Một công ty bị cáo buộc vi phảm bản quyền
Mọi việc bắt đầu từ bài báo của tác giả Lan Ngọc báo Thanh Niên. Theo đó thì NXB Văn hóa thông tin đã yêu cầu hai công ty sở hữu trang web songhuong.com.vn và sahara.com.vn gỡ bỏ một loạt các tác phẩm văn học đăng trên những trang web này. Sau khi nhận được công văn, công ty Tân Trí Tuấn (chủ sở hữu sahara.com.vn) chỉ gỡ bỏ duy nhất cuốn "Thiên thân và Ác quỷ". Bà Lê Bích Hạnh, đại diện NXB rất bức xúc : "Vẫn còn rất nhiều tác phẩm của Nxb Văn hóa Thông tin trên thư viện Sahara.com.vn mà Công ty Tân Trí Tuấn chưa tháo dỡ, mà chúng tôi cũng chưa thống kê hết. Nếu không đề nghị Sahara.com.vn tháo dỡ các tác phẩm NXB đã mua bản quyền thì chính NXB sẽ lại bị khởi kiện từ tác giả - người đã chuyển nhượng bản quyền. Mà như vậy NXB sẽ chịu thiệt hại kinh tế rất nặng nề, nhất là khi bị tác giả nước ngoài khiếu kiện !"
Sau đó, ông Nguyễn Văn Minh Tuấn có gửi thư cho báo Thanh Niên để giải thích lí do ra đời "thư viện online" này. Ông cho rằng thư viện đã giúp các tác giả quảng bá tác phẩm của mình đến đông đảo người đọc, để độc giả có thêm cơ hội biết đến mà chọn mua. Ông Nguyễn Văn Minh Tuấn cũng khẳng định điều này không vi phạm bản quyền vì "nếu tác giả không đồng ý, chúng tôi sẽ gỡ xuống", đồng thời khẳng định đã liên hệ xin phép các tác giả Chu Lai, Võ Thị Hảo.
Tuy nhiên, khi tác giả Lan Ngọc đi xác minh thì không phải như vậy. Nhà văn Chu Lai không hề nhận được thông tin nào từ công ty Tân Trí Tuấn, và ông nói ông cũng không cần công ty này "quảng cáo" cho mình. Nhà văn Võ Thị Hảo thì gay gắt: "Tối 5/11 họ có gọi điện đến bảo đã đăng tác phẩm lên mạng và hỏi tôi có đồng ý hay không. Tôi phản đối và yêu cầu họ xin lỗi. Tại sao họ đi ăn cắp mà lại còn nói rằng các tác giả có nhu cầu bản quyền xin liên hệ !"
Phản hồi : "chúng tôi không ăn cắp"
Sau khi bài báo được đăng trên Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Minh Tuấn đã có phản hồi trên sahara.com.vn, cho rằng công ty không có lỗi, công ty đã giúp các học sinh, sinh viên có tài liệu học tập. Ông Tuấn cho rằng Internet được phát triển với tinh thần miễn phí, ai cũng được quyền sử dụng để phục vụ việc học tập, vui chơi, giải trí.
Về vấn đề vi phạm bản quyền, ông Tuấn giải thích Sahara không đăng toàn bộ tác phẩm, ngoài ra có ghi rõ tên tác giả, người dịch, nhà xuất bản nên không hề vi phạm bản quyền, mà chỉ "sao chép tác phẩm mà chưa xin phép tác giả" (điều 28 Luật sở hữu trí tuệ). Công ty cũng thực hiện đúng điều 211 là "chấm dứt hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó".
Tiếp đó, ông Tuấn chê trách tác giả Lan Ngọc, và cho rằng vấn đề tuân thủ bản quyền cần được thực hiện từ từ. Nếu tuân thủ bản quyền ngay thì các doanh nghiệp nhỏ sẽ không có phần mềm sử dụng, các cơ quan hành chính không thể làm việc, học sinh sinh viên không thể học tập...
Bình luận
Vấn đề vi phạm bản quyền tràn lan hiện nay là không thể chối cãi, nhưng không phải vì thế mà không tuân thủ nghiêm túc luật bản quyền. Nhất là những công ty làm trong ngành xuất bản cần phải hiểu rõ điều đó. Nếu các tác giả muốn sản phẩm của mình được phân phối miễn phí cho người đọc, họ đã làm điều đó. Việc tự tiện phân phối sản phẩm trí tuệ của người khác là vi phạm bản quyền. Tác giả trẻ Trần Thu Trang có làm trang web sachcuatrang.com để giới thiệu các tác phẩm của mình, nhưng trên đó không hề đăng các tác phẩm mà chỉ có 1 - 2 trang trích đoạn.
Rất nhiều website nhỏ khác cũng đăng lại các tác phẩm, nhưng luật pháp chưa thể với đến những website như vậy. Vấn đề này thuộc về nhận thức, và sẽ được dần dần thay đổi.
Hải Nam.
Bình luận
Vừa mới phát hiện ra sahara này vẫn thường xuyên tặng sách cho bạn đọc hàng tuần trên VnExpress, mặc dù mỗi tuần chỉ tặng có 10 cuốn. Không biết tiền tặng sách với tiền trả cho VNE cái nào nhiều hơn