TS. Trần Viết Huân

Xu hướng công nghệ năm 2011 có nhiều biến chuyển mới, vấn đề được nhắc đến và quan tâm nhiều nhất vẫn là điện toán đám mây, ứng dụng di động và máy tính bảng...

Xu hướng Điện toán đám mây

Theo báo cáo của TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vàcông nghệ CNTT–TT 2010 – 2011” tại TP. HCM, top 10 xu hướng công nghệ chiến lược cho năm 2011 gồm Điện toán đám mây (ĐTĐM), Ứng dụng di động (máy tính bảng... ), Phân tích thế hệ tiếp theo, Phân tích xã hội, Video, Tương tác tình huống, Điện toán phổ biến, Thẻ nhớ lưu trữ...

Trong đó, iPad trở thành cơn sốt và có thể nó sẽ thay thế Netbook vào một tương lai không xa. Hàng trăm nghìn ứng dụng mới đang trở thành trực tuyến và tương lai di động sẽ mở ra kỉ nguyên hậu máy tính.

Điện toán đám mây đang được chú ý nhiều hơn, và doanh nghiệp đang băn khoăn liệu dữ liệu nào sẽ đưa lên đám mây công cộng và dữ liệu nào sẽ đưa lên đám mây riêng.

Trong báo cáo về ĐTĐM của TS. Trần Viết Huân, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam, 60% giám đốc CNTT có kế hoạch sử dụng ĐTĐM tăng từ 33% cách đây 2 năm, 55% các lãnh đạo kinh doanh tin tưởng ĐTĐM cho phép chuyển đổi mô hình kinh doanh và các quy trình nhanh hơn, linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, ông Huân còn đưa ra các mẫu hình ứng dụng ĐTĐM: Cắt giám chi phí và độ phức tạp của CNTT thông qua trung tâm dữ liệu đám mây hóa; Tăng nhanh thời gian ra thị trường với các dịch vụ đám mây nền tảng; Sáng tạo ra các mô hình kinh doanh mới bằng cách trở thành các nhà cung cấp dịch vụ đám mây; Đạt được truy cập tức thời với kinh doanh và CNTT như là dịch vụ.

Công nghệ mở còn nhiều thách thức

“Để đem lại lợi ích nhiều hơn cho Chính phủ, thì công nghệ mở (CN mở) đang là hướng đi mới, mang lại giá trị phù hợp với chính phủ, điểm đặc biệt, mã nguồn mở không tốn phí bản quyền” ông Stephen Schmid, Tổng Giám đốc Hiệp hội Công nghệ mở nói.

Tuy nhiên, việc áp dụng mã nguồn mở đang là một thách thức. Cụ thể, trở ngại đối với lãnh đạo công nghệ thông tin, như họ vẫn chưa quen thuộc nhiều với mã nguồn mở, chưa ước đoán được giá trị của công nghệ mở, thêm vào đó, để thay đổi và thuyết phục lãnh đạo áp dụng mã nguồn mở không đơn giản.

Hệ thống nhúng cơ hội và thách thức

Ảnh
Ông Tân Quang Sang.

Phát triển hệ thống nhúng cho thiết bị di động cũng đang là một xu hướng mới về công nghệ và nó vẫn xen lẫn nhiều cơ hội và thách thức.

Năm 2009 và 2010 chứng kiến sự ra đời ồ ạt của các thiết bị để bàn cầm tay: Smartphone, MID, Máy tính bảng, E–reader, Khung ảnh số, Smart TV, Netbook v. v… khiến bộ xử lí cho hệ thống nhúng được sản xuất nhiều hơn. Xu hướng mới này đòi hỏi các thiết bị nhúng phải đáp ứng nhiều đặc tính: Thông minh hơn, nhiều chức năng, khả năng kết nối mạnh, tính tương tác cao.

Theo ông Tân Quang Sang, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty IVC, hiện nay ở Việt Nam có 18 DN CNTT phát triển nhúng.

Loại ứng dụng chủ yếu là viễn thông (90%), đối với cấp độ ứng dụng chủ yếu phát triển ứng dụng cho điện thoại di động, một số phát triển library, kernel. Hệ điều hành: iOS, Windows Phone, Embedded Linux, Android, Symbian, VxWork. Nhân lực: 645/2.356 kĩ sư. Trong đó, 90% là tự đào tạo, 2 DN theo chuẩn quốc tế.

Mặc dù vậy, DN Việt vẫn còn quá nhiều thách thức ở lĩnh vực này, hiên nay còn phát triển nhỏ lẻ, chưa có chính sách cụ thể cho nhúng, chưa có công đồng cho phát triển công nghệ, thiếu nguồn nhân lực.

Chính vì vậy, đòi hỏi các công ty công nghệ phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, chọn hướng phát triển phù hợp. Cần thành lập cộng đồng về nhúng. Chính phủ nên có chính sách khuyến khích các DN phát triển ở các tầng mang giá trị cao. Cơ sở giáo dục cần đào tạo nhúng một cách có hệ thống trong các trường/viện đại học, nhất là các nền tảng mã nguồn mở.

Nhìn chung, những cơ hội, thách thức mới của những công nghệ này sẽ phần nào giúp cho bức tranh chung về công nghệ trong tương lai sẽ tươi sáng hơn.

Theo PC World VN



Bình luận

  • TTCN (0)