Ông Nan Chen, chủ tịch MEF. Ảnh: NetEvents.

Nếu không có một điểm tựa vững chắc, mô hình điện toán đám mây sẽ chỉ là một giấc mơ đẹp vì thiếu khả thi. Công nghệ Carrier Ethernet được cho là điểm tựa đó.

Trên thế giới và cả ở Việt Nam, điện toán đám mây đang được nhắc đến như một xu thế tất yếu giúp các doanh nghiệp thoát khỏi gánh nặng hạ tầng và nhân lực CNTT, dễ dàng triển khai các hoạt động mới dựa trên tài nguyên điện toán được cung cấp thông qua Internet tùy theo nhu cầu. Nhưng một trong những điều mà nhiều người, đặc biệt ở Việt Nam, quan tâm là, liệu với hạ tầng mạng như hiện nay, mô hình điện toán mây có vận hành trơn tru hay không, hay có khi "mây rớt" và công việc kinh doanh trở nên tậm tịt?

Kết nối nhiều công nghệ mạng

Theo một số chuyên gia mà PC World Vietnam có dịp tiếp xúc tại Hội nghị các nhà phân tích và báo giới châu Á - Thái Bình Dương (APAC Press & Analyst Summit) do NetEvents tổ chức ở Malaysia đầu tháng 4/2011 với chủ đề "Tất cả trên mây", Carrier Ethernet chính là nhân tố cốt lõi cho việc hiện thực hóa mô hình điện toán đám mây.

Vậy Carrier Ethernet là gì? Đó là một công nghệ/dịch vụ Ethernet thế hệ mới do Diễn đàn Diễn đàn mạng Ethernet đô thị (Metro Ethernet Forum, viết tắt là MEF) xây dựng từ năm 2005, dành cho các nhà cung cấp dịch vụ (Carrier). Theo ông Nan Chen, Chủ tịch MEF, Carrier Ethernet phân biệt với công nghệ Ethernet truyền thống (dựa trên mạng LAN) qua 5 thuộc tính:

  1. Các dịch vụ được chuẩn hóa (Standardized Services)
  2. Khả năng mở rộng theo nhu cầu (Scalability)
  3. Độ tin cậy (Reliability)
  4. Chất lượng dịch vụ (Quality of Service)
  5. Quản lý dịch vụ từ nguồn đến đích (tạm dịch từ: End-to-end Service Management).

Với những thuộc tính này, Carrier Ethernet không còn chỉ dùng trong mạng LAN mà trở thành một chuẩn để kết nối các công nghệ truy cập khác nhau một cách dễ dàng, giúp tích hợp nhiều mạng (sử dụng công nghệ khác nhau) vào cùng một mạng lớn, giống như tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt giữa nhiều hòn đảo độc lập. Điều này mang đến cho các nhà cung cấp dịch vụ một cơ sở hạ tầng có năng lực mạnh mẽ trên cơ sở tận dụng hệ thống hạ tầng mạng có sẵn, giải quyết được tình trạng bùng nổ dữ liệu, dễ dàng phát triển và triển khai các dịch vụ mới với mức chi phí thấp. Carrier Ethernet do đó cũng trở thành công nghệ cốt lõi trong việc phát triển một cơ sở hạ tầng mạng hội tụ.

Ông Nan Chen cho biết, Carrier Ethernet là giải pháp khả thi duy nhất cho nhiều ứng dụng như mobile backhaul (kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ với các trạm thu phát và giữa các trạm này với nhau), các dịch vụ hợp nhất, dịch vụ kinh doanh liên tục…, mang đến những lợi ích hấp dẫn cho doanh nghiệp với chi phí giảm đáng kể.

Ảnh
Mô hình kết nối và ứng dụng Carrier Ethernet Ảnh: MEF.

Ông Craig Easley, Phó chủ tịch của Accedian Networks và là một thành viên của nhóm điều hành MEF, nêu ví dụ: Nếu một nhà cung cấp dịch vụ xây dựng một mạng Ethernet mới cho một số trạm thu phát, nó sẽ hoạt động tốt trong thời gian đầu. Sau đó, do nhu cầu mở rộng, họ thêm 50 hay 100 trạm vào mạng này - họ đã tạo ra một hạ tầng chuyển mạch phức tạp và rắc rối khiến mạng hoạt động mất ổn định và khó quản lý. Đó là lúc họ cần đến Carrier Ethernet.

Điểm tựa của điện toán đám mây

Mặc dù Carrier Ethernet là một cơ chế thích hợp cho phân phối nhiều loại dịch vụ, nhưng theo ông Rotem Salomonovitch, Giám đốc công nghệ của Trung tâm chuyển đổi IP thuộc Alcatel-Lucent châu Á - Thái Bình Dương, kiêm đồng Chủ tịch MEF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năng lực và tính linh hoạt lạ thường của Carrier Ethernet đặc biệt tốt đối với các dịch vụ đám mây, và do vậy, điện toán đám mây sẽ phụ thuộc nhiều vào Carrier Ethernet.

Điểm quan trọng nhất của Carrier Ethernet, cũng giống như chính các dịch vụ đám mây, là có thể cung cấp băng thông mở rộng hay thu hẹp tùy theo nhu cầu tức thời của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả cao với chi phí thấp, và đó cũng được coi là nhân tố chính khiến điện toán đám mây trở thành hiện thực.

Một bài viết gần đây trên trang Carrier Ethernet News cho rằng, nếu không có điều này, điện toán đám mây sẽ chỉ giậm chân ở mức khởi đầu, giống như mô hình nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng (Application Service Provider) 10 năm trước đây, và ý tưởng cung cấp tài nguyên điện toán nhiều ít tùy theo nhu cầu sẽ chỉ là một giấc mơ hão (pipe dream).

Những nhân tố quan trọng khác của điện toán đám mây như bảo mật, độ tin cậy, tính tương thích… cũng đều được Carrier Ethernet đáp ứng tốt. Vì vậy, trong vòng 3-4 năm qua, Carrier Ethernet đã được các doanh nghiệp trên thế giới chấp nhận rộng rãi. Theo dự báo của MEF, doanh thu của các dịch vụ Ethernet sẽ đạt 40 tỉ USD vào năm 2014. Ở Việt Nam, hãng Nokia Siemens Networks cũng đã giới thiệu giải pháp Carrier Ethernet với một số nhà mạng trong năm 2010.

Ông Nan Chen cho biết, MEF đã liên kết với các tổ chức như IEEE, IETF, ITU, BBF để xây dựng các chuẩn và đặc tả cho Carrier Ethernet. Một trong số đó là chuẩn ENNI (Ethernet External Network-to-network Interface), giúp kết nối trực tiếp 2 nhà cung cấp dịch vụ Carrier Ethernet, hoặc từng điểm trong 2 hệ thống dịch vụ đó.

Hiện tại, MEF đang thực hiện chương trình chứng nhận Carrier Ethernet đối với các thiết bị và dịch vụ đạt chuẩn Carrier Ethernet - đã có 125 công ty tham gia, hơn 925 thiết bị và dịch vụ trên toàn cầu được chứng nhận. Tháng 4/2011, MEF bắt đầu thực hiện chương trình cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên gia về Carrier Ethernet trên toàn cầu (tìm hiểu thêm tại EthernetAcademy.net).

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (2)
trịnh tùng anh  18

Bài viết dịch lại kiểu này đọc từ ngữ thấy chán quá, mà nội dung chẳng đi vào vấn đề cụ thể nào cả. Tác giả có clear vấn đề không đấy?

Hiếu Tròn  25905

Bài này của PCWVN, hình như không phải dịch mà bài phóng viên viết, tổng hợp. Về nội dung thì không dám bàn luận Big Grin