Lừa đảo trên điện thoại đang ngày càng trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ cơ hội. Theo thống kê mới nhất, Việt Nam có hơn 150 triệu tài khoản điện thoại và nếu như chỉ 1% trong số này mắc lừa, những kẻ tội phạm cũng có thể lấy được những con số khổng lồ.

Trong các phương pháp lừa đảo, sử dụng phần mềm là cách được kẻ gian “ưa chuộng” nhất. Với những phần mềm được tạo ra với mục đích xấu, ngay khi được cài vào điện thoại, nó sẽ gây ra những hậu quả không lường mà một trong những điểm nguy hại nhất là các phần mềm có thể gây hại cho chủ tài khoản bằng cách gửi đi hàng loạt tin nhắn vô tội vạ cho các số điện thoại có trong danh bạ hoặc các đầu số dịch vụ đã nói ở trên (với mức phí tin nhắn tối đa 15.000 đồng/tin).

Chị Nhung, nhân viên một văn phòng luật sư tại Quận 1 (TP.HCM) đến giờ vẫn không quên việc “khủng khiếp” xảy ra với tài khoản điện thoại của mình cách đây vài ngày. Một lần nhận được email lạ giới thiệu về một “game giải trí hay nhất cho điện thoại năm 2010” nên chị đã tò mò tải về và cài đặt, chơi thử. Tuy thế, chơi chưa được 5 phút thì Nhung tắt game đi và bỏ quên nó vì nội dung game khá nhàm chán. Sự việc tưởng chừng chỉ có vậy nhưng sáng hôm sau, chị hết hồn khi gần 1,5 triệu trong tài khoản đã hết sạch. Điện thoại lên tổng đài, chị được yêu cầu đến trung tâm giao dịch của nhà mạng để làm đơn giải trình.

Tại đây, chị nhận được bản kê khai chi tiết cho thấy điện thoại của chị liên tục gửi 100 tin nhắn cho một đầu số cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại với cước phí mỗi tin nhắn lên tới 15.000 đồng. Hiện chị Nhung đang làm thủ tục để đòi lại tiền vì trò lừa đảo này nhưng theo các chuyên gia, rất khó để đòi lại vì việc gửi tin nhắn thực hiện từ máy điện thoại của chị chứ không phải do tổng đài.

Tình cảnh của chị còn tương đối “dễ chịu” vì tiền chỉ mất trong tài khoản trả trước, khá nhiều người đã mất rất nhiều tiền oan ức vì dùng tài khoản trả sau và cuối tháng ôm một hóa đơn khổng lồ.

Theo S., thành viên diendangame cho hay, phần mềm lừa đảo trên điện thoại có khá nhiều loại nhưng phổ biến nhất vẫn là các trò chơi. Kẻ gian lên mạng, lấy code của những game cũ, chỉnh sửa lại một chút rồi đặt thêm tính năng tự động gửi tin nhắn đến đầu số đã được chọn vào trong game rồi đóng gói và phát tán bằng email spam. Nếu có ai vô tình cài đặt là coi như mất hết tiền trong tài khoản. Ngoài game, còn có khá nhiều phần mềm chức năng khác cũng có khả năng nhắn tin ngầm mà khổ chủ không biết và cách thức hoạt động của chúng cũng tương tự như với các game ở trên. “Các ứng dụng… lừa đảo này thường nhăm nhe gửi tin nhắn tự động vào ban đêm, thời điểm mà không ai đề phòng hoặc kiểm soát được điện thoại”, S. cho hay. Theo các chuyên gia an ninh mạng, những phần mềm kiểu như vậy nên được xem là một dạng virus kiểu mới.

Nhiều người thường cho rằng một số hệ điều hành điện thoại sẽ giúp ngăn được virus phần mềm, tuy thế - thực tế lại ngược hẳn vì không một điện thoại nào có thể thoát được virus, chỉ có khác là hệ điều hành này sẽ dễ bị nhiễm hoặc bị nhiễm nhiều hơn hệ điều hành khác. Nguyên nhân là do mức độ phổ biến của nó hơn là do độ an toàn của chính hệ điều hành ấy – một nhà quan sát nhận định. Mới đây nhất, trên thế giới lại tiếp tục rúng động vì một phần mềm lừa đảo chạy trên Android với khả năng tự động gửi tin nhắn hàng loạt đến các số máy trong danh bạ nạn nhân để… quảng cáo cho chính phần mềm virus ấy trong khi khiến chủ nhân méo mặt vì hóa đơn thanh toán cuối tháng.

Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, trên thị trường hiện tại, bên cạnh các phần mềm lừa đảo còn có các phần mềm đàng hoàng nhưng tích hợp tính năng nhắn tin để lấy tài khoản premium hoặc mua quyền sử dụng, trong quá trình sử dụng, nếu không để ý và nhấn nhằm, người dùng điện thoại cũng dễ dàng bị mất tiền oan cho những chương trình này.

Theo các chuyên gia, tấn công lừa đảo trên điện thoại ngày nay đã rất tinh vi và nguy hại hơn ngày xưa rất nhiều. Vì vậy, trong mọi tình huống, người sử dụng nên thận trọng tối đa. Trong trường hợp các phần mềm nghi ngờ là lừa đảo hoặc cài xong, sau khi chơi thử, người dùng nên loại bỏ nó ra điện thoại để tránh các bất trắc xảy ra. Nếu như nghi ngờ, hãy tắt điện thoại vào buổi tối nhằm ngăn tình trạng các ứng dụng lạ có thể nhân cơ hội để gửi tin nhắn ăn trộm tiền, một đại diện S-fone cho hay. Khi có thông báo yêu cầu cho gửi tin nhắn, nên đọc kỹ trước khi đồng ý hoặc nếu không hiểu thì nhấn phím màu đỏ (ngắt điện thoại) để tắt pop-up ấy đi.

Bên cạnh đó, khi cài một phần mềm thì người sử dụng cũng cần xem kỹ các điều khoản của nó trong thông báo trước lúc cài đặt. Một số phần mềm – nếu có nguồn gốc trong nước sẽ “đính kèm” những điều khoản nguy hại cho máy của chủ nhân và khi có bất trắc xảy ra, phần thua thiệt sẽ thuộc về người sử dụng vì đã không chịu bỏ ra một vài phút để đọc kỹ những gì cần phải đọc. Tuy thế, thì gần như không ai quan tâm để đọc những điều khoản sử dụng trước khi cài các phần mềm vì nó quá dài hoặc nó viết bằng tiếng Anh, vì vậy – người dùng nên cài chương trình tường lửa vào điện thoại để ngăn các phần mềm tự ý gửi tin nhắn mà không bị kiểm soát.

Theo Khám Phá Mobile Review số 53



Bình luận

  • TTCN (0)