Việt Nam ta có câu “thất bại là mẹ thành công”, tuy nhiên, trong thế giới công nghệ thì không ai muốn có những thành công từ thất bại cả.

Các ông lớn trong nghành sản xuất điện thoại đang triệt để sử dụng lại các “tuyệt chiêu” của đối thủ với phương châm: “thành công đẻ ra thành công”.

Ăn cỗ đi… sau

Thông thường, theo quan điểm chung, nếu một hãng bước đi tiên phong một mình trong một lĩnh vực nào đó mới mẻ và hấp dẫn thì thường gặt hái được một số thành công nhất định. Tuy thế, sau khi thống kê lại hàng loạt sự kiện có liên quan đến những sản phẩm mobile và máy tính hàng đầu hiện nay trên thế giới, các chuyên gia nhận thấy rằng, phần lớn kẻ đi tiên phong thường đón nhận nhiều thất bại và thất bại thường đi kèm với những tổn thất khủng khiếp về tiền bạc cũng như về nhân sự.

Năm 1993, hãng IBM phát hành chiếc điện thoại smartphone đầu tiên trên thế giới với tên gọi Simon. Không giống như một chiếc điện thoại bình thường thời đó, Simon có các tính năng lịch, sổ tay, danh bạ, đồng hồ, máy tính, tính năng e-mail, gửi-nhận fax và game. Thêm vào đó, dòng máy này không dùng bàn phím mà thay vào đó là một bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng của điện thoại.

Tuy nhiên, kết cuộc, Simon là một trong những thất bại lớn của IBM khiến hãng này từ bỏ hẳn ý định tham gia vào thị trường điện thoại. Tương tự như thế, năm 2001, Microsoft công bố chiếc máy tính bảng đầu tiên. Máy chạy trên hệ điều hành Microsoft Windows XP, sử dụng màn hình cảm ứng với khả năng tương tác thực tế với người sử dụng. Tuy thế, do cấu hình máy không mạnh và một số hạn chế về giao diện đồ họa cũng như độ phân giải của màn hình thấp, chẳng mấy chốc máy tính bảng của Microsoft đã chìm vào dĩ vãng.

Khi kẻ đi tiên phong luôn luôn gặp nhiều khó khăn lớn thì những người đi tiếp sau đó lại gặt hái những thành công rực rỡ. Nếu như điện thoại thông minh smartphone là thất bại lớn của IBM thì đó lại là cơ hội tăng thêm doanh thu cho các hãng hàng đầu hiện nay trên thế giới như Nokia, Palm, BlackBerry, … Năm 1996, Nokia giới thiệu chiếc Nokia 9000, dòng smartphone thế hệ thứ hai trên thế giới với những cải tiến đáng kể về tính năng, màn hình cũng như các thư viện phần mềm đồ sộ.

Nokia 9000 đã giúp tăng doanh số của Nokia lên ngùn ngụt. Chẳng bao lâu sau đó, một loạt series smartphone của Nokia được trình làng như Nokia 9210 (với màn hình màu và sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở), Nokia 9500 (cập nhật tính năng wifi), Nokia E90 (bổ sung tính năng GPS)… Với vị thế độc quyền của mình, Nokia đã bán smartphone với giá cao hơn 20-40% so với các loại smartphone hiện nay trên thế giới (quy đổi theo tỉ giá USD).

Trước một thị trường béo bở, các hãng khác cũng nhanh chóng nhảy vào cuộc. Năm 1997, Ericsson công bố chiếc điện thoại GS88 và giành được một ít thị phần từ tay Nokia nhờ giá của GS88 rẻ hơn. Từ năm 2000 trở đi là thời kì smartphone nở rộ như nấm mọc sau mưa. Năm 2000, Ericsson giới thiệu R380 – điện thoại đầu tiên sử dụng hệ điều hành Symbian. Năm 2001, Microsoft lấn sang smarphone với chiếc máy sử dụng hệ điều hành Windows CE Pocket PC – máy này có màn hình cảm ứng độ nét khá cao (so với mặt bằng lúc đó) và nhiều tính năng như một máy tính thực thụ.

Đầu năm 2002, Palm Treo ra đời với một cải tiến lớn. Sản phẩm sử dụng bàn phím QWERTY, hỗ trợ kết nối không dây, duyệt web, e-mail, … và có khả năng đồng bộ hóa với máy tính. Palm chính thức lên ngôi vương tại thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu. Giữa năm 2002, Ericsson giới thiệu P800 – smarphone đầu tiên tích hợp camera. Cuối năm 2002, BlackBerry nhảy vào cuộc và đến ngày cuối cùng của năm 2009 – số người sử dụng BlackBerry trên toàn thế giới là 32 triệu người, tính ra mỗi năm có 4,5 triệu người chuyển sang dùng điện thoại của hãng này…

Ra đời sau, nhưng nhờ việc thừa hưởng được kinh nghiệm của các bậc đàn anh, iPhone và Android đã nhanh chóng đạt được những thành tựu mà khiến cho chúng ngày nay trở thành những thành tố smartphone phổ biến nhất thế giới. Vì thế, theo các nhà phân tích, nếu “ăn cỗ” trong thế giới công nghệ, đặc biệt là smartphone, thì tốt nhất nên… đi sau.

Lội nước đi… cano

Nếu như việc cập nhật công nghệ của đối thủ cạnh tranh trong quá khứ thường đòi hỏi một thời gian rất lâu (như trường hợp của smarphone IBM, Nokia cách nhau đến 3 năm), thì ngày nay, ngay khi đối thủ có lãi từ sản phẩm của mình, chỉ khoảng vài tháng sau là sẽ có các sản phẩm cạnh tranh “tương tự” xuất hiện. Tháng 4 năm 2010, Apple giới thiệu iPad và trong 80 ngày đã bán được 3 triệu chiếc, khi Apple chưa kịp làm tiệc ăn mừng thì tháng 6-2010, HP Slate được giới thiệu, cấu hình mạnh hơn iPad và giá thì tương đương. Theo dự đoán của Doug Reid, chuyên gia phân tích thị trường của Thomas Weisel Partners, tổng doanh số thu được từ việc bán máy tính bảng của các hãng sẽ tăng mạnh trong 5 - 10 năm và có thể đạt 30 tỉ USD vào năm 2014.

Tháng 3-2011, Apple lại tung ra iPad 2 và lúc này thị trường đã đầy rẫy những máy tính bảng có cấu hình thậm chí còn mạnh hơn cả iPad 2. Trong “cánh rừng” này có thể kể đến các tên tuổi nổi bật như Lenovo (Trung Quốc) với Ideapad U1, Sony với Dash, Adam do công ty Ấn Độ Notion Ink sản xuất, máy tính bảng MeeGo 11,4” của công ty WeTab (Đức), MS Courrier một sản phẩm của Microsft sử dụng Windows 7, Samsung với Galaxy, Motorola với Xoom, BlackBerry với Playbook,… đã buộc Apple phải hạ giá iPad 2 xuống đến mức thấp hơn các đối thủ để có được lợi thế cạnh tranh (nhưng bù lại doanh thu sẽ giảm vì không thể bán với giá cao như trong quá khứ).

Kết luận

Theo các chuyên gia, do sự phát triển công nghệ ngày nay đã tiến đến mức nhanh hơn “tên lửa” và việc chuyên môn hóa sản xuất theo từng vùng miền nên các sản phẩm công nghệ thời bây giờ là một tập hợp link kiện đến từ nhiều công ty khác nhau. Vì thế - nếu đối thủ có cái gì thì chắc chắn địch thủ cũng có cái đó nên sự thành công của một công ty sẽ nhanh chóng bị những công ty khác lấy mất nếu không có “sở trường” của riêng mình. Với Apple thì đó chính là hệ điều hành iOS, với Samsung thì là cả hệ thống thiết kế tinh tế, Nokia thì tập trung vào thị trường bình dân,…

Tuy thế, xu thế chủ đạo vẫn là “đánh nhanh, rút gọn”, một chuyên gia nhận định.

Theo Khám Phá Mobile Review số 52



Bình luận

  • TTCN (0)