Mới đây, Google thông báo một sự kiện mà có thể các đối thủ sẽ phải tức điên, đó là – lượng người xem video trên YouTube mỗi ngày lên tới 3 tỉ người, tức chiếm gần ½ dân số loài người và gấp 3 lần lượng người xem mạng xã hội Facebook trong cùng thời gian. Youtube – theo thông lệ, là miễn phí. Tuy thế, Youtube có cho không?

Yêu cầu khổng lồ

Triết học Hi Lạp có một câu rất hay, đó là “anh không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” để chỉ ra rằng, sự thay đổi liên tục vô cùng tận của dòng nước khiến cho dòng nước luôn luôn thay đổi và nước của thời khắc này sẽ khác với nước ở thời khắc ngay sau đó ở cùng một địa điểm. Vào lúc này, nước đó sẽ ở đầu nguồn sông nhưng vào lúc khác, nước có thể đã ra tới hạ nguồn hoặc chảy tới biển khơi. Trước kia, có một nhà quan sát đã nhận định vui rằng, không thể thống kê được số clip trên Youtube với lý giải, chỉ trong một tích tắc, lượng clip mà Youtube sở hữu, lưu trữ sẽ lại tăng lên và mọi thống kê đều không bao giờ là đầy đủ.

Thực tế công bố của Google trong thời gian gần đây đã khẳng định thêm điều ấy, theo người phát ngôn Google, mỗi phút trôi qua lại có 48 giờ video được tải lên trang, gấp 2 lần cách đây 12 tháng và con số này tiếp tục tăng lên theo từng ngày. Về nguyên nhân của sự kiện này, theo một chuyên gia, giờ đây, khi điện thoại sở hữu tính năng quay phim với chất lượng cao ngày càng phổ biến thì bất kỳ ai cũng có thể tự mình thu được những thước phim mình thích hoặc có ý nghĩa. Và với những thước phim như vậy, họ chẳng có lý do gì không đem lên chia sẻ cho mọi người cùng xem. Youtube là một kênh lưu trữ và chia sẻ phim miễn phí, được đông đảo người dùng trên thế giới biết đến và quan tâm, tốc độ load rất nhanh – vì thế, đây sẽ là địa chỉ hàng đầu để mọi người đem upload các video của mình lên đó, vừa để lưu trữ, vừa để chia sẻ cùng mọi người.

Hãng tin Reuters cho rằng, với lượng clip khổng lồ như vậy, Google chắc chắn phải đầu tư một cơ sở lưu trữ khổng lồ cho toàn hệ thống này cùng với những đường băng thông "siêu khủng" thì mới có thể đáp ứng lại được hàng tỉ yêu cầu xem từ khắp nơi trên thế giới. “Nói một cách không ngoa rằng, lưu lượng băng thông mà Youtube đang phân phối mỗi ngày, thậm chí còn lớn hơn cả lưu lượng băng thông ở rất nhiều quốc gia trên thế giới”, một chuyên gia nhận định. Như thế, để có thể duy trì được trạng thái hoạt động ổn định của bộ máy Youtube, chắc chắn Google phải đầu tư một số tiền không hề nhỏ.

Thu lợi cực lớn

Youtube hoàn toàn miễn phí và bất kỳ ai ở bất kỳ nơi đâu cũng đều có khả năng đưa clip của mình lên trên này để chia sẻ cùng mọi người. “Vậy họ lấy tiền đâu ra để chăm lo cho cả hệ thống nếu như họ (Youtube) không thu phí bất kỳ khoản tiền nào từ người tiêu dùng” – nhiều câu hỏi được đặt ra trên các diễn đàn công nghệ vào thời gian trước đây.

Google có vẻ dường như muốn khiến mình lâm vào cảnh “bi đát” hơn khi, trong quá khứ, có lúc cũng “đấm ngực” ăn năn và tội nghiệp vì đã không kiếm được cắc bạc nào từ Youtube trong khi hàng ngày vẫn “è cổ” ra để cung cấp điện, cung cấp băng thông đường truyền, cung cấp nhân lực quản lý hệ thống, cung cấp mọi thứ hậu cần khác đễ Youtube làm việc ổn định…. Các “thừa nhận” trên đây, vào lúc đó đã được người tiêu dùng đồng cảm và chia sẻ tích cực.

Ảnh

“Tôi không nghĩ Youtube lỗ”, BusinessWeek đặt câu hỏi. Một hãng khôn ngoan như Google với khả năng xỏ mũi được hàng loạt anh lớn trước mình như Microsoft, Yahoo, Nokia… thì chẳng có lý do gì vung tiền tỉ vào trong Youtube để rồi ngồi kêu khóc lỗ lã. Youtube có được rất nhiều lợi thế kiếm tiền – thậm chí là còn tốt hơn cả Facebook, mạng xã hội được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới. Cái mà Youtube có được, ấy là các tác động trực quan và một khi Youtube muốn người sử dụng phải xem cái họ cần người ta xem, thì họ phải xem. Ngược lại, với các quảng cáo trên Facebook, trên Twitter hoặc thậm chí là trên Google Search, người sử dụng có thể dùng phần mềm để loại bỏ nó ra khỏi không gian lướt web của mình.

Thực tế đã chứng minh cho việc này. “Youtube ngày càng thu lợi nhiều từ quảng cáo và từ Youtube, Google phát minh ra một cách tính tiền quảng cáo mới – theo lượt xem”, PC Magazine lý giải. Nếu như với các công cụ quảng cáo text trước đây của mình, Google tính theo lượng click, theo đó – một link quảng cáo được click càng nhiều thì đối tác đăng quảng cáo ấy phải méo mặt móc bóp ra trả cho Google càng nhiều. Tuy thế, với Youtube, chính sách quảng cáo theo click có vẻ đã thất bại một cách thảm hại. Trong quá khứ, Google đã chèn các pop-up quảng cáo vào phía bên dưới các clip hot, nó đã bị người dùng nhấn xóa một cách không thương tiếc và không bao giờ mở xem các link trong các pop-up kia. Việc này khiến Google phải thay đổi chiến lược.

“Họ chèn quảng cáo vào trước video đông người xem”, một nhà phân tích khẳng định. Một khi ai đó muốn xem một clip hot thì việc đầu tiên là phải xem clip quảng cáo của Google. Như vậy, điều mà đối tác quảng cáo muốn – đó là tiếp cận với nhiều người sẽ được thực hiện một cách mĩ mãn và điều mà Google muốn – đó là thu được lợi lớn từ quảng cáo, cũng được thực hiện một cách triệt để. Một clip quảng cáo được xem càng nhiều thì Google có thu được nhiều tiền từ các phía đối tác. “Đó là điều khiến cho tại sao, Youtube sẵn sàng trả hàng trăm ngàn dollar cho những ai làm được các clip có hàng triệu người xem trong thời gian ngắn. Họ sẽ bù lại từ tiền quảng cáo thu từ các đối tác và con số trả lại cho người làm clip chắc chắn sẽ chẳng thấm là bao so với những gì họ thu được”, CNET kết luận.

Theo Thế Giới @



Bình luận

  • TTCN (0)