Khi định dạng nhạc MP3 ra đời thì cũng là lúc nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu đối diện với một thực trạng vẫn còn đang gây nhức nhối hiện nay, tình trạng truyền tải, chia sẻ nhạc bất hợp pháp.

Với tốc độ kết nối ngày càng nhanh hơn, những file MP3 chất lượng cao được truyền tải, chia sẻ dễ dàng hơn bất kỳ khi nào hết. Tuy nhiên, một xu hướng mới đang xuất hiện đã giúp làm giảm tình trạng này nhưng lại không thật sự giúp ích cho việc bán album CD hay nhạc số có bản quyền, đó là nghe nhạc miễn phí qua phương thức streaming (nghe nhạc với kết nối Internet mà không tải về máy) hoàn toàn hợp pháp đang có mặt trên rất nhiều website.

Những con số và thực trạng

Theo một thống kê mới nhất, người dùng đang nghe nhạc nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Trong năm 2010, trung bình, một người dành thời gian gần 20 giờ mỗi tuần để nghe nhạc, tăng hơn 1 giờ so với năm 2009. Tuy nhiên, điều này lại đi ngược lại với doanh số bán ra từ các sản phẩm âm nhạc khi chỉ có khoảng 50% người dùng chịu bỏ tiền ra mua nhạc, giảm từ con số 70% của năm 2006. Chỉ trong vòng 5 năm, ngành công nghiệp âm nhạc đã mất đến 200 triệu người mua. Ngay cả khi sử dụng những doanh số từ việc bán vé cho các show diễn và các hàng hóa ăn theo âm nhạc thì cũng chẳng bù đắp nổi con số thất thu này.

Khi công nghệ nhạc số ra đời, các chuyên gia đã dự định trước việc doanh số bán đĩa CD sẽ giảm vì người dùng sẽ có xu hướng xây dựng thư viện nhạc số ngay trên máy tính cá nhân hay các thiết bị nghe nhạc cầm tay, nhưng điều họ đã không định được trước là doanh thu từ việc bán nhạc số chẳng tương ứng với con số sụt giảm của việc bán album CD. Từ lâu, việc chia sẻ nhạc bất hợp pháp luôn là lý do chính được nhắc đến để giải thích cho việc này nhưng giờ đây, những dịch vụ như Pandora, Spotify, MySpace hay thậm chí là YouTube lại trở nên “đáng sợ” hơn khi chúng cho phép người dùng nghe streaming miễn phí, lại hoàn toàn hợp pháp. Người dùng đang có quá nhiều tùy chọn nghe nhạc miễn phí và họ đang tận dụng điều đó.

Một thế giới miễn phí “đáng sợ”

Các công ty thu âm vẫn thu được lợi nhuận từ các dịch vụ streaming nhạc miễn phí đến người dùng đó, nhưng đây không hẳn là doanh thu thực sự từ việc bán các bản nhạc. Không những vậy, doanh thu thu được từ điều này có thể xem là cực thấp. Theo tiết lộ của một công ty nghiên cứu thị trường có tên BigChampagne, với mỗi một bản nhạc được streaming đến người dùng, công ty thu âm chỉ sẽ được hưởng khoảng 0,0001 USD. Nếu so với giá 0,99 USD thường thấy thì đây là con số chẳng đáng là bao và để thu được lợi nhuận bằng với 1 lần bán, họ cần đến 1.000 người nghe.

Và mặc dù người dùng đang có xu hướng sử dụng nhiều các dịch vụ streaming nhạc nhưng họ cũng chẳng mặn mà mấy với những tiện ích cao cấp hơn nhưng tốn phí. Các dịch vụ streaming nhạc đều cung cấp một dịch vụ tốt hơn như không quảng cáo, nhiều tính năng hơn… nhưng người dùng cần phải trả một chi phí hàng tháng. Họ vẫn mặc nhiên chấp nhận xem quảng cáo xuất hiển nhan nhản trong khi streaming nhạc và sử dụng những tính năng cơ bản. Tuy nhiên, rõ ràng, dù có trả thêm phí hay không thì mục đích nghe nhạc của họ cũng đã được đáp ứng và đây cũng là mục đích cuối cùng của họ khi vào những trang streaming nhạc. Một thống kê gần đây cho thấy, chỉ có 5% người dùng các dịch vụ streaming nhạc toàn cầu trả phí để nâng cao tính năng sử dụng cho mình. Con số này đã không tăng lên, dù một ít trong suốt vài năm gần đây. Một số chuyên gia đã phải lên tiếng rằng, trong trường hợp này, các nhà cung cấp dịch vụ streaming lẫn các công ty thu âm cần hợp tác với nhau để đòi hỏi hơn nữa từ người tiêu dùng. Họ không nên tỏ ra hào phóng mà cần đòi hỏi để được trả xứng đáng với những gì họ mang đến với người tiêu dùng.

Tình trạng miễn phí “đáng sợ” như vậy lại không diễn ra đối với các nhà làm phim tại Holywood. Với mỗi bộ phim mới được bán ra thị trường sau một thời gian công chiếu tại rạp, người dùng có thể sở hữu phiên bản độ nét cao dưới định dạng đĩa Blu-ray với giá 75 USD, hay 14 USD cho phiên bản DVD hay chỉ 4 USD cho các dịch vụ truyền tải qua mạng Internet để xem một lần. Tuyệt nhiên, không hề có phiên bản “miễn phí” được cung cấp từ bất kỳ dịch vụ nào. Nếu có, chắc chắn đó là dịch vụ phạm pháp. Đây là hình mẫu mà các chuyên gia cho rằng các công ty thu âm nên noi theo. Tuy nhiên, một vài ý kiến khác cho rằng điều này không dễ áp dụng cho nền công nghiệp âm nhạc. Người dùng tuy đã quá quen với việc trả tiền để xem phim dưới nhiều hình thức nhưng phần lớn trong số họ lại chẳng mấy cảm thấy đáng trả tiền để chỉ nghe nhạc streaming mà hoàn toàn không sở hữu bản nhạc đó.

Hầu hết kiểu mẫu kinh doanh âm nhạc hiện nay từ bán CD truyền thống cho đến các dịch vụ streaming có phí đều không thực sự hứa hẹn một tương lai sáng lạng cho nên công nghiệp âm nhạc. Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm kết. Một loạt các công ty mới được hình thành, hứa hẹn sẽ mang lại những kiểu mẫu kinh doanh âm nhạc mới. Và lời giải không còn nằm ở đáp ứng cho nhu cầu nghe nhạc của người dùng nữa mà làm sao để họ chịu chi nhiều hơn cho việc giải trí với âm nhạc của mình.

Theo Tạp chí Khám Phá Mobile Review (số 51, ra ngày 10/4/2011)



Bình luận

  • TTCN (0)