Yoon Boo-Keun.

Sinh ra ở một ngôi làng tại Hàn Quốc, Yoon Boo-Keun chưa bao giờ nhìn thấy TV cho đến tận năm 17, 18 tuổi. Nhưng hiện nay, ông đang điều hành hoạt động của hãng sản xuất TV lớn nhất thế giới.

Người đưa Samsung lên vị trí số 1 về TV

Yoon Boo-Keun nổi tiếng với biệt danh “Mr. TV”. Tại văn phòng trên tầng 12 của trụ sở công ty Samsung Electronics ở Suwon, phía nam Seoul, 5 chiếc TV “cỡ bự” nằm bao quanh bàn làm việc của Yoon Boo-Keun. 6 chiếc màn hình khác hiển thị các dữ liệu tài chính. Đó là cuộc sống và công việc của một người đàn ông từng lớn lên trong một ngôi làng chỉ có duy nhất một chiếc radio. Và nay, người đàn ông đó đang phụ trách kinh doanh của hãng sản xuất TV lớn nhất thế giới.

Gia nhập vào Samsung năm 1978, Yoon đã dẫn dắt Samsung vào kỉ nguyên TV LED, TV 3D và TV thông minh kể từ khi điều hành mảng màn hình của Samsung vào năm 2007. Ngay năm sau, doanh số TV của Samsung tăng 31%. Và trong năm ngoái, doanh thu mảng TV của Samsung đạt 26 tỉ USD, chiếm 22,1% thị phần TV toàn cầu, dẫn trước rất nhiều so với LG Electronics (14,1% thị phần) và Sony (11,9% thị phần).

Tuy vậy, Yoon, 58 tuổi, cơ bản vẫn là một kĩ sư điện tử. Ông thường mặc bộ áo gió của công ty, chứ không phải bộ trang phục comple của một doanh nhân đến văn phòng và vẫn bắt tay vào các công việc thực hành.

Điểm sáng của Samsung vẫn là TV LED. Yoon đã chuyển từ việc giám sát hoạt động nghiên cứu và phát triển TV của Samsung sang điều hành toàn bộ hoạt động TV của công ty, và nhanh chóng ghi dấu ấn với việc ra mắt TV LED đầu tiên của Samsung vào năm 2009. Hiện nay, công ty đang thống trị mảng thị trường này. Ông dự đoán trong năm nay lần đầu tiên doanh số TV LED sẽ vượt doanh số các loại TV LCD khác. TV LED sử dụng các panel có bóng diode phát sáng phía sau lưng (light-emittingdiode - LED), khác với loại bóng chiếu sáng huỳnh quang dùng trong màn hình tinh thể lỏng (LCD). Lợi thế của TV LED là tiết kiệm 40% năng lượng điện so với TV LCD.

Samsung không tiết lộ doanh thu và lợi nhuận của riêng mảng TV mà Yoon phụ trách – vì nó kết hợp với một mảng lớn khác trong kết quả kinh doanh của công ty. Nhưng hãng cho biết đã bán được 45 triệu TV trong năm ngoái, nhiều hơn 7 triệu so với năm 2009, và hãng nghiên cứu thị trường DisplaySearch cho biết doanh số TV của Samsung tăng 10,2%.

Lợi thế của Samsung là sự quyết đoán trong bộ máy lãnh đạo, hoạt động sản xuất hiệu quả. Đặc biệt là sự sáng tạo không ngừng – màn hình mỏng hơn, chip nhanh hơn.

Ảnh
Năm 2010, doanh thu mảng TV của Samsung chiếm 22,1% thị phần TV toàn cầu.

Triết lí kinh doanh kiểu “kiềng ba chân”

Triết lí kinh doanh của Yoon tập trung trong 3 chiến lược. Đầu tiên là tốc độ - một thế mạnh mà Samsung rất nổi tiếng. “Tôi đã thay đổi khái niệm khi nào thì sự phát triển kết thúc”, Yoon nói. “Trước đây, đó là khi phòng phát triển trao sản phẩm cho bộ phận sản xuất, nhưng tôi nói “kết thúc” nghĩa là khi sản phẩm phải ở trên gian hàng, trên kệ các siêu thị”.

Thứ hai là sức mạnh cạnh tranh trong chi phí. Trong khi Samsung sản xuất những sản phẩm cao cấp, Yoon vẫn rất ý thức về mức giá. Có được thị phần lớn nhất và tự sản xuất nhiều linh kiện giúp Samsung giảm chi phí sản phẩm. “Chúng tôi từng cho rằng nếu giảm giá, chất lượng cũng giảm theo. Nhưng nay chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể cải thiện chất lượng và cắt giảm giá cả”, ông nói.

Và triết lí thứ ba là sự khác biệt – tức là khả năng sản xuất ra một sản phẩm mà đối thủ không thể dễ dàng copy. “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát người tiêu dùng, và họ nói muốn có một chiếc TV mỏng chưa đến 30 mm”, Yoon nói. Các nhà thiết kế của ông đáp lại có thể thể cắt giảm độ sâu xuống không quá 40mm. “Tôi nói, phải đạt đến độ 29,99mm”. Các nhà thiết kế đã làm được điều đó vào năm 2009, và “chúng tôi là công ty duy nhất sản xuất các mẫu TV đại chúng có độ mỏng 29,99mm”. TV mỏng đủ để treo trên tường như một bức tranh.

Yoon cũng điều hành Trung tâm thiết kế của Samsung Electronics và Nhóm Hội tụ của công ty. Và ông trở thành nhân vật trung tâm của Samsung trong việc kết nối tất cả các linh kiện của Samsung. “Samsung Electronics có một lợi thế: chúng tôi sản xuất hầu hết thiết bị”, ông nói. “Chúng tôi có TV, ĐTDĐ, đồ gia dụng. Một số công ty chỉ sản xuất TV mà không có điện thoại”.

Không chỉ sản xuất tất cả những sản phẩm này, mà điều đặc biệt là tất cả những sản phẩm này có thể “nói chuyện” được với nhau. Các du khách tham quan Trung tâm trưng bày của Samsung có thể chứng kiến các thiết bị như camera kĩ thuật số có thể chuyển ảnh không dây lên màn hình TV, và TV lại có thể có tính năng Adobe AIR, mang lại khả năng duyệt web hoàn hảo. Chiếc TV thông minh đầu tiên của Samsung – một mẫu TV có chức năng tìm kiếm Internet và có các ứng dụng chơi game – đã có mặt trên thị trường từ năm 2007. Hiện Samsung có 400 ứng dụng dành cho TV thông minh, và đang nhắm tới mục tiêu bán 12 triệu TV thông minh trong năm nay.

3D sẽ là từ đồng nghĩa với Samsung

Yoon có thể là một nhân vật trung tâm của thế giới công nghệ cao ngày nay. Nhưng trong cuộc đời của ông, mãi đến năm 17 hay 18 tuổi ông mới được nhìn thấy chiếc TV đầu tiên. Sinh ra tại một trong những nơi nghèo nhất của Hàn Quốc, tuổi thơ của ông miệt mài trên hòn đảo đầy sương mù Ulleung-do, cách bờ biển phía đông 75 dặm. “Người trưởng làng có một chiếc radio ở nhà – là chiếc radio duy nhất của làng” – Yoon nhớ lại. Bố mẹ ông muốn ông trở thành bác sĩ, nhưng ông lại có tham vọng khác. “Tôi muốn một thế giới thoải mái hơn, không phải phụ thuộc vào một thiết bị của một gia đình trong một ngôi làng”, ông nói, “Tôi mơ về các thiết bị công nghệ cao”.

Thay vì học ngành y, ông đăng kí vào khoa kĩ thuật điện tử ở trường Đại học Hanyang. Vào thời điểm chọn nghề nghiệp, trong số tập đoàn lớn - Samsung, Hyundai, Lucky Goldstar – ông đã quyết định chọn Samsung. “Hàn Quốc lúc đó rất nghèo, và tôi biết khi mọi thứ khó khăn, các công ty trả sản phẩm, chứ không phải lương cho nhân viên”, ông nói. “Tuy nhiên Samsung chưa bao giờ làm như thế”, Yoon cho biết. “Khi chúng tôi lên làm quản lí, mọi người thường nói, “nếu chuyển từ bộ phận phát triển sản phẩm lên, đó là một sự giáng chức”, ông nhớ lại. “Nhưng tôi di chuyển thường xuyên, từ sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà máy ở nước ngoài”.

Chiếc TV đen trắng đầu tiên của Samsung ra đời năm 1970. Lúc đó, Samsung rất khó khăn để phát triển trong thời đại analog, nhưng mọi thứ đã thay đổi vào thời kĩ thuật số, những năm 1990. “Chúng tôi chưa bao giờ là số 1 trong thị trường TV trước thời đại kĩ thuật số”, Yoon nói. “Trong thời analog, bạn phải có kinh nghiệm. Nhưng trong thời kĩ thuật số, kinh nghiệm không quan trọng nữa – tốc độ mới cần thiết”.

Còn một yếu tố khác đằng sau thành công của Samsung. Như hầu hết các công ty Hàn Quốc khác, ban lãnh đạo của hãng luôn đưa ra những quyết định nhanh chóng. Với Samsung, một nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế thới, một hãng đi đầu trong thị trường ĐTDĐ và là nhà sản xuất hầu hết các mặt hàng điện tử tiêu dùng khác, năm 2006, Chủ tịch tập đoàn, ông Lee Kun-Hee đã quyết định ưu tiên sản xuất TV.

Yoon được đặt vào vị trí trung tâm của nhiệm vụ này, và dưới lệnh của Lee, ông có toàn quyền quyết định. Doanh số tăng vọt, Từ năm 2000 đến 2006, doanh số TV Samsung gần như tăng gấp 5. Loại TV LCD “Bordeaux” của Samsung trở thành một trong những mẫu TV phổ biến nhất thế giới. Với 3 thập kỉ, Sony đã là nhà sản xuất TV số 1, nhưng đến năm 2006, Samsung đã vọt lên vị trí số 1 này.

Cậu bé đến từ ngôi làng nghèo Ulleung-do đang đứng trên đỉnh cao của thế giới TV, nhưng Yoon vẫn là một kĩ sư khiêm tốn. “Tôi phải tiếp tục hoàn thiện bản thân hơn nữa. Chúng tôi phải rất thận trọng khi mọi thứ đang suôn sẻ”.

Năm ngoái, Samsung Electronics công bố “3D sẽ đồng nghĩa với Samsung”. Năm 2010, họ đã bán được số TV 3D nhiều hơn bất cứ nhà sản xuất nào khác, nhưng nó vẫn chưa thực sự tăng trưởng bùng nổ. TV 3D gặp nhiều trở ngại. Đầu tiên, không có nhiều nội dung cho TV 3D, vì thế cuối năm nay Samsung sẽ bước chân vào một lĩnh vực mới: cung cấp nội dung. Họ sẽ ra mắt kênh cáp 3D tại Mỹ. Họ cũng hỗ trợ các nhà sản xuất khác: giúp hãng phim hoạt hình DreamWorks/Paramount trong chiến dịch marketing. Đó là cái mà Yoon Boo-Keun gọi là xây dựng hệ sinh thái 3D.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)