Theo giới phân tích, nếu một mạng di động mới được cấp phép thì sự phát triển của mạng này chỉ còn trên lý thuyết. "Thời vàng son" của thị trường di động còn lại không nhiều.

Theo báo Công an Nhân dân (ngày 2/11/2007), được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh đã ký quyết định thành lập Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (GTEL). Quyết định này đến sau khoảng hai tháng, tại Nga, Bộ Công an và hãng di động lớn thứ nhì Nga Vimpelcom ký kết một thoả thuận nguyên tắc trong dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến công du Liên bang Nga hồi tháng 9/2007.

Theo thông cáo báo chí từ Vimpelcom, thoả thuận hợp tác trên sẽ thiết lập một liên doanh viễn thông di động GSM tại Việt Nam mang tên GTel Mobile. Vimpelcom còn tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam trong vài năm tới, cung cấp kỹ thuật nhằm phát triển mạng lưới di động GSM Việt Nam. Vimpelcom cho biết, tham gia vào liên doanh này còn có hãng Millenium Global Solutions Group (Mỹ).

Vào thời điểm này, còn quá sớm để trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có thêm mạng di động thứ 7 hay không. Tuy nhiên, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, giả sử GTEL có được giấy phép cung cấp dịch vụ thông tin di động thì có còn cửa nào cho một mạng di động mới tại thị trường Việt Nam?

Lý thuyết thì có, nhưng thực tế quá khó

Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có 6 mạng di động cạnh tranh quyết liệt chia làm 2 nhóm là 3 nhà khai thác GSM và 3 nhà khai thác CDMA. Giới phân tích cho rằng một thị trường với 84 triệu dân nhưng có tới 6 mạng di động là quá nhiều. Các chuyên gia còn khẳng định thị trường này trước sau cũng sẽ quay về con số chỉ còn 3 nhà khai thác như thị trường di động của các nước khác. Xu hướng sáp nhập của các mạng di động được nhận định sẽ bắt đầu diễn ra vào thời điểm năm 2008. Các mạng di động lớn hiện nay đã chiếm được quy mô khách hàng đáng kể, đủ để họ có điều kiện giảm giá cước rất mạnh. Trong khi đó, một mạng di động mới ra đời sẽ không đủ sức tham gia cuộc chơi giảm cước này bởi họ chưa có khách hàng và cần phải khấu hao thiết bị.

Giới phân tích còn cho rằng, hiện tại thị trường Việt Nam mới chỉ có hơn 20% dân số sử dụng ĐTDĐ. Với tốc độ phát triển như hiện nay, đến năm 2010 sẽ có trên 50 - 60% dân số Việt Nam sử dụng ĐTDĐ. Đây cũng là thời điểm mà sẽ xảy ra hiện tượng bão hoà, nên rất khó phát triển thuê bao mới. Như vậy, thời “vàng son” phát triển thuê bao của các mạng di động sẽ chỉ còn 2 năm nữa.

Trong khi đó, nếu trong năm 2007 một mạng di động mới được cấp phép thì nhanh nhất cũng phải đến năm 2010 mới có thể chính thức cung cấp dịch vụ. Như vậy, mạng di động này sẽ chính thức cung cấp dịch vụ khi thị trường đã bão hoà. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel phân tích, sẽ còn cửa cho mạng di động nếu mới họ làm được như Viettel Mobile, mạng di động mới này chỉ mất hơn 2 năm để vươn lên những vị trí số hàng đầu trên thị trường thông tin di động.

Thế nhưng, giới phân tích lại nhìn nhận vấn đề thực tế hơn bởi gần như cơ hội cho mạng di động mới vào thị trường chỉ còn trên lý thuyết, còn thực tế cánh cửa thị trường thị trường thông tin di động đang khép lại cho kẻ đến sau.

Khó khăn về băng tần, lỡ làng với 3G

Hiện Bộ TT&TT đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để thi tuyển 3G. Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, những doanh nghiệp đủ điều kiện thi tuyển 3G phải là mạng 2G. Như vậy, cho đến thời điểm này nếu doanh nghiệp nào chưa có giấy phép thiết lập mạng 2G sẽ không có cơ hội thi tuyển 3G. Trong khi đó, Bộ TT&TT khẳng định sẽ chỉ có 4 giấy phép 3G và nếu mạng di động thành lập sau thời điểm thi tuyển sẽ không kịp bước lên “chuyến tàu 3G”. Mặc dù cho đến thời điểm này, nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G chưa nhiều, nhưng chắc chắn đó sẽ là dịch vụ trong tương lai. Vì vậy, nếu mạng di động mới không có trong tay giấy phép 3G sẽ bị lép về trên thị trường.

Bên cạnh đó, có thể nhận thấy một trong những vấn đề có tính quyết định thành công của mạng di động là băng tần. Một ví dụ nhãn tiền cho thấy EVN Telecom bị cảnh “trâu chậm uống nước đục” nên đã buộc phải sử dụng băng tần 450 MHz. Cho đến thời điểm này, nhược điểm về băng tần khiến mạng di động này đang gặp khó vì can nhiễu và quá ít nhà sản xuất thiết bị cho băng tần này.

Ông Phạm Hồng Hải cho biết, hiện vẫn còn băng tần cho mạng di động mới. Thế nhưng, băng tần để triển khai hiệu quả (800 - 900 MHz) thì đã hết và chỉ còn băng tần 1800 MHz. Nếu mạng di động mới triển khai trên băng tần này sẽ gặp khó khi triển khai cung cấp dịch vụ trên toàn quốc bởi băng tần này phải đầu tư nhiều trạm BTS để phủ sóng, trong khi đó những nhà khai thác khác có được băng tần 800 - 900 MHz sẽ chỉ phải đầu tư ít hơn nên hiệu quả đầu tư sẽ tốt hơn.

Ông Phạm Hồng Hải cho biết, thông thường băng tần 1800 MHz chỉ triển khai cung cấp dịch vụ ở những nơi đông dân cư, nhưng đối với những vùng nông thôn thì việc phủ sóng ở băng tần này rất tốn kém và không hiệu quả. Một ví dụ cho thấy, trước đây Viettel được cấp băng tần 1800 MHz để cung cấp dịch vụ di động tại Campuchia. Thế nhưng, Viettel đã phải xin băng tần 900 MHz bởi nếu sử dụng băng tần 1800 MHz sẽ không có hiệu quả đầu tư.

Với những phân tích trên cho thấy, nếu một mạng di động mới ra đời, thuận lợi thì quá xa vời, còn khó khăn đang chồng chất trước mắt. Ngay cả những ý kiến lạc quan nhất cũng rất khó đề cập đến tương lai tươi sáng cho mạng di động mới nếu được thành lập.

(Theo N.T - ICTnews)



Bình luận

  • TTCN (2)
Nemo Nguyen  21665

6 nhà cung cấp dịch vụ là quá nhiều với mạng 2G và 3G trong tương lai. Tuy nhiên có 1 điểm ý thú ở đây đó chính là mạng 4G Wimax. Chi phí đầu tư 1 mạng Wimax Mobile 4G mới trong 1, 2 năm tới có thể còn rẻ hơn đầu tư cho 1 mạng GPRS/UMTS/HSPDA 3,5G. Có nhiều khả năng 3G chưa kịp triển khai đại trà tại VN... thì 4G Wimax Mobile đã phổ biến trên thế giới.

Do vậy nhiều đại gia có tâm nhìn xa thì vẫn cố mà xin được giấy phép đang rẻ bèo (khi người dân chưa nhận thức được và cơ quan quản lý chưa chịu dánh giá đúng giá trị) ở VN vì thị trường tuy đông, nhưng vẫn có cơ hội.

Quang Trung  22192

FPT triển khai Wi-Fi City http://bit.ly/boMoz3 và VNPT đang triển khai WiMAX http://bit.ly/cDeSt2 ở HN & tp HCM ko biết đã xong chưa Smile