Việc tái chế rác thải điện tử sẽ tạo việc làm cho người dân!?

Hiện tại, rác thải điện tử trên thế giới ngày càng nhiều nhưng tại Việt Nam thì gần như không thấy bóng dáng của chúng. Rác thải điện tử đã đi về đâu ở Việt Nam?

Báo động

Theo Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), khoảng 20 triệu đến 50 triệu tấn rác điện tử được thải ra mỗi năm, trong đó Châu Âu chiếm khoảng 9 triệu tấn. Riêng Trung Quốc đã thải ra 2,3 triệu tấn rác thải điện tử vào năm 2010 và tính đến năm 2020, Trung Quốc dự trù sẽ vứt đi số điện thoại di động cao gấp 7 lần so với hiện nay. Còn với Ấn Độ thì lượng rác thải điện tử sẽ tăng lên tới 18 lần

Rác điện tử đang phát triển nhanh nhất dưới dạng chất thải rắn của đô thị, chiếm từ 3 - 5% nguồn nguyên vật liệu, đồng thời tăng trung bình 3 – 5% mỗi năm. Tại các nước đang phát triển, lượng rác điện tử sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2011. Đến năm 2012 số điện thoại di động trên thế giới sẽ vượt ngưỡng 2 tỉ chiếc, trong khi tuổi đời sử dụng của chúng chỉ khoảng 2 năm. Như thế có thể thấy lượng rác thải sắp tới sẽ rất đáng kể.

Ảnh
Rác điện tử có giá trị hơn cả quặng vàng

Hiện có khoảng 75 - 85% rác điện tử được chôn trực tiếp xuống đất hoặc thiêu cháy ra tro. Ước tính có trên 60 triệu tấn rác điện tử cần phải được tái sử dụng, tái chế hoặc tiêu hủy vào năm 2013. Tỉ lệ tái chế có thể tăng tới 50% hoặc cao hơn trong năm 2013 hay không còn tùy thuộc vào sự can thiệp của chính phủ hoặc những hỗ trợ về kinh tế cho người dùng.

Cũng theo thống kê của UNEP, Mỹ là quốc gia xả rác nhiều nhất với hơn 3 triệu tấn rác thải điện tử trong năm nay. Ngoài ra, nước này còn là quốc gia sản xuất ra nhiều đồ phế thải điện tử nhất trong khi vẫn chưa hề phê chuẩn Công ước Basel, một thỏa thuận quốc tế quy định các đường hướng toàn cầu cho việc xử lí đồ phế thải điện tử.

Hơn cả... mỏ vàng

Theo các nhà quan sát, mặc dù các quốc gia phát triển là nơi thải ra nhiều rác thải điện tử nhưng những “món hàng” này nhanh chóng được chuyển hết qua các quốc gia đang phát triển hoặc những nước thuộc thế giới thứ ba. Tại nhiều nước, kinh doanh “rác thải điện tử” trở thành một ngành công nghiệp ăn nên làm ra và thậm chí trở thành một ngành kinh doanh phi pháp rất có lời.

Tại Châu Phi, do khả năng tự sản xuất sản phẩm công nghệ điện tử hạn chế nên châu lục này nhanh chóng trở thành điểm đến của rác thải điện tử. Tại nhiều nước Châu Á cũng có tình trạng tương tự như vậy. Với những công ty tái chế, họ có thể kiểm tra, phân loại lại từng sản phẩm để xem cái nào còn dùng được, cái nào không và tách riêng ra.

Ảnh
Mỗi năm có 40 triệu thiết bị điện tử trở thành rác thải

Theo Mary Tiong, Giám đốc Công ty Second Life chuyên về lắp ráp máy tính mới từ rác thải điện tử, từ 2005 đến nay Second Life đã gửi 35 container “rác thải” đến các cơ sở tái chế ở Kuala Lumpur và Penang (Malaysia). Mỗi container chứa khoảng 2.000 máy tính hoặc 800 - 1.000 màn hình. Tại đây, công nhân sẽ kiểm tra và sửa chữa linh kiện hỏng, thay vỏ màn hình mới. Sau khi được tái chế tại “nhà máy”, sản phẩm được làm mới sẽ đến với các nước đang phát triển như Indonesia, Argentina... và cả Việt Nam.

Ảnh
Rác thải điện tử đến các “nhà máy” tái chế để sửa chữa lắp ráp thành... những sản phẩm mới

Trong khi đó một số công ty khác lại nấu chảy rác thải điện tử để thu hồi các kim loại có bên trong đó. Theo tính toán của các chuyên gia, rác điện tử có giá trị hơn cả quặng vàng. Mỗi tấn phế thải linh kiện chứa lượng vàng nhiều gấp 17 lần so với một tấn quặng kim loại quý này và 40 lần so với đồng. Mỗi năm có 40 triệu thiết bị điện tử trở thành rác thải và cùng với chúng là một lượng lớn kim loại quý. Ví du, trong 41 điện thoại di động có một số lượng vàng tương đương lượng vàng trong 1 tấn quặng vàng.

Ngay cả các mỏ có tỉ trọng khai thác cao như mỏ Kalgold ở Nam Phi thì để lấy được 5 gr vàng, người ta phải đào bới, vận chuyển 1 tấn đất, đá. Trong khi đó, hãng tái chế Umicore tại Brussel (Bỉ) có hàng triệu tấm vi mạch máy tính và người ta có thể thu hồi được 250 gr vàng từ 1 tấn tấm vi mạch này, cao gấp 50 lần so với mỏ Kalgold.

Tại Việt Nam, khá nhiều công ty cũng đã nhập các laptop, rác linh kiện về rồi chỉnh sửa, lắp ráp, sơn phết lại thành những máy tính khá đẹp rồi tiếp tục tung ra thị trường bán. Người mua thường là các gia đình nghèo ở nông thôn hoặc sinh viên lên thành phố học không có nhiều tiền để mua các sản phẩm công nghệ tốt hơn. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng đến từng nhà để thu mua lại máy tính cũ với giá cao để tiếp tục tái sử dụng vào những hệ thống máy tính khác sau khi đã được tân trang lại.

Hiểm họa

Những ý kiến ủng hộ tái chế rác thải điện tử cho rằng việc tái chế rác thải điện tử tại các nước đang phát triển sẽ tạo việc làm, giảm khí thải có hại và thu hồi nhiều kim loại quý như bạc, vàng, đồng, indi. Tuy nhiên, ở những nơi tập trung rác thải điện tử sẽ bị nhiễm các chất độc hại như chì, thủy ngân và một số chất hóa học độc hại khác. Những chất độc này nhanh chóng theo nước, không khí... để xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra những hậu quả khó lường. Tại thành phố Guiyu (Trung Quốc) - nơi được coi là kinh đô của rác thải điện tử - tỉ lệ nhiễm chì trong máu của trẻ em lên tới 70%.

Ảnh
Kinh doanh rác thải điện tử trở thành một ngành công nghiệp

Theo mạng lưới Hành động Basel - một tổ chức tư nhân tập trung vào đình chỉ việc mua bán các hàng hóa độc hại, thì nhiều công ty xuất khẩu những chiếc xe đã lỗi thời, không dùng được nữa, và họ nhét đầy trong những chiếc xe này các máy điện toán không dùng được nữa. Tại các quốc gia phát triển, một số công ty giải quyết rác của họ bằng cách xuất khẩu qua các nước nghèo, nơi mà thay vì được xử lí hay tái chế biến, thì lại được chất đống trong các hố rác, và chất liệu độc hại thấm vào đất và nước.

Nhiều hành động “mờ ám” khác được tin là vẫn tiếp diễn trong quá trình tuồn rác qua các quốc gia thứ ba bất chấp các quy định cấm của Châu Âu, Hoa Kì, Nhật Bản... Rác thải điện tử vẫn sẽ là vấn đề nhức nhối cho những quốc gia xả rác và nhận rác trong nhiều năm nữa, một chuyên gia kinh tế Đức nhận định.

Ở những nơi tập trung rác thải điện tử sẽ bị nhiễm các chất độc hại như chì, thủy ngân và một số chất hóa học độc hại khác. Những chất độc này nhanh chóng theo nước, không khí... để xâm nhập vào cơ thể con người

Theo Thế giới @



Bình luận

  • TTCN (0)