Trong khi nhiều mặt hàng khác đang khó trong việc mời gọi người tiêu dùng mua sắm thì máy tính xách tay (MTXT) có vẻ như đang được mùa! Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), số lượng MTXT nhập khẩu trong quý 1/2011 đã tăng 23% so với quý 1/2010 và 140% so với quý 1/2009.

Nhiều hãng tăng lượng nhập khẩu

Quý 1 năm nay, các nhà phân phối sản phẩm CNTT trong nước đã nhập 202.940 chiếc MTXT với giá trị khoảng 90 triệu USD. Trong đó, tháng 1 là khoảng thời gian MTXT được nhập nhiều nhất - 80.200 máy. Lượng nhập tăng là do thời điểm dịp tết Nguyên đán, các nhà phân phối nhập hàng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối và đầu năm (đợt mua sắm lớn nhất giữa hai năm). Tháng 2, lượng hàng nhập khẩu giảm nhiều so với tháng trước, chỉ còn 44.400 chiếc. Nhưng bước sang tháng 3, lượng hàng nhập khẩu lại tăng vọt - 71.300 chiếc. Thông tin mới nhất cho biết, trong tuần đầu tháng 4, lượng nhập hàng MTXT là 14.600 chiếc, hứa hẹn lượng MTXT nhập khẩu của tháng 4 sẽ vượt qua con số 50.000 chiếc.

Ảnh
Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam (Savina).

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam (Savina) nhận định: “Nếu xét hiện nay thì thị phần của nhómsản phẩm MTXT của Samsung còn thấp so với các thương hiệu khác nhưng với chính sách tiếp thị, giá cả, thiết kế kiểu dáng, MTXT của Samsung sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay”. Đối chiếu với những sản phẩm cùng cấu hình trên thị trường, MTXT của Samsung có giá thấp hơn từ 1 - 2 triệu đồng. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh cho Samsung với các thương hiệu khác trên thị trường. Đồng thời, với MTXT Samsung, các nhà nhập khẩu cũng chú trọng nhập những mẫu có giá thấp (giá nhập khẩu dao động từ 300 - 500 USD) để đáp ứng nhu cầu mua sắm MTXT trong thời kinh tế khó khăn. Động thái này sẽ giúp MTXT thương hiệu Samsung tăng thị phần trong năm nay.

Dù số lượng chưa nhiều nhưng từ đầu năm tới nay, những chiếc MTXT hiệu Apple đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn do chính sách mở rộng kênh bán lẻ chính thức (có cả những cửa hàng “ăn theo”). Theo thống kê, trong quý 1, 1.545 chiếc MTXT hiệu Apple được nhập chính thức vào thị trường Việt Nam. Đây cũng là thương hiệu, với uy tín của mình, cùng với việc chuyển đổi hình thức kinh doanh sẽ “gây khó” cho nhóm sản phẩm MTXT cao cấp tại thị trường Việt Nam.

Đua để giành thị phần

Theo nhiều nhà nhập khẩu, dù sức mua sản phẩm CNTT từ đầu năm tới nay không đạt tỷ lệ tăng trưởng so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân của những năm trước nhưng riêng nhóm hàng MTXT vẫn có “đất” để tồn tại và phát triển. Có nhiều yếu tố để chứng minh nhận định trên là đúng.

Ảnh
Xu hướng MTXT thiết kế đẹp và phần cứng mạnh mẽ.

Trong khi nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng giá thì giá nhập khẩu MTXT lại giảm từ 5 - 10%/ chiếc so với hồi cuối năm ngoái. “Nếu tính tỷ lệ trượt giá giữa tiền đồng và USD, giá của nhóm sản phẩm MTXT ngang bằng với mức giá của năm ngoái. Còn xét mặt bằng giá chung hiện nay, giá MTXT vẫn được xem là giảm”, ông Nguyễn Cảnh Hiền (Bách khoa Computer, TP.HCM) nhận xét.

Khác với nhiều nhóm hàng khác vốn có nhiều “đẳng” sản phẩm tùy theo nguồn gốc sản xuất, nhóm hàng MTXT là địa hạt của những nhà sản xuất đã được thế giới chấp nhận. Nếu có sự khác biệt, chỉ là “tuổi đời” của các thương hiệu. Tính đến nay, thị trường Việt Nam đón nhận khoảng 20 thương hiệu có sản phẩm bày bán trên thị trường. Việc có nhiều hãng sản xuất tham gia thị trường, trong đó có những nhãn hiệu còn “non trẻ” như Nokia, Axioo, MSI đã làm mức cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.

Theo ông Hiền, được các hãng “bật đèn xanh”, ngoài việc “đua” về giá, các nhà phân phối, nhà bán lẻ còn có nhiều chương trình khuyến mại đi kèm: tặng phần mềm diệt virus, giảm giá khi đặt hàng qua mạng, tặng quà như điện thoại di động khi mua hàng, bốc thăm trúng thưởng Một yếu tố khác hỗ trợ cho nhóm hàng MTXT tăng trưởng là do giá giữa máy tính để bàn và giá MTXT không còn sai biệt lớn. Nếu mua một bộ máy tính để bàn có cùng cấu hình Core 2 Duo, người tiêu dùng chi từ 5 - 7 triệu đồng tùy theo lựa chọn thương hiệu và phụ kiện kèm theo. Nhưng với MTXT, có thể phải chi thêm 2 - 3 triệu đồng nhưng bù lại, tính di động của MTXT lại cao hơn, tiện lợi hơn trong sử dụng.

Dù thị trường MTXT Việt Nam có mức tăng trưởng cao hơn các thị trường khác trong khu vực nhưng những biến động trong kinh tế từ đầu năm tới nay đã làm người tiêu dùng dù không còn dè dặt khi mua sắm MTXT như những năm trước nhưng lượng hàng bán ra vẫn không như mong đợi. Một nhà phân phối (không nêu tên) tiết lộ, lượng hàng tồn (sau 3 tháng kể từ ngày tung hàng trên thị trường của một mẫu sản phẩm nào đó) của MTXT ước chừng khoảng 30%. Trong khi đó, một nhà phân phối khác cho rằng, với những khó khăn về tài chính hiện nay của nhà phân phối, cạnh tranh về công nghệ, mẫu mã thiết kế cũng như căn cứ vào sức mua trên thị trường mà “điều chỉnh số lượng hàng nhập theo từng đơn hàng, từng tháng”. Theo nguồn tin này, lượng hàng tồn hiện nay dưới 20%. Lượng hàng tồn này cũng là yếu tố để các nhà phân phối giảm giá để thu hồi vốn, gia tăng thị phần.

Dù có những khó khăn khách quan về phía thị trường nhưng với những nỗ lực từ nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà bán lẻ, kỳ vọng vào một năm thành công của nhóm hàng MTXT.

Xét theo số lượng nhập khẩu trong quý 1 năm nay, Acer và Dell đang chia nhau hai vị trí nhất và nhì tại thị trường MTXT Việt Nam. Theo thống kê của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong quý 1, Acer nhập khẩu 52.180 chiếc, chiếm 25,7% tổng lượng nhập khẩu trong quý (tăng 119,8% so với quý 1/2010), còn Dell nhập 39.385 chiếc (tăng 73,5%).

Lượng hàng MTXT nhập khẩu mang thương hiệu HP có giảm sút (27,6% so với quý 1/2010) nhưng vẫn xấp xỉ với lượng nhập khẩu của Dell, khi đạt con số 38.268 chiếc.

Sony với lượng nhập khẩu 12.457 chiếc nhưng tỷ lệ nhập khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2010. Tỷ lệ tăng trưởng của nhóm hàng MTXT cao nhất trong thời gian thuộc về Gateway với 1895,7% dù con số thực của thương hiệu này chỉ là 2.754 chiếc. Vừa có tốc độ tăng trưởng cao (268,4%, đứng sau Gateway) vừa có số lượng thực lớn - 11.852 máy, Samsung hứa hẹn sẽ có nhiều pha ngoạn mục trong phân khúc sản phẩm MTXT tại thị trường Việt Nam trong năm nay.

Theo Khám Phá Mobile Review số 54



Bình luận

  • TTCN (0)