Trò chơi trực tuyến vẫn được đánh giá là một dịch vụ nội dung Internet đắt khách tại Việt Nam trong những năm tới.

Các thuê bao Internet của Việt Nam sắp tới sẽ được phục vụ nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn và có thể sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho Internet cùng các dịch vụ trên nền Internet.

Đó là hệ quả của việc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trong nước đang đẩy mạnh hơn hoạt động phát triển nội dung và các dịch vụ gia tăng trên hệ thống mạng của họ. Lý do chính của sự chuyển hướng của các ISP là lợi nhuận từ các dịch vụ truy cập Internet đang giảm nhanh mặc dù lượng thuê bao vẫn tăng.

Thuê bao tăng nhưng lợi nhuận giảm

Năm 2007, thuê bao Internet băng rộng ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng chóng mặt, gấp hai lần so với năm ngoái. Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) dự kiến sẽ có 460 - 500 ngàn thuê bao Internet băng rộng mới trong năm 2007, nâng tổng số thuê bao của VDC lên tới 760 ngàn, chiếm khoảng 54% thị phần Internet cả nước.

Tốc độ phát triển thuê bao Internet băng rộng của FPT Telecom năm nay cũng tăng ấn tượng 80%, thêm 130 ngàn thuê bao mới, đưa tổng số thuê bao Internet lên 300 ngàn đến thời điểm này và trở thành ISP đứng thứ hai về thị phần với 17,2%.

Trong 11 tháng đầu năm 2007, Viettel đã tăng thêm 120 ngàn thuê bao Internet băng rộng mới, nhiều hơn tổng số thuê bao ISP này có được kể từ khi mở dịch vụ Internet từ năm 2002 đến hết năm 2006. Viettel hiện có 230 ngàn thuê bao Internet, dự kiến sẽ đạt 250 ngàn thuê bao vào cuối năm nay.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Internet của EVN Telecom cho biết thuê bao Internet băng rộng của ISP này năm nay tăng khoảng 80%, hiện có khoảng 60 ngàn thuê bao.

Theo các ISP, với quy mô thị trường hiện nay thì vẫn khoảng trống lớn cho các ISP phát triển thuê bao. Cộng tổng tất cả các ISP hiện mới có khoảng 5 triệu đường dây cung cấp dịch vụ Internet băng rộng. Nếu tính trung bình mỗi hộ gia đình có 3 người trên tổng số dân hơn 80 triệu người, như vậy thì Việt Nam cần khoảng 25 triệu đường dây cung cấp dịch vụ Internet băng rộng.

Khoảng trống cho các ISP phát triển dịch vụ truy cập còn rất nhiều, nhưng các ISP đều thừa nhận thực tế là lợi nhuận từ cung cấp dịch vụ kết nối Internet ngày càng giảm do giá cước dịch vụ kết nối ngày càng rẻ và giảm nhanh. Vào năm 2003, mỗi thuê bao phải chi tới khoảng một triệu đồng để có gói cước Internet băng rộng, hiện nay chỉ còn 20 ngàn đồng là có thể sử dụng dịch vụ ADSL, sau đó tính cước theo dung lượng sử dụng.

Ông Trần Việt Hưng, Phó giám đốc VDC cho biết doanh thu trung bình trên thuê bao của VDC năm nay ước chỉ đạt 120 ngàn đồng và dự kiến sẽ giảm xuống còn 90 ngàn đồng vào năm tới. Không chỉ có VDC, các ISP khác cũng đang ở tình trạng tương tự. Doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao Internet băng rộng của FPT Telecom và EVN Telecom xấp xỉ 200 ngàn đồng.

Trong khi đó, một ISP cho biết nhà cung cấp dịch vụ phải chi trung bình khoảng 250 ngàn đồng cho mỗi thuê bao Internet băng rộng, trong đó khoảng 30% là chi phí băng thông quốc tế, 40% là chi phí hạ tầng truyền dẫn, còn lại là chi phí thiết bị. Vì vậy, “tương lai của các ISP là phải cung cấp song hành cả hạ tầng và nội dung, càng nhiều nội dung càng tốt”, ông Trần Việt Hưng nói.

Thèm muốn “miếng bánh” nội dung

Ông Trần Việt Hưng cho biết VDC đang đàm phán với Google, Yahoo! và Microsoft về việc hợp tác đưa các dịch vụ của các doanh nghiệp này vào Việt Nam. Dự kiến, đầu năm tới VDC sẽ công bố chính thức kết quả hợp tác. Hình thức hợp tác cụ thể, theo ông Hưng, có thể VDC sẽ kết nối trực tiếp vào hệ thống của các doanh nghiệp này và cung cấp lại một số dịch vụ của họ tại Việt Nam.

“Với hình thức hợp tác này, khách hàng của VDC sẽ có thể kết nối vào cổng thông tin của Google, Yahoo!, và Microsoft nhanh hơn và có thể sử dụng nhiều dịch vụ cao cấp mà các doanh nghiệp này chưa đưa vào Việt Nam”, ông Hưng nói.

Không thể chậm chân trong cuộc đua tới nội dung, ông Trần Viết Nguyên cho biết tháng trước EVN Telecom đã đàm phán với Google. Hiện nay, cả EVN Telecom và Google đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý và kỹ thuật để kết nối trực tiếp vào đại gia tìm kiếm này. Cũng theo ông Nguyên, khoảng 15% thông lượng đi quốc tế của EVN Telecom hiện nay là kết nối đến Google. Vì vậy, nếu có thể kết nối trực tiếp, không phải đi đường vòng qua các cổng ngõ Internet thì các khách hàng của EVN Telecom sẽ truy nhập nhanh hơn khi kết nối vào Google.

Ngoài ra, ông Nguyên còn cho biết EVN Telecom cũng đang đàm phán với một doanh nghiệp về trò chơi trực tuyến, âm nhạc và hội nghị truyền hình. Nếu khả thi thì đầu năm 2008, EVN Telecom sẽ ra mắt các dịch vụ nội dung này.

Khác với xu hướng của EVN Telecom và VDC là hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, FPT Telecom hướng tới cung cấp đa dịch vụ trên một kết nối. Theo ông Trương Đình Anh, Giám đốc FPT Telecom, nhà cung cấp này không tập trung phát triển ADSL mà sẽ kéo cáp quang đến từng thuê bao với tốc độ tối thiểu là 50 MB, cho phép các khách hàng có thể sử dụng tất cả các dịch vụ gia tăng mà FPT Telecom cung cấp.

Hiện nay, FPT Telecom đang cung cấp hai dịch vụ là ADSL và truyền hình cáp, sắp tới sẽ mở thêm nhiều dịch vụ nữa. Ngoài các dịch vụ trò chơi trực tuyến và nhạc chuông đang cung cấp, FPT Telecom đang định hướng cung cấp các dịch vụ mạng xã hội, cổng thông tin, xem phim theo yêu cầu, dịch vụ giải trí gia đình và đặc biệt là dịch vụ passport. Theo ông Trương Đình Anh, passport là dịch vụ định danh trên mạng, cho phép người dùng Internet có thể sử dụng chung một mật khẩu (password) và tên người dùng (user name) cho nhiều loại dịch vụ từ thư điện tử, trò chơi trực tuyến, thậm chí có thể mua sắm trên mạng nếu bạn nạp tiền vào tài khoản passport.

Mục tiêu của FPT Telecom, theo ông Trương Đình Anh, là trong vài năm tới, doanh thu từ các dịch vụ gia tăng và nội dung của FPT Telecom sẽ đạt khoảng 20-30 USD/thuê bao, gấp khoảng 3 lần so với doanh thu thuần từ cước kết nối Internet.

Đỗ Duy (ICTnews)




Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

"15% thông lượng đi quốc tế là kết nối đến Google" ! Chắc toàn search gì đó với xem youtube. Tương lai clip.vn rất là sáng sủa.