệ điều hành kế tiếp của Microsoft. Tuy nhiên, những thông tin này không nêu ra đích xác các tính năng hoàn chỉnh của Windows 8 mà chỉ là các công đoạn để Microsoft phải hướng đến vì cũng có các bản báo cáo khác đưa ra lập luận để xác thực nội dung trên.

Ví dụ, có 1 slide đề cập đến hệ điều hành mới có thể cho phép người dùng truy cập bất cứ ở đâu trên hệ thống máy tính, thay vì ràng buộc truy cập qua một phần cứng cụ thể như trước nay. Người dùng có thể “dạo” giữa desktop, laptop và tablet bất cứ lúc nào thuận tiện nhất. Một slide khác là khi bật nút khởi động lại máy (reset) thì hệ thống vẫn duy trì ứng dụng và các thiết lập trong khi virus và các chương trình không mong muốn khác bị loại trừ. Các chuyên gia trong ngành công nghệ cho rằng nếu lưu trữ ứng dụng và dữ liệu trên đám mây thì tính năng này rất khả thi.

Về phần mục tiêu “bật-là-chạy” của Microsoft, một blogger đã chỉ ra Microsoft có bằng sáng chế công nghệ hypervisor (một phương pháp ảo hóa khác) sẽ chia hệ điều hành ra làm 2 phần: Một phần là hệ điều hành thông thường và một phần là hệ điều hành dùng cho các thiết bị như TV và tablet. Do đó, thiết bị có thể khởi chạy tức thời, dù nếu muốn vào hệ điều hành chính bạn vẫn phải mất 30 giây để khởi động.

Liệu Microsoft có thể đạt thành công khi đưa ra những phiên bản hệ điều hành mới dạng nhỏ gọn? Một chuyên gia cho hay Windows 8 sẽ có giao diện xếp lớp gọi là “Mosh”, được xem là giao diện người dùng thay thế của Windows 8 dành cho tablet và các thiết bị màn hình cảm ứng có điện năng thấp khác.

Ngoài ra, còn một tin đồn khác về khung (framework) phát triển ứng dụng mới tên là Jupiter. Mục đích của framework này là giúp các nhà phát triển tạo ra ứng dụng mang tính trực quan, hấp dẫn trên kho ứng dụng Windows sắp đến. Đồng thời framework này như là cách “lôi kéo” các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng, có thể tương thích với cả kiến trúc x86 và các vi xử lý dùng chip ARM mà không cần phải mở rộng để biên dịch và lập trình lại.

Phỏng đoán

Nếu bạn nghi ngờ có hay không việc Windows 8 sẽ là một hệ điều hành khác biệt so với các hệ điều hành tiền nhiệm, bạn có thể đọc lướt qua đại ý mà các nhà phát triển Microsoft muốn gửi gắm đã từng được đăng trên blog vào năm 2009. Nội dung là: phiên bản hệ điều hành kế tiếp sẽ chứa một điều gì đó hoàn toàn khác biệt so với những gì mà người dùng thường mong đợi từ Windows. Các mục tiêu trong hệ điều hành mới thật sự có thể mang những nét mới mà người dùng đã mong đợi trong nhiều năm. Điều này sẽ làm thay đổi cách người dùng nghĩ về máy tính cá nhân cũng như thay đổi cách họ sử dụng.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Microsoft đã nhanh chóng gỡ bỏ những nội dung nói trên, có thể Microsoft sợ “nói trước bước không qua” chăng? Và liệu Microsoft có muốn tái cấu trúc hệ điều hành thông qua Windows 8?

Triển vọng

Rõ ràng, Microsoft muốn tạo một hệ điều hành có sự kết nối giữa các thiết bị. Sự hỗ trợ của ARM trên hệ điều hành mới sẽ cung cấp cho Microsoft nền tảng và các dịch vụ đám mây có thể trở thành những nhân tố chính trên nền tảng này. Nhưng thách thức đặt ra cho Microsoft là liệu công ty có từ bỏ nền tảng Windows cốt lõi truyền thống, trong lúc vẫn tiếp tục theo đuổi những tham vọng mới.

Tin đồn cuối cùng là Microsoft sẽ giới thiệu Windows 8 vào năm 2012. Bạn có cho là Microsoft có thể hiện thực hóa được những lời đồn đoán trên không?

Theo 24h.com.vn




Bình luận

  • TTCN (0)