Ông Jan Wassenius, TGĐ Ericsson Việt Nam cho rằng thế giới sẽ trở thành “Xã hội kết kối” trong tương lai. Xu thế này chắc chắn sẽ diễn ra tại Việt Nam nơi Chính phủ đặt ra những chiến lược ưu tiên và quyết tâm trong lĩnh vực CNTT–TT.

TGĐ Ericsson Việt Nam cho rằng, xã hội kết nối là bước phát triển kế tiếp của thời đại xã hội thông tin hiện nay. Trong xã hội kết nối, tất cả những yếu tố vốn hiện tại hưởng lợi ích từ kết nối sẽ trực tiếp kết nối với nhau tạo nên số lượng 50 tỉ kết nối vào năm 2020. Năm 2020 là thời điểm mục tiêu trong Đề án “Đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT-TT” và Ericsson dự đoán năm 2020 sẽ là “Xã hội kết nối” với 50 tỉ kết nối trên toàn thế giới.

“Chúng ta thấy rõ những lợi ích mang lại khi sự vật, con người được kết nối một cách thông minh. Nếu một người được kết nối, cuộc sống của người đó sẽ thay đổi; khi vạn vật được kết nối, thế giới sẽ chuyển biến. Đó chính nền tảng cơ bản của xã hội kết nối", ông Jan Wassenius nói.

Theo ông Jan Wassenius, 3 yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của xã hội kết nối là di động, băng rộng và điện toán đám mây. Mỗi nhân tố này mang tới những tác động tới xã hội và con người ở các phương diện khác nhau như: Di động mang lại sự tự do về khoảng cách địa lý; Băng rộng tạo ra sức mạnh để có được mọi thông tin và điện toán đám mây mang lại sự độc lập về nội dung thông tin và các loại thiết bị. Các ứng dụng di động cũng tạo nên những ảnh hưởng lớn làm thay đổi quan niệm về trải nghiệm Internet bởi nó sẽ tạo nên những nguồn thu nhập mới đồng thời tạo nên tính cá nhân và tiện ích rất thiết thực với người sử dụng.

Sự hình thành và phát triển của xã hội kết nối đặt ra yêu cầu quan trọng về chất lượng mạng viễn thông bởi mọi sự tương tác trong lĩnh vực kinh doanh, trao đổi, quan hệ xã hội đều được thực hiện trên cơ sở mạng viễn thông. Tới năm 2016, lưu lượng dữ liệu trên các mạng di động sẽ tăng lên 25 lần so với hiện tại, sự phổ biến của dòng diện thoại thông minh (smartphone) và các ứng dụng di động ngày càng phát triển mang lại cơ hội cho các nhà khai thác viễn thông tạo ra những nguồn thu nhập mới và những chuyển biến trong xã hội và đối với các ngành công nghiệp khác.

Ông Jan cho biết: “Ngay từ năm 2010, tại Việt Nam, Ericsson đã thể hiện vai trò tiên phong của mình trong việc hiện thực hóa xu thế xã hội kết nối bằng cách tìm kiếm sự hợp tác với các ngành khác ngoài ngành viễn thông, khởi động từ ngành y tế. Ngành viễn thông tạo ra khả năng cung cấp các giải pháp cho các vấn đề trọng yếu của thế giới bao gồm cả y tế, giáo dục và khí thải CO2 đối với môi trường. Chúng tôi cung cấp công cụ để nâng cao hiệu quả, thúc đẩy sự sáng tạo và những sáng kiến.” Những thành công của Ericsson trong các dự án chăm sóc sức khỏe từ xa tại Croatia, Cộng Hòa Síp cho thấy rõ công nghệ đã mang đến dịch vụ y tế những hiệu quả cao, thông minh, vượt qua những trở ngại vốn có về địa lý và hoàn toàn có thể triển khai ở Việt Nam.

Trong nỗ lực hiện thực hóa xã hội kết nối, Ericsson tích cực trong vai trò tiên phong tạo nên những chuyển biến có tính đột phá. Ericsson và Akamai đã hình thành liên minh nhằm phát triển các giải pháp cung cấp cho thị trường ngày càng lớn về nội dung và ứng dụng trên thiết bị di động. Đây là liên minh mang tính chiến lược giữa một công ty hàng đầu về mạng di động với một công ty hàng đầu thế giới về cung cấp về các dịch vụ nội dung cho Internet.

Ericsson tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu về công nghệ của mình khi cung cấp công nghệ LTE cho 5 trong số 10 nhà khai thác mạng hàng đầu thế giới. Hiện tại công nghệ LTE của Ericsson cung cấp truy cập cho 100 triệu thuê bao trong tổng số 150 triệu thuê bao truy cập công nghệ LTE. Trong năm đầu tiên LTE được thương mại hóa, Ericsson đã triển khai 17 mạng LTE ở tại 12 quốc gia.

Theo ICTnews.



Bình luận

  • TTCN (0)